Phát triển đội tàu công suất lớn - Hướng đi của một xã vùng biển

01/03/2013 22:58

Dọc lạch Vạn (Diễn Châu), tàu thuyền đánh cá nằm san sát, ken dày cả lòng sông. Trên bến dưới thuyền, ngư dân đang sửa sang, chuẩn bị hậu cần, máy móc cho các con tàu công suất lớn một cách chu toàn nhất để chuyến mở biển “hái lộc” đầu năm thuận buồm xuôi gió.

(Baonghean) - Dọc lạch Vạn (Diễn Châu), tàu thuyền đánh cá nằm san sát, ken dày cả lòng sông. Trên bến dưới thuyền, ngư dân đang sửa sang, chuẩn bị hậu cần, máy móc cho các con tàu công suất lớn một cách chu toàn nhất để chuyến mở biển “hái lộc” đầu năm thuận buồm xuôi gió.

Đó là khung cảnh nhộn nhịp ở làng biển xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu mà tôi được chứng kiến sát ngày rằm tháng Giêng. Ở miền quê của những người theo nghiệp “ăn sóng, nói gió”, ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh các ngư dân nước da đen bóng, mặn mòi vị biển cả, giọng nói oang oang, hào sảng nhưng khi tiếp xúc lại rất đỗi giản dị, hiền lành. Một trong số đó là ngư dân Nguyễn Nam Hải. Lúc làm việc ở trụ sở xã Diễn Bích, tôi đã được anh Thạch Đình Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND xã kể cho nghe việc làm “không giống ai” của ngư dân này. Chuyện cũng chẳng có gì to tát đối với ngư dân các vùng biển khác, nhưng đó cả là một bước ngoặt cho nghề đi biển ở Diễn Bích. “Anh Hải là người đầu tiên dám bỏ ra cả tỷ đồng đóng tàu mới, công suất lớn để vươn ra vùng khơi”, anh Nghĩa nói.



Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Diễn Bích neo đậu tại bến Lạch Vạn.

Đến khi gặp Hải, đem chuyện đóng tàu mới ra hỏi, anh nói: “Có chi mô, nghề mình sống trên 5 phân gỗ nên cố gắng vay mượn đầu tư con tàu cho vững chãi, vươn khơi trên biển được dài ngày vừa tạo hiệu quả kinh tế cao, lại an toàn trước sóng gió”. Sau con tàu 105CV hoàn thành vào tháng 11/2012, anh cùng các bạn thuyền đã đạp sóng vươn khơi được 4 chuyến biển trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Mỗi chuyến ra khơi theo nghề giã cào mà tàu anh đang làm thường kéo dài ít nhất 4 ngày, tính cả thời gian đi và về. “Mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi an toàn hơn trước rất nhiều. Sau rằm tháng Giêng, tàu lại mở biển, cầu cho sóng yên bể lặng, tôm cá đầy khoang”, Hải nói, giọng tràn đầy hi vọng.

Sắm được tàu mới, dù đang phải mang theo quang gánh nợ nần, nhưng cứ nhìn vào kết quả cả 4 chuyến đi biển trước Tết thì có thể thấy hiệu quả hướng đi mà anh Hải đang đầu tư là hoàn toàn đúng. Bởi trừ đi chi phí đầu tư gần 30 triệu đồng mỗi chuyến và trả lương đều 4 triệu hàng tháng cho 3 bạn thuyền cùng đi, anh vẫn có đồng tích trữ để tái đầu tư và trả nợ.

Hải là một trong rất nhiều ngư dân ở Diễn Bích hưởng ứng tích cực chủ trương của Đảng bộ xã khóa XXI nhiệm kì 2010 - 2015. Đảng ủy xã Diễn Bích xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương thông qua công tác phát triển đội tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, giảm dần đội tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ. “Theo nghị quyết, đến năm 2015, Diễn Bích có 50 tàu trên 90CV đánh bắt xa bờ nhưng kết thúc năm 2012, chúng tôi đã có 55 tàu công suất trên 90CV. Như vậy, xã đã hoàn thành mục tiêu trước 3 năm”, ông Nguyễn Viết Mãn – Bí thư Đảng ủy xã Diễn Bích cho biết. Chủ trương đúng đắn của Đảng ủy xã đang phát huy sức lan tỏa rộng rãi và chứng minh được hiệu quả trực tiếp ở địa phương.

Năm 2012, tổng sản lượng khai thác thủy sản của cả xã đạt 7.852 tấn, đạt giá trị kinh tế hơn 94 tỷ đồng. Nghề đi biển giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 1.000 lao động với thu nhập ổ định, bình quân 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nghề biển còn hút lao động vào làm việc ở các dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua chế biển thủy hải sản. Đơn cử như nghề chế biến hải sản mang lại giá trị kinh tế gần 5,5 tỷ đồng cho nhân dân Diễn Bích. “Chủ trương chuyển đổi sang tàu cá công suất lớn của Đảng ủy xã đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế. Chúng tôi xác định tiếp tục vận động bà con ngư dân chuyển đổi thông qua vai trò tiên phong của các đảng viên như cách làm bấy lâu nay. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề khó khăn nhất hiện nay cản trở đẩy nhanh việc chuyển đổi đội tàu chính là nguồn vốn. Ngư dân vay vốn rất khó khăn, trong khi cả xã còn hơn 170 tàu có công suất dưới 90CV”, ông Mãn trăn trở.

Trước thực trạng đó, hầu hết tàu trên 90CV ở Diễn Bích, ngư dân đành phải mua tàu cũ từ các địa phương Nam Trung bộ như Quảng Ngãi về sửa sang, hoán cải lại cho phù hợp với nghề giã cào. Ngư dân Trần Văn Sơn, xóm Hải Nam bán chiếc thuyền mũi nhọn truyền thống được 150 triệu đồng cách đây mấy năm, rồi vay vốn mua lại 2 tàu cũ 90CV của ngư dân Quảng Ngãi về đi biển. Từ khi chuyển qua đi đôi tàu lớn, việc làm ăn của anh cũng khấm khá hơn lúc còn đi biển trong vùng lộng rất nhiều. Năm 2012, trừ chi phí ra khơi và trả lương 4 triệu đồng/tháng, mua bảo hiểm thuyền viên cho 6 ngư dân làm công trên tàu, gia đình anh thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng. “Đảng ủy xã có chủ trương chuyển đổi sang tàu công suất lớn rất đúng. Nếu cứ giữ đà phát triển như trong năm 2012, ngư dân rất phấn khởi và tiếp tục đầu tư tàu lớn. Thế nhưng, như tôi bây giờ muốn đóng mới tàu công suất lớn vẫn chưa đủ khả năng, trong khi vay vốn rất khó, nên phải tích lũy dần dần mới làm được”, anh Sơn bộc bạch. Trước tình trạng đó, vừa qua, HĐND huyện Diễn Châu đã đồng ý hỗ trợ mỗi gia đình ngư dân mua sắm bằng hình thức đóng mới, cải hoán tàu cũ lên 90CV để chuyển ngư trường khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi 20 triệu đồng để khuyến khích ngư dân.

Chiều, dọc theo các bến tàu dọc lạch Vạn, tiếng ngư dân gọi nhau í ới chuyển hàng lên tàu. Lác đác một số con tàu đã rẽ sóng ra khơi. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên mỗi con tàu. Tất cả mang theo niềm tin ngày về cá nặng đầy khoang.


Bài, ảnh: Thành Duy

Phát triển đội tàu công suất lớn - Hướng đi của một xã vùng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO