Phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ trên nền tảng hợp tác toàn diện
(LTS): Ngày 2-7, tại Việt Nam đã diễn ra lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, 15 năm ký kết hiệp định thương mại song phương. Trước đó, ngày 1-7, tại Thành phố Niu – Ooc (Hoa Kỳ), đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam do Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Trong 20 năm ấy, quan hệ hợp tác về kinh tế - đầu tư - tài chính - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được xây dựng và phát triển không ngừng; trao đổi đối ngoại song phương trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, những năm gần đây, phát triển mạnh mẽ.
Tại hội nghị này, với sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí hàng đầu thế giới và trong nước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao đổi với báo chí những nội dung quan trọng trong mối quan hệ kinh tế, tài chính.. đang được Việt Nam nỗ lực mở cửa hội nhập nền kinh tế quốc tế. Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.
Toàn cảnh hội nghị |
PV: Thưa Bộ trưởng, sau hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản năm 2014, thu hút hàng trăm nhà đầu tư lớn quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam, xin Bộ trưởng cho biết, mục tiêu cơ bản của hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2015 được tổ chức tại trung tâm kinh tế tài chính Hoa Kỳ lần này?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bắt đầu từ năm 2013, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hoa Kỳ, lãnh đạo hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm quan hệ đối tác toàn diện. Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ lần này là một minh chứng cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp xúc, hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ trên nhiều mặt giữa 2 nước. Thông điệp chính được truyền đến nhà đầu tư Hoa Kỳ của hội nghị lần này chính là xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực tài chính, thị trường vốn giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ vì lợi ích chung của hai bên.
Như chúng ta đã biết, Hoa Kỳ có nền kinh tế và thị trường tài chính lớn nhất thế giới, vừa là trung tâm thu hút vốn trên thế giới, vừa là nơi lan tỏa các dòng vốn này. Việt Nam được nhiều tổ chức tài chính đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng và có khả năng vươn lên trong việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hình ảnh của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ chưa thực sự rõ nét, vì thế, xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, chúng tôi muốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiểu rõ những nỗ lực, những thành công trong quá trình đổi mới nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam là kiên định phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, cũng như luôn coi trọng và đánh giá cao dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, cơ chế, khuôn khổ pháp lý để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bằng chứng rõ nhất là Chính phủ vừa ký Nghị định số 60 trong đó có việc mở cửa và thu hút dòng vốn nước ngoài.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư Hoa Kỳ |
PV: Với quy mô vốn hóa hiện tương đuơng 31% GDP, trong mục tiêu đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động và dẫn vốn trung và dài hạn chủ lực, hiệu quả cho nền kinh tế, những giải pháp mà Bộ Tài chính đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng ta đều biết, trong một tổng thể thống nhất của sự phát triển kinh tế, hệ thống tài chính đóng một vai trò quan trọng, có nhiệm vụ phối hợp, thúc đẩy, tương tác để tạo ra sự phát triển các khu vực kinh tế khác nhau. Do vậy, trong thời gian tới về phía Bộ Tài chính, với vait trò của mình, chúng tôi sẽ tập trung triển khai một số các giải pháp cơ bản trong chính sách tài khóa là: tiếp tục tăng khả năng thu và kiểm soát mức bội chi; thực hiện tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng; bảo đảm an toàn nợ công và nợ nước ngoài; nâng cao mức độ tín nhiệm quốc gia; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô.
Đối với công tác tái cấu trúc DNNN, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch, đặc biệt là CPH các DNNN quy mô lớn; áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại và công bố thông tin công khai, minh bạch; bảo đảm hoạt động của các DNNN theo cơ chế thị trường; tăng cường giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giảm mạnh tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các DNNN cổ phần hóa; cho phép dành tỷ lệ lớn để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài; yêu cầu các DNNN cổ phần hóa lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.
Trong lĩnh vực chứng khoán, chúng tôi sẽ tập trung vào việc kịp thời hướng dẫn và triển khai tích cực Nghị định số 60 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán vừa được ban hành cách đây mấy ngày, trong đó có việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng; Thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm các TTCK cận biên lên nhóm các TTCK đang phát triển trên bảng MSCI; xây dựng hệ thống các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cấp mã số online cho NĐTNN.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai xây dựng TTCK phái sinh để đưa vào vận hành trong năm 2016; tiếp tục nâng cao yêu cầu công bố thông tin, tính minh bạch và quản trị công ty theo thông lệ quốc tế; hiện đại hóa tổ chức thị trường giao dịch, hệ thống bù trừ, thanh toán; hoàn thiện cơ chế thuế áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán theo thông lệ quốc tế nhằm khuyến khích đầu tư lâu dài.
PV: Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, hiện nhà đầu tư Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 7 về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trên trên thị trường tài chính cũng đã có hàng trăm tổ chức đầu tư rót vốn vào DN Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư lớn. Theo Bộ trưởng, hiện nay Việt Nam có những điều kiện gì thuận lợi để thắt chặt thêm mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, thu hút nhiều hơn các dòng vốn lớn từ Hoa Kỳ?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những bước phát triển hết sức thuận lợi, do vậy mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và tiềm năng thu hút dòng vốn lớn từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng rất nhiều triển vọng để phát triển. Thứ nhất, đó là hòa bình và hợp tác phát triển tiếp tục đang là xu thế lớn trên thế giới. Thứ hai, khu vực kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đang tiếp tục trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới, trong đó sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng chặt chẽ, đặc biệt sắp tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thứ ba, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ đã được xác lập, ngày càng được khẳng định và tăng cường giữa lãnh đạo 2 nhà nước. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế cũng như thu hút vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác về kinh tế - đầu tư - tài chính - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ngừng được xây dựng và phát triển trong những năm qua, cụ thể đó là trong lĩnh vực đầu tư thì Hoa Kỳ nằm trong nhóm 10 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam; trong lĩnh vực tài chính thì nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam như JPMorgan Chase, CitiGroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley...và nhiều quỹ đầu tư khác; về quan hệ thương mại thì quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ đến năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD, tăng gấp 36 lần so với năm 2000, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN vào thị trường Hoa Kỳ...
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế đối với các quốc gia ngày càng được mở rộng trên cả phạm vi khu vực và thế giới. Trong xu thế chung của thế giới, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên nền tảng hợp tác toàn diện và được xây dựng phát triển trong 20 năm qua sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ cả về chất và lượng trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Thực hiện: Sông Hồng
TIN LIÊN QUAN