Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

31/12/2012 07:22

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2097/QĐ-TTg ngày 28/12/2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015.



Ngày 30/03/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn nút khởi động hệ thống cho ra mắt tấn urê đầu tiên của Nhà máy Đạm Ninh Bình, sự kiện đánh dấu sự nỗ lực và thành công của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
- Ảnh: VGP/Đức Vân

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế nhà nước. Đề án nhằm mục tiêu bảo đảm Tập đoàn có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hoá chất cơ bản và sản phẩm hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.

Theo đó, Tập đoàn có 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính và 2 nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính.

Bốn nhóm ngành, nghề kinh doanh chính gồm: sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hoá dược.

Hai nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính là: tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hoá chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất.

Tại thời điểm phê duyệt, các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam gồm: Văn phòng và các Ban chức năng, tham mưu; Trung tâm Thông tin khoa học kỹ thuật Hóa chất; Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Hóa chất.

Theo lộ trình thực hiện từ nay đến 2015, Tập đoàn sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 2 doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá, Tập đoàn nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ tại 5 doanh nghiệp. Trước mắt, giữ nguyên tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước đang nắm giữ đối với 5 công ty đã cổ phần hoá: Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Phân bón miền Nam; Phân bón Bình Điền; Phân lân nung chảy Văn Điển; Hóa chất Việt Trì.

Tập đoàn nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 13 doanh nghiệp, đồng thời nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ đối với 10 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước Tập đoàn nắm giữ tại 13 doanh nghiệp khác.

Trong Đề án này, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vào 7 nội dung chủ yếu của tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp: Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của Tập đoàn đối với người đại diện vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác; kiện toàn tổ chức của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.


Theo (Chinhphu.vn) – L.T

Mới nhất
x
Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO