Phát triển phong trào thể thao nông dân

23/09/2013 11:05

- Là một trong những lực lượng sản xuất chính của xã hội, bên cạnh yêu cầu về nâng cao trình độ sản xuất, người nông dân cũng cần được cải thiện đời sống về mặt tinh thần qua các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Những năm qua, ở tỉnh ta, phong trào thể dục thể thao trong nông dân, đặc biệt là phong trào bóng đá, bóng chuyền đã phát triển sôi nổi, rộng khắp và mang lại những tác dụng tích cực.

(Baonghean) - Là một trong những lực lượng sản xuất chính của xã hội, bên cạnh yêu cầu về nâng cao trình độ sản xuất, người nông dân cũng cần được cải thiện đời sống về mặt tinh thần qua các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Những năm qua, ở tỉnh ta, phong trào thể dục thể thao trong nông dân, đặc biệt là phong trào bóng đá, bóng chuyền đã phát triển sôi nổi, rộng khắp và mang lại những tác dụng tích cực.

Lĩnh Sơn là một trong những xã có phong trào bóng chuyền, bóng đá nông dân mạnh nhất của huyện Anh Sơn. Toàn xã có 14 thôn thì tất cả các thôn đều có sân bóng chuyền, có những thôn có 2 - 3 sân như thôn 9, thôn 13... Phong trào chơi bóng đá, bóng chuyền ở đây phát triển đến mức ở nhiều thôn, bà con đã tự nguyện đổi đất sản xuất để làm sân bóng. Những bãi bồi ven sông Lam hay trên những đám ruộng sau mùa gặt… đều trở thành sân bóng chuyền, bóng đá của thanh niên. Khi chiều xuống, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai nấy đều tranh thủ sắp xếp công việc để chơi thể thao, trở thành những “cầu thủ chân đất” trên các sân bóng. Các trận đấu cứ thế diễn ra sôi nổi từ chiều đến chập tối.

Từ phong trào tập luyện hăng say đó, các đội bóng đá, bóng chuyền nam, nữ của xã khi tham gia các giải thể thao do huyện tổ chức đều giành giải cao. Chị Võ Thị Dung – một “tay” bóng chuyền cự phách ở thôn 9 tâm sự: “Thành tích không phải là điều quan trọng mà trên hết là qua phong trào thể dục thể thao, những người nông dân ở Lĩnh Sơn có được một sân chơi giải trí, thư giãn sau những giờ phút lao động mệt nhọc trên đồng ruộng, đồng thời có điều kiện giao lưu, thắt chặt tình làng nghĩa xóm”.



Một trận bóng chuyền ở thôn 9, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn).

Ngược sang đường 48, đến huyện miền núi Quỳ Hợp, phong trào bóng đá, bóng chuyền nông dân ở đây cũng phát triển mạnh không kém các huyện miền xuôi hay trung du. Nổi lên trong số đó là các xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thọ Hợp, Châu Thái, Châu Cường, Hạ Sơn… Đặc biệt, ở huyện vùng cao này, hầu như ai cũng biết đến đội bóng chuyền nữ xã Nghĩa Xuân, bởi đội bóng nông dân này không chỉ vang danh qua các giải đấu ở huyện, ở tỉnh mà còn ở toàn quốc. Tại Hội thi Thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc các năm 2003, 2005, 2007, đội tuyển bóng chuyền nữ Nghệ An với nòng cốt là các cầu thủ của đội bóng xã Nghĩa Xuân (Cảnh Thị Tươi, Hoàng Thị Hồng, Trịnh Thị Hằng, Trương Thị Hiếu, Vi Thị Thuận) đã giành được Huy chương Vàng.

Anh Trần Văn Hoan – Ủy viên văn hóa xã Nghĩa Xuân cho biết: “Phong trào bóng chuyền ở Nghĩa Xuân đã có từ rất lâu, nhưng bắt đầu phát triển mạnh vào cuối những năm 1990 khi xã đầu tư xây dựng sân bóng chuyền và triển khai hoạt động thể dục thể thao về các xóm. Xã có 15 xóm thì có đến 25 sân bóng chuyền, 15 sân bóng đá. Mỗi năm, xã tổ chức từ 2 – 3 giải bóng chuyền, còn các xóm thường xuyên tổ chức giải giữa các cụm liên gia, kinh phí tổ chức phần lớn nhờ người dân tự nguyện đóng góp, số tiền đóng góp chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/khẩu và hầu như hộ nào cũng vui vẻ hưởng ứng. Có thể nói, phong trào bóng chuyền ở đây mạnh là nhờ nhà nhà đều có người chơi bóng”.

Trong đội tuyển bóng chuyền nữ của xã Nghĩa Xuân, chị Bùi Thị Xuyên (SN 1958) ở xóm Phượng là “vận động viên” kỳ cựu nhất. Chị Xuyên tâm sự: “Khi tôi lớn lên đã thấy mọi người trong làng cả nam lẫn nữ chơi bóng chuyền, rồi, cứ lớp trước dạy lớp sau mà thành truyền thống đến nay. Trên 30 năm gắn bó, dù đã có cháu ngoại nhưng bóng chuyền với tôi đã trở thành niềm đam mê không thể dứt ra được. Chiều nào không đánh bóng là thấy người bứt rứt lắm. Sau ngày lao động dài, được đánh bóng là mọi mệt nhọc tan biến. “Ở Nghĩa Xuân, bóng chuyền đã trở thành niềm vui chung. Hễ nghe có trận đấu giữa đội bóng xã nhà với các xã bạn là dù mùa màng bận rộn, bà con cũng tranh thủ đi cổ vũ. Những ngày lễ, Tết ở Nghĩa Xuân như tưng bừng hơn, náo nức hơn nhờ có giải bóng chuyền “Mừng Đảng, mừng Xuân” đã trở thành truyền thống.

Theo anh Vũ Văn Nam, chuyên viên phòng Nghiệp vụ thể thao – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì những năm gần đây, phong trào TDTT nông dân ở tỉnh ta phát triển rất mạnh, đặc biệt là 2 môn bóng đá, bóng chuyền. Một số huyện có phong trào TDTT nông dân mạnh như Anh Sơn, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… các giải đấu không chỉ tổ chức ở xã, thị trấn mà xuống đến tận thôn, xóm, các hội, chi hội… Từ phong trào TDTT nông dân, những nhân tố TDTT được phát hiện để tuyển chọn vào các đội tuyển của tỉnh như Trương Thị Hiếu (Quỳ Hợp, bóng chuyền nữ), Nguyễn Văn Đồng (Anh Sơn, bóng chuyền nam), hay đội bóng đá nông dân xã Hợp Thành (Yên Thành)… Đặc biệt, cũng qua phong trào TDTT nông dân đã góp phần đào tạo nguồn cán bộ phụ trách TDTT ở thôn, xã - những người có vai trò thúc đẩy phong trào, tổ chức các giải đấu và lựa chọn vận động viên từ cơ sở.

Để khích lệ phong trào TDTT nông dân và nâng tầm các giải đấu dành cho nông dân, từ năm 2000 đến năm 2010, Hội Nông dân phối hợp với Sở TD – TT (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền nông dân toàn tỉnh 2 năm một lần và xen kẽ (năm chẵn bóng chuyền, năm lẻ bóng đá). Từ năm 2010 đến nay, do khó khăn về kinh phí nên các giải đấu này đã không còn được tổ chức. Ông Hoàng Văn Minh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo – Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Qua nắm bắt tình hình ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy người dân rất tự giác trong tập luyện TDTT. Do đó, Hội Nông dân tỉnh khuyến khích Hội nông dân các huyện, tùy theo điều kiện của địa phương, tổ chức các giải bóng chuyền mang tên “Bông lúa vàng” dành cho nông dân. Một số địa phương như Đô Lương, Quỳnh Lưu… hàng năm vẫn duy trì giải đấu sôi nổi, có chất lượng”.

Phong trào bóng đá, bóng chuyền nông dân thực sự là một nét văn hoá đẹp, là sân chơi bổ ích, rèn luyện thân thể và tình đoàn kết cộng đồng cho những người nông dân sau ngày lao động vất vả. Thiết nghĩ, các ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần xem xét lại hệ thống các giải đấu phong trào từ cấp cơ sở, tạo nền móng thực sự vững chắc để phong trào thể thao nông dân phát triển theo hướng “khỏe để lao động sản xuất giỏi”.


Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất

x
Phát triển phong trào thể thao nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO