Phát triển các môn thể thao DTTS: Chưa quan tâm đúng mức

21/09/2014 17:05

(Baonghean) - Nghệ An có 6 dân tộc thiểu số (Thái, Thổ, thanh, Mông, Khơ mú, Ơ đu) sinh sống trên địa bàn 11 huyện, thị xã miền núi nên phong tục, tập quán cũng như các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống khá phong phú và đa dạng.

Thi bắn nỏ tại Lễ hội hang Bua năm 2014.
Thi bắn nỏ tại Lễ hội hang Bua năm 2014.

Những nỗ lực bảo tồn…

Ngoài việc thi đấu tại các lễ hội ở miền Tây, từ năm 1992, hàng năm, các huyện miền núi tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc, trong đó, ngoài các hoạt động về văn hoá còn có hoạt động thi đấu các môn thể thao đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Và 2 năm một lần, ngành TDTT tổ chức Hội thi thể thao dân tộc miền núi, trong đó các môn thể thao đặc trưng trên chiếm phần lớn trong các môn thi đấu. 4 năm một lần, tại Đại hội TDTT cấp huyện, tất cả các huyện miền núi (kể cả Thị xã Thái Hòa) đều đưa 2 môn bắn nỏ và đẩy gậy vào chương trình thi đấu. Riêng môn đẩy gậy, dù xuất phát là môn thể thao dân tộc thiểu số, nhưng cũng được các huyện đồng bằng đưa vào tranh tài tại Đại hội TDTT.

Còn tại Đại hội TDTT tỉnh Nghệ An lần thứ VII năm 2014 diễn ra vào tháng 5 vừa qua, trong số 17 môn thi đấu có 2 môn thể thao dân tộc thiểu số là bắn nỏ và đẩy gậy. Ở cấp độ toàn quốc, từ năm 2005 đến nay, các VĐV dân tộc thiểu số Nghệ An đã 5 lần tham gia hội thi thể thao các dân tộc thiểu số khu vực I (được tổ chức 2 năm một lần), xếp hạng từ thứ 3 đến thứ 7 toàn đoàn. Thành tích đáng chú ý của đoàn Nghệ An tại các hội thi này đều ở môn bắn nỏ, với tấm HCB năm 2005 của VĐV Lô Văn Kiện và tấm HCB năm 2013 của VĐV Lương Thị Duyên. Ngoài ra, VĐV Lô Văn Kiện đã giành 1 HCV môn bắn nỏ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, năm 2006; VĐV Nguyễn Thị Thủy giành HCB môn đẩy gậy tại Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc năm 2008.

Thời gian qua, các trường học ở các huyện miền núi đã chú trọng đưa các môn thể thao dân tộc thiểu số vào trường học. Tại huyện Quỳ Châu, cô giáo Võ Thị Lộc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Từ năm 2010, phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đưa các trò chơi dân gian vào trường học, trong đó có các môn thể thao dân tộc như kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy…, được các giáo viên và học sinh đón nhận rất hào hứng. Nhiều học sinh, nhờ làm quen với môn đẩy gậy ở trường, đã rất tích cực tập luyện môn này và tham gia thi đấu ở các lễ hội, các hội khỏe của trường, của huyện”. Còn môn bắn nỏ, từ năm 2012 đã được đưa vào chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, do đó các trường học cấp THCS, THPT ở các huyện miền núi cũng đã chú trọng đưa môn này vào chương trình giáo dục thể chất, tiêu biểu là các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong… Tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII vừa qua, đội tuyển bắn nỏ huyện Con Cuông, dù có nhiều VĐV đang là học sinh THCS như: Hà Thị Thương, Lô Thị Thương, Lang Thị Huyền Diệu… nhưng đã tạo nên bất ngờ thú vị khi vượt qua đoàn Tương Dương – đơn vị có mặt “kiện tướng” số 1 Lô Văn Kiện cùng các xạ thủ có tiếng như: Lô Thị Dinh, Lô Thị Trang, để chiếm vị trí thứ nhất trên bảng tổng sắp với 5/8 HCV.

… và còn nhiều trăn trở

Tuy nhiên, việc phát triển các môn thể thao dân tộc thiểu số ở Nghệ An hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, mà trước hết là về mặt chính sách. Ông Lương Bá Viễn – Giám đốc Trung tâm VH – TT huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Ngày 22/8/2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3245/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển phong trào TDTT miền núi, bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc miền Tây - Nghệ An giai đoạn 2006 - 2020. Ngoài các giải pháp về nâng cấp cơ sở vật chất, thiết chế thể thao, xây dựng các hình thức hoạt động TDTT quần chúng… ở các huyện miền núi; đối với việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc, Đề án nêu rõ: “Đối với dân tộc người Thái: Chú trọng phát triển các môn đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đi cà kheo, tò lẻ; Đối với dân tộc người H'mông: Bắn nỏ, leo núi, chọi gụ; Đối với dân tộc Thổ, Khơ mú và các dân tộc khác: Đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đi cà kheo, leo núi...”. Tuy nhiên, đề án lại thiếu số liệu thống kê đầy đủ số môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh, đâu là môn thế mạnh và các môn này thuộc những địa phương nào, dẫn đến thiếu định hướng phát triển chính xác cho các môn thể thao này”.

Thực tế cho thấy, ở tỉnh ta hiện nay, việc tổ chức các giải đấu dành cho các môn thể thao dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng. Các VĐV tham gia các giải đấu chủ yếu vẫn tuyển chọn từ các lễ hội, ít được huấn luyện một cách bài bản. Việc đầu tư cơ sở vật chất, luyện tập và huấn luyện cho VĐV ở cơ sở vẫn chưa được quan tâm đúng mức và còn tự phát. VĐV Nguyễn Thị Thủy (Quỳnh Lưu) – môn đẩy gậy tâm sự: “Dù Quỳnh Lưu là địa phương mạnh nhất ở môn đẩy gậy nhưng chúng tôi cũng không hề được tập luyện bài bản về môn thể thao này. Khi nào thi đấu ở huyện, ở tỉnh hay các giải toàn quốc mới tập trung luyện tập vài ngày và việc luyện tập cũng như thi đấu gần như theo bản năng và kinh nghiệm mà thôi”.

Bên cạnh đó, những năm qua, các môn thể thao dân tộc thiểu số dần bị đưa ra khỏi chương trình thì đấu của các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Nếu như tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, năm 2006, đoàn Nghệ An vẫn có thể tham dự 2 môn là đẩy gậy và bắn nỏ thì đến Đại hội lần thứ VI chỉ còn môn đẩy gậy và đến Đại hội lần thứ VII năm 2014 được tổ chức tại Nam Định vào tháng 12 sắp tới, môn đẩy gậy không còn được đưa vào chương trình thi đấu. Ngoài ra, theo ông Lô Trung Thành – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: “Ngoài các môn đã được luật hóa và đưa vào thi đấu hàng năm như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, ở các huyện miền núi Nghệ An còn có một số môn thể thao khác như: tò lẻ, chọi gụ, đánh đu... được người dân yêu thích nhưng do chưa có luật chơi cụ thể nên rất khó tổ chức các giải đấu”.

Để bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc thiểu số, thiết nghĩ, đối với các môn đã được đưa vào chương trình thi đấu, ngành TDTT cần có biện pháp huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức thêm nhiều giải đấu, thành lập các câu lạc bộ bắn nỏ, đẩy gậy ở các huyện. Mặt khác, các địa phương miền núi cần tăng cường hơn nữa sự chủ động, tích cực trong việc tổ chức các giải đấu thể thao có những môn truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số... Đối với những môn chưa được đưa vào chương trình thi đấu, cần nghiên cứu luật hóa để có cơ sở cho việc tổ chức các giải đấu. Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng cơ sở vật chất tại các thôn, bản; tăng cường mở các lớp đào tạo nghiệp vụ cho những cán bộ TDTT cơ sở và đặc biệt là có chế độ đãi ngộ cho những VĐV xuất sắc ở các môn thể thao dân tộc thiểu số, các nghệ nhân chế tác dụng cụ thể thao dân tộc để phát huy hơn nữa vai trò của họ trong việc phát triển phong trào tập luyện các môn thể thao dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Minh Quân

Phát triển các môn thể thao DTTS: Chưa quan tâm đúng mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO