Phát triển môn bơi lội: Còn nhiều khoảng trống
(Baonghean) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ hè và đây là thời gian các em tiếp xúc nhiều hơn với các hồ bơi, sông, suối, bãi biển… Qua bơi lội, giúp các em rèn luyện sức khỏe, phòng tránh tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác. Tuy nhiên, ở tỉnh ta hiện nay, việc phát triển môn bơi lội vẫn còn nhiều bất cập…
Thực hiện Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV về “Triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 – 2015” ngày 9/2/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động cử các giáo viên có chuyên môn về bơi lội tham gia các lớp tập huấn chương trình phổ cập bơi phòng chống tai nạn thương tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và chỉ đạo các trường chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện để đưa môn bơi vào dạy học trong các tiết giáo dục thể chất. Tuy nhiên, đã hơn 4 năm kể từ khi công văn này được ban hành, đến nay, việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể thực hiện được do nhiều khó khăn khách quan, đặc biệt là về cơ sở vật chất.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh chưa có trường học nào có bể bơi đảm bảo cho việc dạy bơi lội. Các tiết học ngoại khóa chủ yếu là dạy về lý thuyết, như phân tích vai trò ý nghĩa của việc học bơi và các phương pháp phòng tránh đuối nước cho học sinh, những phương pháp xử lý khi bị tai nạn sông nước, các phương pháp sơ, cấp cứu người bị đuối nước…, còn việc dạy thực hành bơi cho học sinh trong chương trình học chưa được triển khai. Mặt khác, do phần lớn thời gian năm học diễn ra trong thời tiết lạnh, không thích hợp cho việc học bơi nên các trường cũng không mấy mặn mà trong việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như tổ chức các khóa học bơi cho học sinh.
Các em nhỏ học bơi tại bể bơi Quân khu 4. Ảnh: Thu Huyền |
Bên cạnh đó, áp lực của các môn học chính khóa, học thêm còn nặng nề nên các em học sinh, đặc biệt là học sinh thành phố, không có nhiều thời gian để học bơi. Em Phan Nhật Thắng – học sinh lớp 8C Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh) cho biết: “Vào dịp hè, do phải học thêm ở trường, ở nhà thầy cô nhiều nên mỗi tuần cùng lắm em chỉ có một buổi được mẹ đưa đến bể bơi, mỗi buổi chưa đến 1 tiếng đồng hồ nên dù rất thích học bơi nhưng đến giờ em vẫn chưa biết bơi”. Ông Nguyễn Tất Tây – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương cho biết: “Do trên địa bàn huyện chưa có bể bơi nên việc tìm được những vị trí ở sông suối vừa đảm bảo an toàn, vừa sạch sẽ để giảng dạy bơi lội là rất khó. Mặt khác, thời gian học bơi lội lại đúng với thời điểm các em được nghỉ hè nên việc triển khai học bơi lội gặp nhiều khó khăn”.
Việc khó phổ cập môn bơi cho đối tượng học sinh đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào cũng như thành tích của bơi lội Nghệ An tại các giải toàn quốc. Tại Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh, cùng với điền kinh, bơi lội là môn được đưa vào huấn luyện sớm nhất nhưng những năm qua, bộ môn này đang có dấu hiệu đi xuống.
Hiện tại, môn thể thao thuộc chương trình thi đấu Olympic này chưa có giải thi đấu cấp tỉnh, thậm chí nhiều năm qua không được đưa vào chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng tỉnh. Tại các kỳ Đại hội Thể dục thể thao cấp huyện vừa qua, chỉ có các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên đưa nội dung bơi lội vào thi đấu và số vận động viên tham gia là khá ít ỏi (từ 20 – 25 VĐV). Ngay cả Thành phố Vinh, địa bàn có nhiều hồ bơi nhất với 5 hồ bơi, những kỳ Đại hội Thể dục thể thao gần đây cũng vắng bóng môn bơi lội. Chính vì những hạn chế về mặt phong trào đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển chọn VĐV cho đội tuyển bơi lội của tỉnh. Do vậy, nhiều năm qua, thành tích của môn bơi tại các giải đấu toàn quốc rất hạn chế. Năm 2013 vừa qua, bộ môn này đã không giành được tấm huy chương nào tại các giải quốc gia.
Theo HLV Hoàng Văn Hải – Phụ trách môn bơi của Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh, để cải thiện thành tích cho bơi lội Nghệ An không có cách nào khác là thúc đẩy phong trào bơi lội trong các trường học phát triển, từ đó lựa chọn những vận động viên có tố chất tốt vào đội tuyển bơi lội của tỉnh. Ngành GD&ĐT Nghệ An cần tập trung chỉ đạo sát sao việc các trường tổ chức dạy bơi cho học sinh; đồng thời đưa bơi lội trở lại thành môn thi trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp từ trường đến tỉnh như những năm 90 của thế kỷ trước để tạo phong trào học bơi trong học sinh. Mặt khác, các nhà trường phải làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh thấy được tầm quan trọng cũng như tác dụng của môn bơi lội để họ chủ động, tạo điều kiện cho con em được học bơi. Có như vậy phong trào bơi lội trong học sinh mới phát triển, vừa giúp rèn luyện kỹ năng phòng chống đuối nước, nâng cao sức khỏe, đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho các em..
Minh Quân