Bài cuối: Giải pháp để công tác phát triển Đảng được ‘sâu rễ, bền gốc’
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng viên mới, các cấp ủy Đảng trên địa bàn huyện Quế Phong đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, vừa hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảngviênvề mặt số lượng, vừa đảm bảo “ sâu rễ, bền gốc”.
Khánh Ly - Đặng Cường • 29/09/2024
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng viên mới, các cấp ủy Đảng trên địa bàn huyện Quế Phong đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, vừa hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên về mặt số lượng, vừa đảm bảo “ sâu rễ, bền gốc”.
Trước thực trạng nhiều tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn khó đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên mới theo Nghị quyết 21/ NQ-TW, ngay từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong đã tổ chức Hội nghị công tác phát triển đảng viên, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Tại hội nghị này, nhiều ý kiến nêu rõ bên cạnh áp lực mưu sinh, câu chuyện thiếu nguồn còn xuất phát từ tâm lý ngại vào Đảng trong quần chúng.
Do vậy, bên cạnh khâu rà soát, sàng lọc, các cấp ủy Đảng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng, hình thành động cơ vào Đảng đúng đắn cho quần chúng. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, một khi “tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt”!
Tại xã biên giới Hạnh Dịch, qua trao đổi, anh Hà Văn Hoài - một trong 3 quần chúng ưu tú của bản Quang Vinh chuẩn bị kết nạp Đảng cho biết: Khi được cấp ủy chi bộ tuyên truyền, tôi đã giác ngộ rằng, dù đã ở độ tuổi 50 nhưng hiện đang giữ vai trò tổ trưởng tổ an ninh kiêm phó bản, tôi phải phấn đấu trở thành đảng viên. Đó vừa là sự nêu gương, vừa là cơ hội để bản thân cống hiến nhiều hơn, có tiếng nói hơn trong giải quyết việc dân, việc bản.
Hay trường hợp chị Lữ Thị Nhùng- cán bộ y tế bản Na Lướm, xã Thông Thụ, dù đã hoàn thành lớp cảm tình Đảng và được Chi bộ bản Na Lướm đánh giá phấn đấu tốt, nhưng bản thân chị còn băn khoăn, sợ vào Đảng sẽ bị ràng buộc, sau này không thể đi làm ăn xa… Nắm bắt được tâm tư của chị Nhùng, đích thân Bí thư Chi bộ Lương Văn Nguyễn đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, giải tỏa băn khoăn, giúp chị Nhùng hoàn thiện hồ sơ và hiện nay chị đã có quyết định kết nạp vào Đảng.
Tại xã biên giới Thông Thụ, đồng chí Quang Văn Thủy - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã chia sẻ: Hàng năm, Đảng ủy xã đều phân chỉ tiêu cho từng chi bộ trên cơ sở rà soát thực tế, tổ chức ký cam kết, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm. Đồng thời, yêu cầu các chi bộ trong quá trình bồi dưỡng, theo dõi nguồn phát triển Đảng phải kết hợp với các tổ chức, đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với quần chúng để nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, tháo gỡ khó khăn, nhất là trong khâu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xét kết nạp… Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm 2024, Đảng bộ xã đã kết nạp 13/12 đồng chí, vượt chỉ tiêu huyện giao.
Tương tự, Đảng bộ xã Đồng Văn năm 2023 kết nạp được 8 đảng viên (vượt 1 so với chỉ tiêu được giao), năm 2024 dự kiến tiếp tục vượt 2 chỉ tiêu. Để có được kết quả này, Đảng ủy xã định hướng các chi bộ thôn, bản phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, “cây cao bóng cả” trong công tác bồi dưỡng nguồn.
Tại bản Tục Pang, xã Đồng Văn, ông Lang Hồng Thắng- Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, người uy tín của bản thường xuyên quan tâm, kết hợp công tác tuyên truyền với “dân vận khéo” để định hướng, bồi dưỡng đối tượng thanh niên, nhất là bộ đội xuất ngũ vào Đảng. Như trường hợp anh Vi Văn Từm, sau khi được ông Thắng giới thiệu, dìu dắt vào Đảng, đã phấn đấu trở thành công an viên kiêm Phó bản Tục Pang”.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong đều có đánh giá, giao kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể đến từng tổ chức cơ sở Đảng; định kỳ rà soát, nắm bắt tình hình để chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong lộ trình bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên tại địa các phương, đơn vị.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho từng chi bộ, đồng thời chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội vận động hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào thi đua, qua đó, phát hiện các nhân tố tích cực để bồi dưỡng vào Đảng.
Đối với cấp huyện, cùng với việc linh hoạt mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng theo cụm xã đối với các đơn vị xa trung tâm để tạo thuận lợi cho người học, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng, giác ngộ quần chúng ưu tú tại các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí Ủy viên BTV, BCH Đảng bộ huyện phụ trách địa bàn đặc biệt quan tâm tới công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới đảm bảo tính kế thừa và ngăn chặn nguy cơ tái trắng chi bộ cơ sở ở vùng đặc thù.
Tại các địa phương, cấp ủy giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cấp xã “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn chi bộ thôn, bản bồi dưỡng tạo nguồn, hoàn thiện các quy trình thủ tục, hồ sơ kết nạp Đảng; kiện toàn bổ sung kịp thời chi ủy viên tại các chi bộ có biến động về nhân sự; duy trì phủ sóng 100% trưởng bản; trưởng các chi hội, đoàn thể là đảng viên.
Nhiều cán bộ, đảng viên phụ trách địa bàn đã phát huy cao tinh thần, trách nhiệm, hỗ trợ hiệu quả cho chi bộ thôn, bản trong tạo nguồn phát triển đảng viên. Điển hình như đồng chí Lương Văn Tuân - Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Kim đã hỗ trợ Chi bộ bản Hữu Văn kết nạp 3 đảng viên năm 2023 và 2 đảng viên trong năm 2024.
Ngoài ra, BTV Huyện ủy Quế Phong còn triển khai cho các đảng ủy xã, thị trấn đăng ký 1 mô hình "Dân vận khéo" về phát triển đảng viên, riêng Ban Tổ chức Huyện ủy chịu trách nhiệm xây dựng điểm mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển đảng viên tại Chi bộ Trường THPT Quế Phong.
Xác định đây là khu vực có “dư địa” nguồn lớn, Ban Tổ chức Huyện ủy đã phối hợp Trung tâm Chính trị, cấp ủy nhà trường mở các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng dành riêng cho học sinh với thời gian và nội dung phù hợp. Đối với các em chưa đủ tuổi kết nạp, yêu cầu chi ủy nhà trường phối hợp, giới thiệu để đảng bộ các xã, thị trấn nơi các em cư trú tiếp tục theo dõi, giúp đỡ kết nạp khi các em đủ điều kiện”.
Đồng chí Trương Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong
Cùng với các giải pháp mở rộng nguồn, vận dụng lời dạy của Bác Hồ “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Đảng bộ huyện Quế Phong chú trọng phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trên mọi mặt trận, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo để quần chúng soi chiếu, có động lực phấn đấu vào Đảng.
Đơn cử tại Chi bộ Ăng Đừa, xã Thông Thụ, trước đây có 2 hộ đảng viên Lô Văn Nhân và Lang Văn Bích thuộc diện hộ nghèo. Trước thực tế đó, chi bộ đã cùng đồng hành, góp công, góp sức hỗ trợ các hộ gây dựng mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo. Đến nay, cả 2 hộ đều đã có thu nhập ổn định, trong đó, hộ đảng viên Lô Văn Nhân ngoài chăn nuôi trâu, bò, trồng quế còn nuôi 4 lồng cá, hộ đảng viên Lang Văn Bích trồng keo, nuôi 5 con trâu, bò và phát triển đàn gia cầm hàng hóa.
“Từ những việc làm cụ thể đó, không chỉ quần chúng nhìn vào thấy được sự đoàn kết, tương trợ của đảng viên, vai trò của chi bộ mà chính đảng viên cũng thấy được giá trị khi đứng vào hàng ngũ của Đảng”, đồng chí Lê Đức Hiếu - Bí thư Chi bộ bản Ăng Đừa cho hay.
Tại Đảng bộ xã Tiền Phong, nơi có 135/ 542 đảng viên đi làm ăn xa, để đảm bảo “nguồn” cho công tác phát triển Đảng, bên cạnh phân công các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ xã trực tiếp phụ trách, hỗ trợ thôn, bản rà soát nhân tố thông qua các mô hình, phong trào ở cơ sở, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo các chi bộ phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong phát triển kinh tế, không để đảng viên thuộc diện hộ nghèo.
Ví như ở thôn Lâm Trường, đảng viên không chỉ đi đầu trong xây dựng nông thôn mới mà còn đi đầu trong giảm nghèo bền vững. Hiện trong thôn không có đảng viên là hộ nghèo, toàn thôn chỉ còn 7 hộ nghèo/181 hộ. Đây cũng là đơn vị có sự ổn định trong công tác phát triển Đảng, bình quân mỗi năm kết nạp được 1-2 quần chúng ưu tú vào Đảng.
Qua trao đổi, đồng chí Nguyễn Sỹ Giai - Bí thư Chi bộ thôn Lâm Trường bộc bạch: Chẳng có “bí quyết” gì to tát ngoài bám sát phương châm “đảng viên đi trước làng nước theo sau!”. Được biết, bản thân đồng chí Nguyễn Sỹ Giai cũng là điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình trang trại VACR… cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.
Cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền trong phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để “giữ chân” lao động trẻ, Thường trực Huyện ủy Quế Phong cũng chỉ đạo các ban Đảng, các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ xây dựng các mô hình đảng viên phát triển kinh tế bền vững.
Như đảng viên Lô Thành Luân - bản Khoảnh Đỗ, xã Châu Kim được Hội Nông dân huyện hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn đen, gà bản địa qua mô hình “Dân vận khéo đồng hành cùng hội viên là đảng viên trong phát triển kinh tế”. Đảng viên Vi Văn Kỳ - bản Chà Lấu, xã Nậm Giải được Ban Dân vận Huyện ủy hỗ trợ kinh phí thí điểm nuôi hươu sao…
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, BTV Huyện ủy Quế Phong chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng triển khai mô hình “Chi bộ 4 tốt”, “Đảng bộ cơ sở 5 tốt" đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, Đảng bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với 4 chi bộ trực thuộc, 58 đảng viên được Huyện ủy chọn là đơn vị điểm xây dựng “Đảng bộ 5 tốt”.
Đồng chí Nguyễn Văn Sinh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: Hiện thực hóa chủ trương, Đảng ủy đơn vị đã ban hành kế hoạch triển khai với những tiêu chí cụ thể (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo chất lượng sinh hoạt tốt, giữ gìn đoàn kết, kỷ luật tốt; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt…). Đồng thời, đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc đổi mới nội dung sinh hoạt gắn với nhiệm vụ chuyên môn; phân công cấp ủy viên tham gia sinh hoạt cùng các tổ Đảng ở vùng sâu, vùng xa; chú trọng công tác phát triển đảng viên mới trên cơ sở đề cao chất lượng.
Bên cạnh việc phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ 82.417,24 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng và rừng phòng hộ thuộc 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Tây Nghệ An (giáp ranh 73 km biên giới Việt - Lào, 63 km với tỉnh Thanh Hóa và giáp ranh với hai huyện Tương Dương, Quỳ Châu), Đảng ủy Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt duy trì hiệu quả mô hình đồng hành cùng người dân giữ rừng.
Theo đó, mỗi tháng, cán bộ, đảng viên, người lao động của đơn vị góp mỗi người 10.000 đồng vào nguồn quỹ tiết kiệm để triển khai các mô hình “Dân vận khéo” gắn trồng và bảo vệ rừng với tạo sinh kế cho người dân.
Còn tại Chi bộ Trường THPT Quế Phong, trước đây, do cấp ủy chưa quyết liệt nên công tác phát triển đảng viên là học sinh kết quả chưa cao. “Sau khi Huyện ủy có cuộc làm việc riêng và chọn chi bộ nhà trường để xây dựng mô hình “Chi bộ 4 tốt”, trong đó có tiêu chí phát triển đảng viên, số lượng sinh được kết nạp không ngừng tăng lên, trở thành đơn vị dẫn đầu về phát triển đảng viên mới trong toàn huyện.
Riêng năm 2024, tính đến hết tháng 7, Chi bộ Trường THPT Quế Phong đã kết nạp được 29 đảng viên mới/chỉ tiêu huyện giao là 6”, thầy Nguyễn Tiến Trung - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sát thực tiễn đang mang lại tín hiệu tích cực cho hành trình gieo “hạt giống đỏ” trên địa bàn huyện miền núi Quế Phong. Hiện tại, một số TCCS Đảng đã vượt qua khó khăn trong tạo nguồn kết nạp Đảng. Điển hình như Đảng bộ xã Tiền Phong đến hết tháng 7/2024 đã kết nạp đủ chỉ tiêu (16/16 đảng viên); Đảng bộ xã Châu Kim năm 2023 không đạt chỉ tiêu, nhưng năm 2024 đến thời hiện tại đã kết nạp đủ 10/10 chỉ tiêu; Đảng bộ xã Hạnh Dịch trong 2 năm (2023-2024) đều đạt và vượt chỉ tiêu giao.