Phát triển bền vững nghề nuôi tôm: Bài 2: Bất cập hạ tầng và ô nhiễm tại các vùng nuôi tôm thâm canh

Tôm mặn lợ là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành Thủy sản, song nhiều năm lại nay, con tôm nuôi trở nên bấp bênh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó, đáng kể nhất là do bất cập về hạ tầng và ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi tôm thâm canh.

Sau gần 10 năm chuyển sang nuôi tôm thẻ, do quy trình và điều kiện nuôi thay đổi cơ bản nên hạ tầng trước đây vốn đầu tư để nuôi tôm sú đã bộc lộ những hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả nghề nuôi tôm. Mặt khác, phần lớn các cơ sở nuôi tôm ở tỉnh ta có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không được đầu tư đúng mức và bài bản nên khó đảm bảo sự bền vững.

Một trong những bất cập được nhiều chủ nuôi tôm nhận định là hạ tầng cấp và thoát nước cho các vùng nuôi chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, trong khi nguồn nước lấy vào ao nuôi tôm chủ yếu từ các con kênh, dòng sông. Thực tế cho thấy, phần lớn các vùng nuôi không có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt; không có diện tích lắng lọc nước cho cả vùng và các mô hình cũng chưa quan tâm, dành diện tích để lắng và xử lý nước.

Quá trình nuôi, do mật độ quá cao và hạ tầng bất cập như trên nên toàn bộ các chất thải từ ao đầm đều xả ra hệ thống thoát nước chung, trong khi đó, con tôm vốn khá nhạy cảm với dịch bệnh nên khi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thay đổi thì dễ phát sinh và lây lan nhanh thành dịch.

Chủ đầm tôm Võ Anh Tuấn xã Quỳnh Yên trao đổi với PV về những bất cập trong hạ tầng đầm tôm. Hai bên bờ sông Mai Giang ngày càng xuất hiện nhiều nhà máy chế biến hải sản, nên ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải dẫn tới các đầm tôm thiếu ôxy. Ảnh: Nguyễn Hải - Xuân Hoàng
Chủ đầm tôm Võ Anh Tuấn xã Quỳnh Yên trao đổi với PV về những bất cập trong hạ tầng đầm tôm. Hai bên bờ sông Mai Giang ngày càng xuất hiện nhiều nhà máy chế biến hải sản, nên ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải dẫn tới các đầm tôm thiếu ôxy. Ảnh: Nguyễn Hải - Xuân Hoàng

“Nuôi tôm đòi hỏi đầu tư cao, từ ao đầm, con giống, thức ăn, điện… Nếu dịch bệnh xảy ra là thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Do càng nuôi càng lỗ vốn nên trong tổng số 4 ha ao đầm, vài năm nay gia đình chỉ đầu tư nuôi 1 ha, còn 2 ha làm ao lắng, số diện tích 1 ha còn lại “treo đầm” – ông Võ Anh Tuấn băn khoăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Toán ở phường Quỳnh Vinh (TX Hoàng Mai) là người nuôi tôm nhiều năm, trăn trở: Hiện nay, bất cập nhất là phần lớn người dân nuôi tôm còn manh mún, mỗi hộ một vài ao, nên không quản lý được môi trường nguồn nước, dịch bệnh dễ lây lan sang hộ khác.

Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân – ông Hoàng Quang Vinh bổ sung: Sông Mơ chảy qua địa bàn Quỳnh Xuân nằm giữa 2 cửa lạch Cờn từ phía Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) vào và Lạch Quèn từ phía Tiến Thủy sang; khi thủy triều lên/xuống, thay vì thoát nước thải đi thì nước từ 2 phía cửa lạch dồn về khiến nước thải không thoát đi mà dồn về khu vực Quỳnh Xuân nên nước nuôi tôm không còn an toàn. Tương tự, hạ tầng vùng nuôi tôm xã An Hòa hay Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) cũng bất cập khi hệ thống cấp và thoát nước chung và được đầu tư những năm 2000, nay đã xuống cấp. Vì vậy, phương án an tâm nhất vẫn phải lấy nước từ biển vào để lắng lọc.

Mặt khác, từ khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, do là con tôm thịt hàng hóa, năng suất cao và thời gian nuôi ngắn nên đồng nghĩa với mật độ, lượng thức ăn tăng lên. Trong khi phần lớn hạ tầng ao đầm trước đây được thiết kế nuôi tôm sú với điều kiện nuôi thưa, thời gian dài, nay chuyển sang nuôi tôm thẻ đã bộc lộ bất cập và quá tải cho môi trường. Do không có hệ thống xử lý nước thải riêng và thiết kế ao đầm chưa đáp ứng quy trình nuôi từ 2-3 giai đoạn, các chủ đầm chưa dành diện tích để lắng lọc, xử lý nước và ương gièo nên rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp.

Hệ thống điện lưới ra nhiều vùng nuôi tôm còn nhiều bất cập. Ảnh: Xuân Hoàng
Hệ thống điện lưới ra nhiều vùng nuôi tôm còn nhiều bất cập. Ảnh: Xuân Hoàng

Có một thực tế là hầu hết các vùng nuôi tôm trên địa bàn hiện nay đều hình thành tự phát. Theo đó, trước đây, thấy một số mô hình nuôi trồng có lãi nhanh, bà con tận dụng các vùng ao đầm ven sông cải tạo lại để nuôi thâm canh. Vài vụ đầu có lãi, nhưng sau đó các hạn chế dần bộc lộ. Nguyên nhân là do nguồn nước đầu vào với đầu ra đều chung 1 kênh, nên chỉ cần 1 ao đầm trong vùng có tôm bệnh thải ra là khiến cả vùng nuôi đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Khảo sát tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai cho thấy, dọc theo tuyến sông Mơ có nhiều vùng đầm nuôi tôm thâm canh như Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, Quỳnh Bảng và Quỳnh Yên, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lương nhưng nguồn nước duy nhất lấy vào đầm để nuôi tôm đều được lấy từ sông Mơ chảy từ đầu nguồn Vực Mấu xuôi về biển và ngược lại đưa nước từ biển lên.

Thực tế trên cho thấy, chừng nào hạ tầng các vùng nuôi chưa được cải tạo, nâng cấp và các chủ đầm chưa tiến quy hoạch lại diện tích nuôi, bố trí diện tích để làm ao lắng, xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm thì nguy cơ dịch bệnh trên tôm sẽ còn nhiều.

Theo ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai, điều kiện hạ tầng hiện tại nếu nuôi quảng canh thì không sao nhưng thâm canh thì rất khó thành công. Bất cập nhất đối với vùng nuôi tôm của địa phương là vấn đề quy hoạch. Trước đây, các hộ nuôi tôm trên địa bàn phát triển tự phát, nên ao hồ manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến việc xây dựng hệ thống kênh mương cấp, thoát nước rất khó khăn. Thứ nữa, các vùng nuôi tôm không có khu xử lý nước thải tập trung, nên các hộ nuôi xả thẳng ra kênh mương, cùng đó hạ tầng kênh mương cấp, thoát nước chưa được tách biệt, dẫn đến dịch bệnh có cơ hội lây lan, nhất là các bệnh vi rút như: đốm trắng, bệnh hội chứng gan tụy…

Từ những bất cập đó, dẫn đến nhiều hộ dân có điều kiện kinh tế, muốn đầu tư nuôi tôm quy mô lớn cũng ngần ngại. “Điện lưới cung cấp cho vùng nuôi tôm chưa được Nhà nước đầu tư, mà mỗi hộ dân tự kéo ra ao đầm, nên thiếu an toàn và chất lượng điện thấp. Hệ thống giao thông trong vùng tôm chủ yếu đang đường đất, cầu cống không đảm bảo, nhiều nơi sạt lở sau mỗi mùa mưa bão, khiến xe ô tô ra vào vận chuyển vật tư và thu mua tôm khó khăn”, ông Thủy băn khoăn.

Theo một số chủ đầm, nuôi tôm ngày càng khó khăn, ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện thời tiết khí hậu thất thường, rét đậm và nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến nuôi trồng thì có nguyên nhân chủ quan nữa từ nguồn giống chưa thực sự đảm bảo. Cùng với đó, những người có kinh nghiệm nuôi tôm cho rằng, không ít chủ đầm thiếu hiểu biết trong việc sử dụng thuốc, hóa chất; hạn chế trong ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật nuôi; công tác quản lý cộng đồng trong nuôi tôm còn nhiều bất cập… khiến cho dịch bệnh trên tôm hàng năm vẫn diễn ra phổ biến, thiệt hại lớn đến kinh tế của người dân, ảnh hưởng đến tính bền vững và hiệu quả của ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Thực tế khảo sát tại các vùng nuôi tôm mặn lợ trọng điểm của tỉnh, như: Quỳnh Thanh, Quỳnh Yên, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lương, Quỳnh Thuận, An Hòa… (Quỳnh Lưu), Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai)… cho thấy nguồn nước vào và ra đều chung một hệ thống sông Mai Giang, sông Mơ và đang chịu cảnh ô nhiễm môi trường. Câu hỏi đặt ra là, vì sao trước đây ao đầm nuôi tôm ít bị ô nhiễm, thì nay lại ô nhiễm như vậy?

Một đoạn mương bị ô nhiễm ngay trong vùng nuôi tôm ở xã Quỳnh yên; Nước thải trực tiếp từ các đầm nuôi tôm ra sông Mai Giang; Nước từ đầm tôm nuôi công nghiệp thải ra chứa nhiều hóa chất khiến không nhiều tôm cá sinh sống được. Ảnh: Xuân Hoàng - Nguyễn Hải
Một đoạn mương bị ô nhiễm ngay trong vùng nuôi tôm ở xã Quỳnh yên; Nước thải trực tiếp từ các đầm nuôi tôm ra sông Mai Giang; Nước từ đầm tôm nuôi công nghiệp thải ra chứa nhiều hóa chất khiến không nhiều tôm cá sinh sống được. Ảnh: Xuân Hoàng - Nguyễn Hải

Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Xuân Trúc – Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho rằng, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến nguồn nước ngày càng ô nhiễm. Đó là do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi liên tục, khắc nghiệt hơn. Cùng đó, các chất thải từ sản xuất nông nghiệp, như thuốc BVTV, phân bón… ra môi trường; nước thải sinh hoạt của dân cư, như xà phòng, chất tẩy các loại… sử dụng ngày càng nhiều, khiến các dòng sông, trong đó có hệ thống sông chảy qua địa bàn bị ô nhiễm. “Trước đây, sông Mơ nguồn nước trong sạch, cá tôm khá nhiều nhưng nay nước luôn tình trạng đục ngầu, thậm chí có đoạn màu đen, tôm, cá giảm hẳn, nguồn nước lấy vào ao đầm từ đó cũng bị ô nhiễm nặng”, ông Bùi Xuân Trúc cho hay.

Mặt khác, so với trước đây, các vùng cửa biển lạch Quèn và lạch Cờn do mật độ dân cư lớn, tập trung nhiều cơ sở, nhà xưởng chế biến đồng nghĩa với lượng xả thải lớn, kèm theo đó là lượng dầu thải từ tàu thuyền thải ra nên nước từ biển vào cũng không còn sạch.

Thực trạng bất cập trên đã được chủ đầm kiến nghị đến các cấp, ngành từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ và người nuôi tôm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra.

Chủ đầm luôn trong nỗi lo tôm nuôi bị nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng
Chủ đầm luôn trong nỗi lo tôm nuôi bị nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong năm 2021, bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 71 đầm ở 7 phường, xã thuộc 4 huyện, thành, thị (TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc). Tổng diện tích bị bệnh 23,77 ha, trong đó: Bệnh đốm trắng 8,1 ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 13,73 ha; tôm chết không rõ nguyên nhân 1,94 ha. Diện tích tôm bị bệnh tập trung chủ yếu ở các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh là TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.

(Còn nữa)