Phát triển công nghiệp dệt may: Bài 1: Sôi động từ những dự án
Chưa có lúc nào, lĩnh vực dệt may được quan tâm đầu tư rầm rộ như hiện nay. Tại nhiều địa phương, ngoài những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, vẫn còn nhiều nhà đầu tư tiếp tục tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Một bức tranh mới với nhiều gam màu sáng đang hiện dần trong công nghiệp dệt may Nghệ An.
Chưa có lúc nào, lĩnh vực dệt may được quan tâm đầu tư rầm rộ như hiện nay. Tại nhiều địa phương, ngoài những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, vẫn còn nhiều nhà đầu tư tiếp tục tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Một bức tranh mới với nhiều gam màu sáng đang hiện dần trong công nghiệp dệt may Nghệ An.
Chúng tôi có mặt tại cụm công nghiệp (CCN) Nam Giang, huyện Nam Đàn - cụm dệt may lớn của tỉnh nằm ngay cạnh Quốc lộ 46 vào một ngày trung tuần tháng 8. Trên khu đất rộng, các hạng mục nhà xưởng, kho, nhà ở... của Công ty Haivina Kim Liên đã cơ bản hoàn thành. Hệ thống máy móc đang được Công ty đẩy nhanh tiến độ lắp đặt. Anh Nguyễn Văn Hải - phụ trách thi công cho biết: Dự án được khởi công từ tháng 12/2010, kế hoạch đến tháng 8/2011 hoàn thành 3 nhà xưởng, lắp đặt máy móc và chạy thử dây chuyền sản xuất, song không thực hiện được. So với kế hoạch, dự án chậm khoảng 2 tháng.
Dự án dệt may của Công ty TNHH Haivina - Kim Liên có tổng mức đầu tư 5 triệu USD, công suất 3,5 triệu đôi găng tay thể thao, găng tay công nghiệp/năm, sử dụng 4.000 lao động; 100% vốn tự có của doanh nghiệp, được xây dựng trên khuôn viên diện tích 4.500m2. Hiện tại, Công ty đã tuyển khoảng 1.000 lao động vào học việc, làm quen với dây chuyền sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. 4 container máy may và 2 container máy cắt cũng được chuyển về kho hàng nhà máy.
Nằm kế bên Haivina Kim Liên là dự án có quy mô lớn khác đang được kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động của Tổng Công ty Hanosimex với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thu hút hơn 2.000 lao động địa phương và các huyện lân cận... Hiện nay, nhà thầu đang tiến hành san lấp mặt bằng.
Là tỉnh có diện tích rộng đứng thứ 3 cả nước, dân số gần 3 triệu người, trong đó có hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 56% dân số toàn tỉnh; đồng thời là tỉnh có vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu, phân phối lưu thông hàng hóa và xuất khẩu hàng dệt may đi các nước.
Những lợi thế đó đã và đang thu hút các nhà đầu tư tìm đến với Nghệ An trong lĩnh vực dệt may trong thời gian gần đây. Ngoài một số đơn vị cũ như Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan; Công ty TNHH Phú Vinh; Xưởng may X20 của Công ty may Lam Hồng (Quân khu IV), Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên (tiếp quản từ Công ty CP May Nghệ An) tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, mới đây có sự tham gia của Công ty TNHH may thêu Khải Hoàn có mức đầu tư 40 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, cùng nhiều dự án đã cấp phép đầu tư cũng như trong quá trình tìm hiểu.
Nếu như thời điểm nửa đầu năm 2010 về trước, Nghệ An chưa có doanh nghiệp FDI nào đầu tư vào ngành dệt may thì đến cuối năm 2010 có 2 doanh nghiệp FDI 100% vốn của Hàn Quốc được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Nghệ An. Đó là Dự án Nhà máy may công nghiệp HaiVina Kim Liên tại CCN Nam Giang (Nam Đàn), Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm da và dệt may của Công ty Prex Vinh xây dựng tại CCN Lạc Sơn (Đô Lương), tổng mức đầu tư 11,6 triệu USD, công suất 3 triệu sản phẩm/năm, bao gồm sản phẩm dệt may, quần áo bơi lội, sản phẩm từ da và logo quần áo, dự kiến sử dụng 4.500 lao động. Hiện nay, dự án đang được giải phóng, san lấp mặt bằng chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, có một số nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại tỉnh như Công ty TNHH Lan Lan (Nhật Bản) đầu tư tại CCN Thị trấn Yên Thành, và Công ty Seoha Brand Networks Inc (Hàn Quốc) tại CCN Diễn Tháp (Diễn Châu).
Để phát triển công nghiệp dệt may trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và môi trường cạnh tranh khốc liệt, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ưu đãi đầu tư của Chính phủ, tỉnh Nghệ An cũng có nhiều hỗ trợ như dự án sử dụng trên 300 lao động được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh theo quy định tại Quyết định 79/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn Nghệ An; Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN; Được hỗ trợ các hạng mục lập quy hoạch chi tiết xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong, hạ tầng ngoài hàng rào (đường giao thông, điện) theo quy định tại Quyết định số 83/2009/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, trong thực tế công nghiệp dệt may chưa mang về nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh, năm 2008, là 4,4 triệu USD, nhưng vào năm 2009, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động rất lớn đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Nghệ An, năm 2010 giá trị xuất khẩu chỉ đạt 3,1 triệu USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2011, giá trị xuất khẩu đạt 1,8 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2010.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sản phẩm may mặc của tỉnh Nghệ An chủ yếu là may gia công theo đơn hàng, các công đoạn kiểm tra, giám sát sản xuất còn mang tính thủ công. Các DN chưa có chiến lược sản phẩm rõ ràng, chủng loại ít, sản lượng và giá trị xuất khẩu thấp, hàng năm đạt khoảng 3 triệu USD chủ yếu tập trung vào sản phẩm của 3 DN là Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty dệt may Nghệ An, và Công ty TNHH Phú Vinh với các sản phẩm chủ yếu là khăn, áo sơ mi, áo jacket, áo phông trẻ em và quần áo cho học sinh tiểu học, trung học...
Dệt may chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, sử dụng lao động chưa nhiều, chiếm tỷ trọng thấp trong toàn ngành công nghiệp (tỷ trọng của ngành dệt may so với toàn ngành công nghiệp chiếm từ 3,65 - 6,62%). Và đằng sau câu chuyện đầu tư, là vấn đề giải quyết những nảy sinh...
(Còn nữa)
Nghị quyết số 339 ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh Nghệ An về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 là: Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 11% - 12%; Thu ngân sách đạt 9.500 - 10.000 tỷ đồng; Kim ngạnh xuất khẩu đạt: 500 - 550 triệu USD. Để góp phần thực hiện những chỉ tiêu này, mục tiêu cho công nghiệp dệt may Nghệ An là: may dệt kim 16 triệu sản phẩm/năm, tăng 160%, quần áo may mặc 96 triệu sản phẩm/năm, tăng 115%, sợi các loại 284.000 tấn, tăng 133% so với năm 2010...
Thu Huyền