Phát triển chăn nuôi bền vững

21/06/2015 14:55

(Baonghean) - Từ khi thực hiện Thông tư số 27 của Bộ NN&PTNT, kinh tế trang trại ở huyện Tân Kỳ phát triểsn sôi động. Năm 2012, toàn huyện mới có 7 trang trại đạt tiêu chí mới, thì nay đã có 47 trang trại. Điểm mới ở nhiều mô hình là các hộ tập trung đầu tư theo chuyên ngành và lĩnh vực, trong đó chăn nuôi lợn, bò theo hướng tập trung mang lại kết quả tích cực.

Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình chị Trần Thị Nga  ở xã Tân Phú (Tân Kỳ).
Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình chị Trần Thị Nga ở xã Tân Phú (Tân Kỳ).

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của chị Trần Thị Nga, xóm Hạ Sưu, xã Tân Phú chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước hàng trăm con lợn tạ được nuôi trong 2 dãy chuồng trại được thiết kế rộng rãi, thoáng mát. Chị Nga cho biết: Toàn bộ khu vực chăn nuôi hiện có trên 400 con lợn, gồm làm 2 lứa. Lứa 200 con nuôi đã hơn 3 tháng, con nhỏ nhất đạt trọng lượng khoảng 110 kg, con to khoảng 120 kg, đang chuẩn bị xuất chuồng. Lứa còn lại đã nuôi được 2 tháng. Bằng cách nuôi cuốn chiếu, cứ sau hơn 1 tháng gia đình chị Nga lại xuất chuồng một lứa, khoảng hơn 20 tấn lợn. Lợn hơi hiện nay bán giá 44.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, 1 con lợn chị thu lãi khoảng 500 nghìn đồng.

Chị Nga tâm sự: Trước đây buôn bán nhỏ, làm quanh năm nhưng đồng tiền dư giả không được bao nhiêu. Năm 2012, từ 4 triệu đồng ban đầu, chị mạnh dạn vay mượn thêm bạn bè, xây dựng 2 ô chăn nuôi lợn trên mảnh đất thổ cư của cha mẹ. “Mèo nhỏ bắt chuột bé”, lúc đầu chị Nga nuôi 10 con lợn thịt, học hỏi qua tài liệu kỹ thuật chăn nuôi lợn và rút kinh nghiệm từ thực tế, nên lứa lợn nào cũng nhanh lớn. Sau hơn 1 năm tích góp, chị Nga mở rộng quy mô chuồng trại đủ nuôi một lúc 500 con lợn thịt. Về con giống chị Nga đặt hàng ở các trại chăn nuôi có uy tín ở Hà Nội. Đầu ra cho sản phẩm lợn thịt quyết định thành công của chăn nuôi, do vậy, chị tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng cách “lướt web”, tìm các bạn hàng thông qua internet, sau đó đến tận nơi tìm hiểu đặt vấn đề cung cấp và tiêu thụ sản phẩm.

Đơn vị nhận tiêu thụ lợn thịt cho chị hiện nay là một công ty chế biến thịt hộp ở Hà Tĩnh. Nhờ sự nhạy bén với cơ chế thị trường, chị chủ động liên doanh, liên kết với các công ty cung ứng con giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm nên lợn xuất chuồng kịp thời, không lãng phí thời gian và chi phí đầu tư. Chị Trần Thi Nga bộc bạch: Nuôi lợn thịt trước hết phải chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng, phòng bệnh đúng định kỳ đầy đủ các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh gia súc, chọn thức ăn công nghiệp phù hợp, chuồng trại phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nhờ ứng dụng tốt các tiến bộ KHKT và áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, chị Nga đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động; mỗi năm xuất chuồng từ 200 - 250 tấn lợn hơi. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi thêm trâu, bò, dê mỗi năm thu nhập thêm trên 100 triệu đồng.

Nghề chăn nuôi với ông Lê Mạnh Hùng ở xóm Cửa Đền, xã Nghĩa Dũng là một cơ duyên. Được người dân nhiệt tình hướng dẫn, chúng tôi tìm đến khu vực chăn nuôi lợn khép kín của ông trên vùng đất ven đồi. Gặp khách tới thăm, nghỉ tay chốc lát, ông Hùng cho biết: Gia đình có 4 ha đất sản xuất ven đồi, quanh năm trồng mía, ngô, đậu, lạc…vất vả, cực nhọc, nhưng lúc nào cũng nghèo khó, túng quẫn đeo bám mãi. Trong quá trình mưu sinh được người bạn nhiệt tình “mách” cho cách chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, sau nhiều ngày suy nghĩ, trăn trở, rồi bàn bạc với vợ, ông quyết định học hỏi và làm theo. “Cái khác của tôi là không nuôi lợn theo tập quán cũ của người nông dân trong vùng mà nuôi lơn siêu nạc theo hướng công nghệ cao” - ông Hùng cho biết.

Được một doanh nghiệp chăn nuôi tư vấn, hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, nên mọi việc ban đầu rất thuận lợi. Ông mạnh dạn làm hồ sơ vay ngân hàng được hơn 200 triệu đồng, còn lại vay mượn anh em, bạn bè. Sau thời gian ngắn xây dựng, 2 dãy chuồng trại chăn nuôi lợn công nghiệp được cất lên trên mảnh đất vốn chỉ biết trồng cây màu trước đây của gia đình. Hệ thống chuồng trại khép kín này đủ để nuôi một lúc 1 nghìn con lợn thịt, nhưng cấp huyện mới cho phép nuôi 500 con/lứa. Chuồng trại được chia nhiều dãy, nhiều ô, được thiết kế máng ăn, hệ thống vòi nước tắm cho lợn thuận lợi, khoa học, nên giảm được nhân công lao động trực tiếp.

Ông Hùng cho biết thêm: Bằng nguồn vốn tích góp được, tới đây ông sẽ đầu tư lắp đặt dây chuyền chuyển thức ăn tự động từ bồn chứa vào trại, công nhân sẽ đỡ vất vả, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Sau hơn 1 năm áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi lợn thịt siêu nạc, trang trại của ông Hùng xuất chuồng được 240 tấn lợn hơi, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng phân bón trồng mía, năng suất đạt cao, mỗi năm thu 160 triệu đồng. Gia đình ông trở thành hộ có mức thu nhập cao nhất trong xóm, xã.

Có thể nói rằng, kinh tế trang trại của huyện Tân Kỳ đang phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phong trào làm kinh tế trang trại, gia trại của nông dân Tân Kỳ đã có từ hàng chục năm nay, nhưng trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc tập trung xuất hiện 3 năm lại nay, đang được huyện khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh hơn nữa. Kinh tế gia trại, trang trại đã phát huy được lợi thế về đất đai và con người của địa phương. Đây chính là điều kiện để người dân Tân Kỳ hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa an toàn với số lượng lớn, tiến tới xây dựng nông thôn bền vững.

Xuân Hoàng

Các trang trại ở Tân Kỳ giải quyết việc làm thường xuyên cho 426 lao động. Tổng diện tích của các trang trại hơn 1.293 ha. Sản phẩm của trang trại khá đa dạng, ước khoảng 5.300 tấn keo, hơn 3 nghìn tấn mía nguyên liệu, gần 1,6 nghìn tấn sắn, 4.300 con lợn, 1.330 con dê, hơn 26 nghìn con gia cầm… tổng thu nhập từ trang trại tính đến năm 2014 trên 62 tỷ đồng. Đến nay UBND huyện đã công nhận 474 gia trại, với tổng thu nhập của các gia trại tính đến năm 2014 đạt trên 102 tỷ đồng (bình quân mỗi gia trại thu nhập 215 triệu đồng/năm).

Mới nhất
x
Phát triển chăn nuôi bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO