Phát triển xứng tầm Bệnh viện chuyên khoa Mắt hàng đầu

25/12/2012 11:24

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bệnh viện Mắt tỉnh Nghệ An đã không ngừng phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân. Hiện bệnh viện đang đặt mục tiêu từng bước khẳng định, phát triển xứng tầm là Bệnh viện chuyên khoa Mắt hàng đầu của Trung tâm Y tế kỹ thuật cao Bắc Trung Bộ.

(Baonghean) Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bệnh viện Mắt tỉnh Nghệ An đã không ngừng phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân. Hiện bệnh viện đang đặt mục tiêu từng bước khẳng định, phát triển xứng tầm là Bệnh viện chuyên khoa Mắt hàng đầu của Trung tâm Y tế kỹ thuật cao Bắc Trung Bộ.

Bệnh viện Mắt Nghệ An tiền thân là Trạm chống mắt hột Nghệ An được thành lập vào ngày 26/04/1964. Trong những năm kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lúc này trạm có 7-8 người do 1 y sỹ làm trạm trưởng, nhiệm vụ của trạm là điều trị bệnh mắt hột và mổ quặm; trạm đã phải di chuyển sơ tán nhiều lần lúc lên Thanh Chương, lúc về Diễn Châu, mượn nhà dân để làm việc. Đến năm 1973, Trạm Mắt chuyển về Thành phố Vinh, lúc này trạm đã có 16 người với 3 bác sỹ.

Trong vòng 3 năm (từ 1979 - 1982), Trạm Mắt đã cùng các cơ quan trong ngành y tế tỉnh nhà cơ bản hoàn thành việc thanh toán quặm cho độ tuổi lao động từ 16 – 60 và trong năm 1982 đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích này…Được sự giúp đỡ của các cấp, tổ chức về thuốc, thủy tinh thể, kim chỉ, phương tiện đi lại nên Trạm Mắt phát triển nhanh chóng. Con số mổ đục thủy tinh thể tăng dần từ chỉ mổ 600 bệnh nhân/mỗi năm tăng dần lên trên 1.000 ca/năm. Từ mổ tại chỗ chuyển đến đi mổ lưu động bệnh nhân đục thủy tinh thể tại tuyến huyện; từ mổ trong bao đến mổ ngoài bao, đặt thủy tinh thể nhân tạo. Năm 2006, Trạm Mắt được UBND tỉnh ký quyết định lên Trung tâm Mắt Nghệ An. Kể từ đây, Trung tâm Mắt đã có bước phát triển nhanh trên mọi mặt. Và đến ngày 16/3/2012, Trung tâm Mắt đã được UBND tỉnh ký Quyết định nâng cấp lên Bệnh viện Mắt Nghệ An.



Khám mắt cho các bệnh nhân.

Với quy mô giai đoạn 1 là 50 giường bệnh, hiện tại bệnh viện đã có 50 cán bộ với 16 bác sỹ, 18 y tá chuyên khoa và 2 kỹ thuật viên chỉnh quang đảm bảo hàng năm khám chữa bệnh cho hơn 35.000 lượt người và phẫu thuật cho hơn 5.000 ca các loại. Dự án Xây dựng Bệnh viện Mắt quy mô 100 giường bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt trên khuôn viên đất 12.000m2 đang được triển khai; Phòng khám Bệnh viện được trang bị đầy đủ các loại thiết bị nhãn khoa tân tiến phục vụ khám điều trị bệnh nhân ngoại trú tốt nhất, như máy đo thị lực tự động, Sinh hiển vi khám bệnh tích hợp máy chụp ảnh màu kỹ thuật số lưu hình ảnh theo dõi bệnh nhân điều trị ngoại/nội trú, hệ thống đo và điều chỉnh khúc xạ tự động... Khoa phẫu thuật được trang bị nhiều loại máy phẫu thuật hiện đại như: hệ thống bàn phẫu thuật tự động điều chỉnh lên xuống, máy sinh hiển vi phẫu thuật tích hợp ánh sáng trắng không gây tổn hại mắt bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật, máy Phaco phẫu thuật thuỷ tinh thể Infiniti, hệ thống truyền hình ảnh trực tiếp ca phẫu thuật tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân... Về kỹ thuật, kỹ thuật mổ phaco của bệnh viện đứng đầu toàn tỉnh, bên cạnh đó là các kỹ thuật nối lệ mũi, nối lệ quản, ghép màng ối điều trị loét giác mạc, mổ mộng ghép kết mạc tự thân, Laze võng mạc tiểu đường, Laze YAG, siêu âm AB, chụp mạch huỳnh quang… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và giảm tải cho tuyến trên.

Có mặt tại bệnh viện trong một buổi khám hoạt động thường ngày, dễ nhận thấy tuy không gian bệnh viện nhỏ nhưng được bố trí gọn gàng, ngăn nắp. Khu vực đón tiếp thoáng mát, thuận lợi cho người bệnh làm thủ tục khám bệnh, thanh toán ra vào viện. Số lượng bệnh nhân đông nhưng với hệ thống báo gọi khoa học đã giúp bệnh nhân chủ động trong việc khám, điều trị. Đội ngũ y bác sỹ luôn nhiệt tình, trách nhiệm, hỏi han, dặn dò kỹ từng bệnh nhân. Ông Cao Thái Quang, 74 tuổi, một bệnh nhân ở huyện Diễn Châu cho biết: “Hai năm trước thấy mắt mờ dần, tôi đi khám ở huyện thì được giới thiệu về Trung tâm Mắt để mổ. Năm trước mổ xong thì thấy mắt sáng lại dần và đến nay có thể xem ti vi và đọc báo rõ ràng. Hôm nay, tôi tự bắt xe buýt vào khám định kỳ và lấy thuốc uống…”.

Với các hoạt động chỉ đạo tuyến, khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình, trong 5 năm qua, Trung tâm Mắt trước đây và nay là Bệnh viện Mắt Nghệ An đã cùng với các cán bộ ngành mắt trong tỉnh thực hiện tốt “Đề án Phòng chống, giải phóng mù lòa ở Nghệ An”; từng bước đưa tỉnh ta trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu Bắc miền Trung trong việc chăm sóc mắt cho nhân dân. Nhiều bệnh mắt gây mù đã được thanh toán, tồn đọng mù lòa giảm đáng kể, nhiều công nghệ kỹ thuật cao được áp dụng rộng rãi trong khám chữa bệnh, đội ngũ mạng lưới chuyên khoa thành lập sâu rộng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Theo đó, tỉnh đã giảm tỷ lệ mù lòa ở nhóm người 50 tuổi trở lên từ 4.2% xuống 3.8%; Tỷ lệ đục thể thủy tinh giảm từ 2,55% xuống 2,2%. Hệ thống quản lý Tật khúc xạ nhà trường đã hình thành với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Y tế, Giáo dục đào tạo và gia đình. Quản lý võng mạc tiểu đường đã đi vào hoạt động thường kỳ, phát hiện sớm và can thiệp phòng chống mù lòa cho gần 200 bệnh nhân đái tháo đường… Hàng năm, ngành mắt Nghệ An đã phẫu thuật cho hơn 7.000 ca đục thể thủy tinh đạt độ bao phủ 2.300ca/triệu dân/năm, đạt yêu cầu của WHO đưa ra. Trong 5 năm qua, trên toàn tỉnh đã phẫu thuật đem lại ánh sáng cho 35.680 người mù do đục thể thủy tinh (đạt tỷ lệ 60% người mù được phẫu thuật). Đặc biệt, trong đó hàng chục ngàn bệnh nhân mù là người nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa được phẫu thuật miễn phí, lưu động.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Lê - Giám đốc Bệnh viện Mắt Nghệ An cho biết: Hiện nay, các bệnh về mắt ngày càng phức tạp và đa dạng, đòi hỏi ngành mắt phải tiếp tục phát triển nhanh hơn, đặc biệt là phải tiếp cận và ứng dụng nhiều hơn các kỹ thuật cao. Trong tiến trình phát triển đó, dự án Bệnh viện Mắt quy mô 100 giường bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt là một bước khởi đầu thuận lợi. Bác sỹ Nguyễn Hữu Lê cho hay: Để Bệnh viện Mắt Nghệ An ngày càng phát triển xứng tầm là Bệnh viện chuyên khoa Mắt hàng đầu của Trung tâm Y tế kỹ thuật cao Bắc Trung Bộ cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, bệnh viện thường xuyên tiếp cận và học hỏi những công nghệ, kỹ thuật cao Nhãn khoa trên toàn quốc, trong khu vực và trên thế giới; tiếp tục nâng cao chất lượng các loại phẫu thuật phục vụ người bệnh, đặc biệt triển khai thành công phẫu thuật Lasik điều trị cận thị; thành lập Trung tâm Chỉnh quang quản lý và điều trị các tật khúc xạ, điều trị các bệnh mắt trẻ em; thường xuyên tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, đặc biệt là công tác đào tạo mũi nhọn chuyên khoa sâu nhằm tạo được đội ngũ kỹ thuật chuyên môn cao. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế phường, xã, thôn, bản về công tác chăm sóc mắt cho người dân… Hiện nay, ngành mắt Nghệ An nói chung và Bệnh viện Mắt Nghệ An nói riêng vẫn đang rất cần sự hỗ trợ của Bệnh viện Mắt Trung ương, các tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực.


Thành Chung

Mới nhất
x
Phát triển xứng tầm Bệnh viện chuyên khoa Mắt hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO