Phát triển thể thao học đường ở Quế Phong: Còn lắm khó khăn!

07/09/2015 13:57

(Baonghean) - Giáo dục thể chất và phong trào thể dục, thể thao học đường có vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của học sinh. Tuy nhiên, ở Quế Phong, muôn vàn khó khăn đặt ra đã trở thành “rào cản” khiến thể thao học đường chưa được phát huy đúng tầm...

Chúng tôi đến Trường cấp 1 - 2 Nậm Nhoóng đúng vào thời điểm thầy và trò đang trong giờ học thể dục, thể thao. Trên khoảnh sân nhỏ chỉ chừng 50m2 trong khuôn viên trường, thầy giáo thể dục Trương Xuân Nguyên đang hướng dẫn các em các động tác kỹ thuật của môn đá cầu. Thầy Nguyên chia sẻ: “Hôm nay nhà báo “gặp may”, trời không mưa nên các em được ra sân tập luyện. Còn mấy ngày trước thời tiết không ủng hộ, giờ thể dục trở thành giờ chơi, giờ tự quản trong lớp thôi.” Do không có nhà thể thao đa chức năng, tất thảy hoạt động thể dục, thể thao của học sinh 2 bậc học tiểu học và THCS đều chỉ trông chờ vào khoảnh sân nhỏ hẹp ấy. Điều kiện địa hình đồi núi, quỹ đất hạn chế và mùa mưa khắc nghiệt kéo dài ở Nậm Nhoóng, phần lớn các tiết học thể dục của các em đều phải hoãn lại.

Không chỉ thường xuyên phải “trông trời, trông đất, trông mây” để dạy và học, mà điều kiện sân chơi, bãi tập chật hẹp cũng hạn chế rất lớn việc rèn luyện các môn thể thao theo đúng giáo trình quy định. “Ví dụ như theo chuẩn giáo trình phải có môn chạy 100m, chạy marathon, nhảy xa, nhảy cao, ném bóng, cầu lông, bóng đá… nhưng sân bãi chỉ rộng chừng 50m2, dạy môn gì cũng khó! Chạy 100m thì không đủ chiều dài, các em phải chạy đi rồi chạy lại; chạy marathon thì đôi khi phải… liều lĩnh cho các em chạy trên đường liên xã, rất lo lắng vì xe cộ qua lại nguy hiểm; nhảy cao, nhảy xa lại không có đệm đỡ, hàng năm đều phải huy động giáo viên, học sinh xuống suối xúc cát để làm bãi đáp tạm thay thế; ném bóng thì sân bãi chật hẹp, sợ ném vào cửa kính các lớp học, ảnh hưởng giờ dạy và học của các học sinh khác; bóng đá thì không có sân…” - thầy giáo Trương Xuân Nguyên chia sẻ.

Giờ học đá cầu của thầy, trò Trường Cấp 1 – 2 Nậm Nhoóng.
Giờ học đá cầu của thầy, trò Trường Cấp 1 - 2 Nậm Nhoóng.

Và trên thực tế, môn thể thao duy nhất mà các em được học là môn đá cầu. Đây là môn thể thao không đòi hỏi nhiều điều kiện đặc thù về cơ sở vật chất, có thể chơi trên diện tích hẹp, tuy nhiên, không vì thế mà đã hết khó khăn. Thầy Trương Xuân Nguyên “thống kê” nhanh, hiện toàn trường chỉ có vài quả cầu nhưng đã cũ kỹ, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Những quả cầu này được mua từ nhiều năm về trước, từ nguồn kinh phí do thầy và trò đóng góp. Giờ, biết những quả cầu đã hỏng, đầu năm học, thầy Nguyên lại tiếp tục vận động học sinh, mỗi em góp 1.000 đồng để mua cầu!

Ngay cả Trường THCS Châu Thôn - một trong những trường chuẩn quốc gia của ngành Giáo dục Quế Phong, thể dục, thể thao học đường cũng chưa được phát triển xứng tầm vì nhiều nguyên nhân. Thầy giáo Lô Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Là trường chuẩn quốc gia nên yếu tố về diện tích sân chơi, bãi tập và một số cơ sở vật chất cơ bản cho các môn thể thao học đường được đảm bảo. Tuy nhiên, khó khăn lại đến từ phía học sinh. Phần lớn học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, hầu hết không đủ điều kiện để mua sắm giày dép, quần áo, thường xuyên bỏ bữa sáng nên không đủ sức khỏe để tập luyện. Nhà trường rất hiểu, và đã linh động bố trí giờ học thể dục vào tiết 1 hoặc tiết 2 để các em có thể tham gia tập luyện được phần nào”.

Hiện số lượng giáo viên thể dục quá ít so với nhu cầu thực tế, do định biên dành cho ngành Giáo dục hạn chế. Thầy Sầm Hồng Lệ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quế Phong cho biết: “Hiện tại, 10 trường THCS và 4 trường ghép tiểu học - THCS đã có đủ giáo viên dạy môn thể dục, nhưng còn 18 trường tiểu học thì các giáo viên dạy văn hóa đang tạm thời kiêm nhiệm thêm. Vì không được đào tạo chuyên ngành thể dục, thể thao, nên các giáo viên này chủ yếu chỉ đảm bảo được các vận động cơ bản cho học sinh, còn các kỹ thuật và kiến thức về các môn thể thao thì… chịu!”

Trước thực trạng trên, các nhà trường đã phát huy sự năng động, cùng với việc vận động xã hội hóa là hàng loạt các sáng kiến để khắc phục khó khăn. Như Trường THCS Châu Thôn, Ban Giám hiệu nhà trường phân công cho lực lượng Đoàn - Đội hàng năm tổ chức các buổi “Sổ vàng quyên góp”, nêu cao truyền thống “tương thân, tương ái”. Theo đó, lứa học sinh lớp 9 trước khi tốt nghiệp sẽ có một buổi tập trung, các thầy, cô vận động các em nếu có những trang thiết bị, dụng cụ học tập và thể dục - thể thao không sử dụng đến thì quyên góp, để lại cho các lứa học sinh đàn em kế thừa, học tập. Một số trường học khác thì linh động trong giáo trình giảng dạy thể dục, thể thao, nếu có sân bãi rộng thì tổ chức chạy marathon, nhảy cao, nhảy xa…; nếu sân bãi hẹp thì vận động xây dựng bàn bóng bàn đúc bằng ximăng, sân cầu lông… Dẫu vẫn còn xa mới đạt chuẩn điều kiện sân bãi, đáp ứng nguyện vọng dạy và học của thầy trò các nhà trường, nhưng cũng phần nào giúp các em hình dung được cơ bản về các môn thể thao cộng đồng, rút ngắn khoảng cách giữa học sinh các vùng, miền.

Trong thời gian tới, cùng với sự năng động, tự lực của các nhà trường, chúng tôi hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để cải thiện môi trường giáo dục thể chất cho học sinh, hướng đến nền giáo dục toàn diện”./.

Bài, ảnh: Phương Chi

Mới nhất
x
Phát triển thể thao học đường ở Quế Phong: Còn lắm khó khăn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO