Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Thiếu chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy cơ sở

24/10/2017 06:51

(Baonghean) - Dù có nhiều nỗ lực nhưng sau hơn 3 năm thực hiện Đề án phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNCVĐTNN) theo Quyết định số 5155-QĐ/TU, số lượng đảng viên mới kết nạp, số tổ chức đảng được thành lập trong các doanh nghiệp còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đặt ra. Nguyên nhân có một phần từ sự chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt của cấp ủy cơ sở.

Nhiều đơn vị “dậm chân tại chỗ”

Là 1 trong 2 đơn vị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm “điểm” với số doanh nghiệp trong phạm vi thực hiện đề án là 41, Quỳ Hợp đã đề ra các chỉ tiêu như: Mỗi năm toàn huyện thành lập mới bình quân ít nhất 3 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trong DNTN, DNCVĐTNN. Hàng năm 100% số TCCSĐ trong các DNTN, DNCVĐTNN (có nguồn) xây dựng được kế hoạch tạo nguồn cảm tình đảng, trong đó trên 50% kết nạp được đảng viên mới; Mỗi năm toàn huyện kết nạp được ít nhất 1 chủ DNTN vào đảng...

Tuy nhiên sau 3 năm triển khai, đến nay, Quỳ Hợp vẫn chưa thành lập thêm được tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào. Công tác kết nạp đảng viên cũng không đạt chỉ tiêu đề ra.

Sản xuất tại Công ty TNHH MLB Tenergy Nhật Bản ở huyện Yên Thành.
Sản xuất tại Công ty TNHH MLB Tenergy Nhật Bản ở huyện Yên Thành.

Từ năm 2014 đến nay, huyện kết nạp 2 chủ doanh nghiệp, 8 công nhân vào Đảng, thành lập 15 tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 14 tổ chức công đoàn và 1 tổ chức đoàn thanh niên; mở 1 lớp đối tượng Đảng dành cho công nhân lao động trong các DNTN đóng trên địa bàn huyện.

Đồng chí Phan Đình Đạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp lý giải: “Quỳ Hợp có nhiều doanh nghiệp nhưng chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, dưới 20 người. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng nặng nề, sản xuất kinh doanh không ổn định, trên 50% số doanh nghiệp trên địa bàn ngừng sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, nên phát triển đảng viên rất khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp nặng về sản xuất kinh doanh, lợi nhuận, chưa quan tâm và không mặn mà với công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể trong DNTN”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp cũng thừa nhận: Một số cấp ủy cơ sở chưa nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong DNTN, DNCVĐTNN. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của một số cấp ủy cơ sở chưa được coi trọng đúng mức; việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của cấp trên còn chậm và thiếu cụ thể...

Tại huyện Nghĩa Đàn, sau 3 năm chỉ mới thành lập thêm 1 chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn trực thuộc Đảng ủy thị trấn Nghĩa Đàn. Việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng cũng gặp khó, chỉ kết nạp được 1 trường hợp là chủ DNTN Đức Vinh, xã Nghĩa Khánh.

Không những thế, chỉ tiêu 30% DNTN thành lập được tổ chức đoàn, hội mà kế hoạch đề ra cũng “ngoài tầm với” đối với Nghĩa Đàn. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện chỉ có 1 tổ chức đoàn thuộc Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH được thành lập trước thời điểm ban hành đề án.

Đối với tổ chức công đoàn, có 115 doanh nghiệp sử dụng 5 lao động có hợp đồng dài hạn trở lên, có thể thành lập công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, tuy nhiên, đến tháng 7/2017, chỉ có 15 doanh nghiệp thành lập công đoàn (chiếm tỷ lệ 13,1%), chưa đạt kế hoạch.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Nghĩa Đàn, số lượng tổ chức đảng, đoàn thể được thành lập và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên được kết nạp trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn còn thấp; nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng đảng, đoàn thể trong tình hình mới.

Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ trong doanh nghiệp chưa đảm bảo về chất lượng, nội dung, nề nếp sinh hoạt; chưa thể hiện được tính lãnh đạo, chiến đấu và giáo dục của chi bộ, dẫn đến chủ doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Đó là chưa kể số hoạt động tiếp xúc, vận động chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức đoàn, hội còn ít, còn tâm lý ngại tiếp xúc, đối thoại. Một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chế độ có liên quan đến đến người lao động; sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động chưa chặt chẽ... cũng trực tiếp hoặc gián tiếp “ngăn” Nghĩa Đàn đạt được kế hoạch đề ra.

Đơn vị lớn cũng gặp khó

Ngay cả những đơn vị lớn như Đảng bộ Khối doanh nghiệp, hiện vẫn còn 21/78 TCCSĐ trong DNTN chưa kết nạp được đảng viên mới; có 7 tổ chức giải thể do không đủ số lượng đảng viên.

Quang cảnh một buổi họp tại Công ty TNHH Royal Foods - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Quang cảnh một buổi họp tại Công ty TNHH Royal Foods - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng chí Thái Khắc Thư - người đứng đầu Đảng bộ Khối doanh nghiệp cho biết: “Việc tiếp cận chủ DNTN, DNCVĐTNN để vận động thành lập chi bộ khó khăn vì Đảng ủy Khối không trực tiếp quản lý các doanh nghiệp. Mặt khác, thời gian lao động trong các doanh nghiệp khép kín theo kỷ luật lao động, một số doanh nghiệp sản xuất 3 ca, công nhân lao động không có thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng đảng, đảng viên mới.

Việc Đảng ủy Khối không có tổ chức công đoàn trực thuộc cũng khiến công tác vận động các chủ doanh nghiệp gặp khó. Bên cạnh đó, chính việc một số tổ chức đảng và đảng viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong các hoạt động sản xuất để đưa doanh nghiệp phát triển cũng vô tình là rào cản cho việc vận động thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp”.

Đề cập những khó khăn trong phát triển đảng và đảng viên trong DNTN, DNCVĐTNN, Đảng bộ thành phố Vinh nhận diện, bên cạnh yếu tố khách quan từ phía doanh nghiệp thì một trong những nguyên nhân là do cấp ủy các cấp vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt và có giải pháp tác động hiệu quả. Nhiều đơn vị chưa thực sự nghiên cứu, trăn trở để tìm giải pháp đẩy mạnh việc phát triển đảng trong các DNTN, DNCVĐTNN.

Điều này dẫn tới trong quá trình triển khai thực hiện đề án, một số đơn vị thậm chí còn không biết đến sự ra đời của Nghị định 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phải tiến hành thành lập tổ chức đảng và các tổ chức chính trị xã hội (ngay sau đề án 5155 ban hành). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để yêu cầu các doanh nghiệp phải quan tâm đến công tác này.

Vướng mắc, bất cập trong các quy định

Theo đồng chí Đặng Tố Duyệt - Phó Ban Tổ chức Thành ủy Vinh: Ngoài các khó khăn chung, việc thực hiện thí điểm kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp vào đảng thời gian qua chưa đạt kết quả cao.

Bởi tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra cho đối tượng này khá cao (yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp THPT) trong khi điều lệ đảng chỉ quy định trình độ văn hóa tốt nghiệp THCS hoặc tương đương trở lên. Mặt khác, theo Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, tiêu chuẩn kết nạp đối với cá nhân chủ doanh nghiệp phải là “quần chúng ưu tú”.

Thế nhưng, trên thực tế để xác định quần chúng ưu tú phải có kết quả nhận xét, đánh giá của các tổ chức đoàn thể mà người đó là thành viên (đoàn viên công đoàn hoặc đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), trong khi hướng dẫn thi hành điều lệ công đoàn Việt Nam ghi rõ “đối tượng không kết nạp vào tổ chức công đoàn là: Chủ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc; Giám đốc... trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”. Đó là những bất cập mà Tỉnh ủy, Ban tổ chức Trung ương cần nghiên cứu, xem xét tháo gỡ.

Những khó khăn, bất cập này đang là rào cản cần phải sớm phá bỏ để công tác phát triển đảng trong DNTN, DNCVĐTNN được “khơi dòng” và khởi sắc hơn trong thời gian tới.

» Nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Nghệ An kết nạp thêm đảng viên mới

Khánh Ly - Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Thiếu chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO