Phía sau thành tích của 2 thủ khoa môn Vật lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hoàn cảnh và môi trường không giống nhau, nhưng phía sau 2 thủ khoa môn Vật lý Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 đều là những câu chuyện đáng ngưỡng mộ về sự quyết tâm, kiên trì và tâm huyết, yêu thương của những người thầy.

Bền bỉ với tình yêu Vật lý

Tình yêu Vật lý đến với em Hoàng Thị Hằng (lớp 12A1, Trường THPT Yên Thành 2, huyện Yên Thành) một cách rất đặc biệt, bởi em yêu thích môn học này từ khi... chưa được học nó.

“Hồi còn nhỏ, khi chứng kiến anh và chị họ của mình đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Vật lý, em đã ngưỡng mộ vô cùng. Từ sự ngưỡng mộ đó, em bắt đầu tò mò về môn học này và hứng thú với tất cả các hiện tượng liên quan đến Vật lý xung quanh mình. Sau này, khi trong chương trình học có môn này, em lại càng thấy nó thú vị hơn nữa.” - Hằng thổ lộ.

Năm lớp 8 và 9, vì nằm trong Đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh từ trước nên Hằng không thể cùng lúc tham gia Đội tuyển học sinh giỏi Vật Lý. Lên THPT, được học khối A, Hằng có cơ hội để thể hiện đam mê của mình ở môn học này. Từ thành tích Kỳ thi học sinh giỏi trường năm lớp 11, Hằng được chọn vào đội tuyển đi thi tỉnh.

So với những thí sinh trường chuyên, lớp chọn, những học sinh trường huyện như Hằng rõ ràng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Thầy Ngô Đại Hồng - giáo viên chủ nhiệm, đồng thời cũng là người trực tiếp bồi dưỡng cho Hằng chia sẻ: “Hằng có xuất phát điểm thấp hơn các bạn vì không được đầu tư nhiều về thời gian và điều kiện học tập. Là chị cả trong gia đình có bố là công nhân làm ăn xa, mẹ là nông dân, suốt thời gian ôn luyện, em vẫn vừa phải phụ giúp bố mẹ bảo ban, chăm sóc 2 em, vừa phải lo toan việc nhà. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có 2 tháng để tập trung ôn luyện và Vật lý là một môn học khó, đòi hỏi sự nỗ lực, đam mê”.

Thầy giáo Ngô Đại Hồng hướng dẫn giải đề cho Hằng (ngồi bên trái của thầy) và các bạn trong đội tuyển Vật lý Trường THPT Yên Thành 2. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Ngô Đại Hồng hướng dẫn giải đề cho Hằng (ngồi bên trái của thầy) và các bạn trong đội tuyển Vật lý Trường THPT Yên Thành 2. Ảnh: NVCC

Hỏi Hằng bí quyết để chinh phục được thành tích cao nhất trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, em khiêm tốn: “Em nghĩ mấu chốt quan trọng nhất để học Vật lý vẫn là nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và hứng thú tìm hiểu những kiến thức thực tiễn liên quan. Thời gian ôn luyện của em không nhiều, cảm thấy bản thân đã học cả sáng và chiều ở trường ổn rồi nên buổi tối em thường dành thời gian cho những công việc ngoài chương trình học. Em cũng thấy mình may mắn vì được thầy cô, bố mẹ động viên, không bao giờ tạo áp lực về thành tích nên ôn thi với tâm lý rất thoải mái. Có lẽ chính sự thoải mái, không nhồi nhét đã giúp em dễ sáng tạo hơn trong giải đề”.

Trở lại sau thất bại

Yêu thích môn Vật lý từ năm lớp 7, Nguyễn Minh Quân (lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh) được xếp vào Đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý cấp thành phố năm lớp 8. Kỳ thi năm đó, Quân chăm học và quyết tâm vô cùng, ai cũng nghĩ Quân sẽ đạt thành tích cao, bản thân Quân cũng rất tự tin mình sẽ thể hiện tốt. Thế nên, khi biết mình được giải Khuyến khích, Quân ngỡ ngàng và thất vọng vô cùng.

Nguyễn Minh Quân là 1 trong 2 thí sinh đạt Thủ khoa trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 môn Vật lý. Ảnh: Diệp Thanh

Nguyễn Minh Quân là 1 trong 2 thí sinh đạt Thủ khoa trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 môn Vật lý. Ảnh: Diệp Thanh

Quân nhớ lại: “Em đã rất buồn, mất đi tự tin và dành nhiều thời gian để nghĩ về nguyên nhân khiến thành tích của mình thấp như vậy. Em cho rằng bản thân đã quản lý thời gian và cảm xúc không tốt, dẫn đến việc học nhiều mà không hiệu quả và khi có áp lực thì mất bình tĩnh, lúng túng”. Kết quả thi năm đó khiến Quân ngần ngại với những kỳ thi học sinh giỏi tiếp theo, nhưng không làm Quân hết yêu môn Vật lý. Em quyết tâm khắc phục những hạn chế mà mình từng mắc phải và tham dự Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 12 trong một tâm thế khác, với một lịch học hợp lý hơn và một tâm lý thoải mái hơn.

“Chúng em bắt đầu ôn tập cho kỳ thi từ cuối năm lớp 11, ngoài những giờ học trên lớp, em tự làm đề và ôn thêm ở nhà nữa. Tuy học nhiều nhưng em không bao giờ để mình rơi vào trạng thái mệt mỏi, khi cảm thấy đầu óc bắt đầu căng thẳng em sẽ nghỉ giải lao và giải trí với bạn bè. Trong quá trình làm bài, nếu gặp bài khó hoặc mất bình tĩnh, em sẽ dừng suy nghĩ vài phút để cân bằng cảm xúc”.

Lịch học căng thẳng nhưng không khí những buổi ôn luyện của đội tuyển Vật lý Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng rất thoải mái. Ảnh: NVCC

Lịch học căng thẳng nhưng không khí những buổi ôn luyện của đội tuyển Vật lý Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng rất thoải mái. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về cậu học trò của mình, thầy Nguyễn Văn Thọ - người bồi dưỡng cho đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Vật lý lớp 12 cấp tỉnh của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nói: “Quân là một học sinh thông minh, tình cảm, thể hiện năng khiếu với môn Vật lý ngay từ khi vào lớp 10, luôn chỉn chu, khoa học trong cách trình bày. Theo đuổi kỳ thi này, Quân và các bạn khác phải trải qua lịch học rất dày với nhiều bài tập khó nhưng chưa bao giờ Quân nản lòng hay cảm thấy tiêu cực”.

Những người thầy tâm huyết

Một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành tích đáng tự hào của Hoàng Thị Hằng và Nguyễn Minh Quân chính là những người thầy tận tâm với công việc và hết lòng vì học trò của mình.

Chia sẻ về tâm lý thoải mái suốt quá trình ôn tập và thi cử, Nguyễn Minh Quân tâm sự: “Chưa bao giờ chúng em phải trải qua sự áp lực mỗi giờ ôn luyện. Thầy Thọ cực kỳ tâm lý, luôn hài hước ví những bài tập khó là một vấn đề, một thử thách cần có trong cuộc sống, đừng để nó làm mình nản, hãy để nó làm mình vững vàng hơn. Thầy cũng rất biết cách kết nối các thành viên trong đội tuyển để mọi người cùng hỗ trợ, thúc đẩy nhau”.

Thầy Nguyễn Văn Thọ (giữa) và các thành viên trong đội tuyển Vật lý của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Thọ (giữa) và các thành viên trong đội tuyển Vật lý của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVCC

Về công tác tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được 7 năm, trải qua 2 khoá bồi dưỡng đội tuyển với 2 giải thủ khoa, thầy Nguyễn Văn Thọ cho rằng tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng đối với học sinh. “Điều quan trọng nhất vẫn là duy trì niềm yêu thích, đam mê cho học trò với môn học. Để duy trì điều này, tôi tập trung vào niềm vui của học trò trong quá trình ôn luyện, không đặt nặng thành tích” - thầy Thọ nói.

Cùng quan điểm, thầy Ngô Đại Hồng - giáo viên Đội tuyển môn Vật lý Trường THPT Yên Thành 2 đánh giá cao tầm quan trọng của tâm lý khi đi thi và luôn nỗ lực tạo cho học trò tâm lý thoải mái nhất suốt quá trình ôn. “Học trò nghèo, bố mẹ không có nhiều điều kiện chăm lo, hỗ trợ nên trong các buổi học ôn, ngoài việc động viên các em bằng bánh kẹo, hoa quả, thì tôi cũng hay tâm sự, sát sao trò chuyện để khích lệ các em. Những ngày các em thi tại thành phố Vinh, tôi cũng đề xuất với lãnh đạo trường để được đi theo đoàn, tiện chăm sóc cho các em”.

Với các thành viên đội tuyển học sinh giỏi Vật lý Trường THPT Yên Thành 2, thầy Ngô Đại Hồng như một người bố thứ 2. Ảnh: NVCC

Với các thành viên đội tuyển học sinh giỏi Vật lý Trường THPT Yên Thành 2, thầy Ngô Đại Hồng như một người bố thứ 2. Ảnh: NVCC

Đêm cuối cùng trước ngày thi chính thức, hơn 22h30’, vì không hợp nước lọc của khách sạn, Hoàng Thị Hằng và một bạn nữa thuộc đội tuyển Sinh bị buồn nôn và không ăn được. Không có phương tiện, không thuộc đường, thầy Hồng đi bộ hơn 1,5km để tìm mua bằng được nước và thuốc cho các em.

Nhớ lại kỷ niệm này, Hằng xúc động: “Suốt quá trình ôn thi, sức khoẻ của thầy Hồng cũng gặp nhiều vấn đề nhưng không lần nào chịu đi khám. Thầy bảo để các em thi xong thầy khám luôn. Nhưng khi chúng em có bất cứ vấn đề gì, từ sức khoẻ đến tâm lý, thầy lại sốt sắng lo lắng, nhắc nhở, dặn dò. Bên cạnh việc dạy dỗ, dìu dắt, thầy đã chăm sóc chúng em như một người bố và lắng nghe, chia sẻ với chúng em như một người bạn. Những điều này đã giúp em có một quá trình ôn thi đầy niềm vui và kỷ niệm”.

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.