Phát triển trang trại - hướng làm giàu bền vững

14/04/2014 17:44

(Baonghean) - Yên Thành không chỉ là “vựa lúa” mà còn có lợi thế vùng bán sơn địa để phát triển kinh tế trang trại với nhiều mô hình đa dạng, hiệu quả cao. Đây được xem là hướng làm giàu bền vững…

Tìm về vùng đất Ba Hòn Lèn xã bán sơn địa Đồng Thành - Yên Thành, chúng tôi bị choáng ngợp bởi màu xanh của thung lũng cam. Ông Nguyễn Hữu Bình, 60 tuổi chủ trang trại kể: Từng là công nhân vùng cam Quỳ Hợp, về quê thấy vùng đất Ba Hòn Lèn thoai thoải, người dân chỉ trồng bạch đàn không phát huy hiệu quả. Năm 2005, ông Bình và một số người bạn mạnh dạn thuê đất của bà con nông dân để đầu tư trồng cam. Ông Bình vay 1,1 tỷ đồng từ ngân hàng và bạn bè tập trung cải tạo vùng đất. Ông dùng máy múc gốc bạch đàn rồi thuê xe chở đất phù sa ven sông, đất bồi tụ phơi khô, chia lô, rạch hàng, đào hố bón phân lót. Ông ra tận Viện nghiên cứu rau quả để lấy giống cam chất lượng về trồng, chủ yếu là cam Xã Đoài và Vân Du. Ban đầu, ông quy hoạch 16 ha trồng cam. Lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen canh cây hoa màu dưới cam trong 2-3 năm đầu khi cây chưa khép tán để tận dụng đất, chống cỏ dại và cung cấp thêm chất hữu cơ.

Năm 2009, vụ cam đầu tiên đã cho thu hoạch, bình quân đạt 30 tấn/ha cam, trừ chi phí lãi ròng từ 4-5 tỷ đồng. Tiền lãi từ cam, năm 2012-2013 ông Bình tiếp tục trồng thêm 11 ha cam, nâng tổng diện tích trên 27 ha cam. Riêng trong năm 2013 cho doanh thu hơn 12 tỷ đồng. Theo ông Bình ngoài diện tích cam chính vụ thu hoạch vào tháng 10 âm lịch, bằng các biện pháp kỹ thuật ông đã cho cam chín muộn vào dịp tết, giai đoạn này giá khá cao, bình quân tại gốc 50.000 đ/kg cam. Trang trại của ông Nguyễn Hữu Bình hiện tạo việc làm ổn định cho 35 lao động với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Thái Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành phấn khởi: “Thành công từ mô hình của ông Bình đã có khá nhiều hộ ở vùng Ba Hòn Lèn học hỏi trồng cam. Ông Bình đã trực tiếp tư vấn cho bà con kỹ thuật trồng cam, giúp bà con mua được các loại giống chất lượng, đến thời điểm này vùng đất Ba Hòn Lèn đã tạo được vùng chuyên canh cam trên 50 ha, vụ cam năm 2014 sẽ có những hộ thu hoạch vụ đầu tiên, lãi từ cam khoảng 500 - 700 triệu đồng”.

Ngược lên xã miền núi Quang Thành, chúng tôi ghé thăm trang trại tổng hợp của gia đình chị Lê Thị Toàn ở xóm Quang Nhân. Từ một nông dân lam lũ, chị Toàn đã biến vùng đồi trọc thành trang trại nuôi gà hiệu quả. Chị Toàn cho biết: Bố mẹ để lại cho vùng đất rộng 1,2 ha, lâu nay chủ yếu trồng sắn không hiệu quả. Năm 2010, gia đình vay mượn được 270 triệu đồng cải tạo vùng đồi hoang thành trang trại nuôi gà, trồng cây ăn quả. Vùng đất cao, chị Toàn đã quy hoạch trồng keo, tràm, vùng đất bằng phẳng thì quy hoạch chuồng trại chăn nuôi gà. Vùng đồi này được đầu tư với quy mô khép kín nên không ảnh hưởng đến môi trường cộng đồng, cách ly dịch bệnh cho vật nuôi… Ban đầu chị nuôi trên 1.000 con gà thịt, 200 con gà đẻ, lứa đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên gà bị chết trong đợt rét khá nhiều. Không nản chí, chị tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật nuôi gà. Đến thời điểm này chị đã mở rộng quy mô đầu tư thêm chuồng trại, hiện có 3 chuồng gà với tổng diện tích trên 360 m2, ngoài ra còn khoanh vùng nuôi trên 3.500 con gà đồi và 600 con gà đẻ. Các tư thương lên tận nơi mua với giá bình quân 90.000 đ/kg gà. Ngoài ra chị còn nuôi 3 con bò, trồng trên 100 gốc xoài thái, 50 gốc mít và 0,7 ha keo, tràm. Riêng trong năm 2013, từ chăn nuôi trừ chi phí chị còn lãi trên 300 triệu đồng.

Trang trại cá kết hợp nuôi vịt của ông Ngô Trí Hà, xã Nam Thành.
Trang trại cá kết hợp nuôi vịt của ông Ngô Trí Hà, xã Nam Thành.

Phong trào làm trang trại ở Yên Thành đang phát triển khá mạnh, hiện toàn huyện có 56 trang trại thì có 45 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT… Kinh tế trang trại phát triển đã thu hút một lượng lao động đáng kể vào làm việc, hiện có trên 900 lao động tham gia lĩnh vực trang trại. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ để đạt hiệu quả cao, mở rộng liên doanh, liên kết, tổ chức thu gom các sản phẩm hàng hóa đi tiêu thụ, ký hợp đồng trao đổi hàng hóa hai chiều.

Ông Thái Đình Cầu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành cho biết: Phát triển kinh tế trang trại ở Yên Thành vẫn còn những hạn chế như cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước còn nhiều bất cập, nhiều trang trại thiếu vốn dẫn đến đầu tư không đồng bộ, các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa thực sự quan tâm đánh giá đúng mức thị trường cho vay phát triển kinh tế trang trại. Thời hạn cho vay của các ngân hàng chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh nên chưa tạo điều kiện cho trang trại đầu tư phát triển lâu dài. Để phát triển kinh tế trang trại bền vững thì tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ có lợi thế phát triển trang trại, đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhanh chóng giao đất cho chủ trang trại khi đã có đủ điều kiện. Khuyến khích các hộ dân có điều kiện đầu tư thuê đất trồng cây hàng năm và diện tích mặt nước để có điều kiện sản xuất hàng hóa tập trung. Các ngân hàng cần ưu tiên nguồn vốn cho trang trại đạt tiêu chí, nâng mức vay cho các trang trại, khuyến khích liên kết sản xuất tiêu thụ giữa các trang trại và doanh nghiệp.

Nếu kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kinh tế trang trại sẽ phát triển bền vững góp phần cải tạo được các vùng đất hoang hóa kém hiệu quả thành những vùng tiềm năng, trù phú.

Văn Trường

Mới nhất
x
Phát triển trang trại - hướng làm giàu bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO