Phía trước là bầu trời

02/10/2014 17:39

(Baonghean) - Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, Lê Thị Mai (sinh năm 1996) vừa mừng vừa lo. Mừng, vì công sức học tập đã được đền đáp xứng đáng. Lo, bởi do gia cảnh quá đỗi khó khăn, một mình mẹ không kham nổi các khoản chi phí. Thế rồi, nỗi lo ấy được giải tỏa, những tấm lòng hảo tâm đã tìm đến và chia sẻ với cô học trò nghèo hiếu học này...

(Baonghean) - Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, Lê Thị Mai (sinh năm 1996) vừa mừng vừa lo. Mừng, vì công sức học tập đã được đền đáp xứng đáng. Lo, bởi do gia cảnh quá đỗi khó khăn, một mình mẹ không kham nổi các khoản chi phí. Thế rồi, nỗi lo ấy được giải tỏa, những tấm lòng hảo tâm đã tìm đến và chia sẻ với cô học trò nghèo hiếu học này...

Mẹ nghèo nuôi ước mơ cho con

Đã mấy lần hẹn, rồi lại bận công việc nên chúng tôi chưa có dịp gặp Mai. Mãi đến khi cô đã trở thành tân sinh viên Khoa Địa lý - Trường Đại học Vinh, người viết mới có dịp gặp gỡ để chúc mừng, bởi dù sao cuộc đời cũng đã mỉm cười với số phận một cô gái từng gánh chịu không ít thiệt thòi và bất hạnh. Trong căn phòng trọ nhỏ, đồ đạc không có gì đáng kể, Lê Thị Mai kể chúng tôi nghe về nỗi buồn và niềm vui của mình trong những năm tháng đã qua. “Nhà có 2 chị em, lúc em lên 3, em gái là Lê Thị Trúc chưa được 2 tháng tuổi, bố bỏ 3 mẹ con để ra đi. Nghe nói bố vào Vũng Tàu lấy vợ khác, giờ đã có thêm 3 em gái. Chưa bao giờ bố đoái hoài đến chúng em! Từ đó, một mình mẹ gồng hết sức mình để nuôi dạy các con” - Mai mở đầu câu chuyện. Chồng bỗng dưng bỏ nhà theo ngươi phụ nữ khác, chị Nguyễn Thị Thảo (1968), mẹ của Mai, lầm lũi bồng bế 2 con từ xã Nghi Trung về xã Nghi Vạn (Nghi Lộc) để nương nhờ bên ngoại. Nhà ông bà ngoại vốn nghèo, lại đông người nên không thể kể hết những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Một thời gian sau, ông bà ngoại và các cậu, các dì quyết định góp tiền của, công sức, hỗ trợ mẹ con Mai xây dựng một căn nhà nhỏ ngay trong vườn để tiện việc sinh hoạt và làm ăn. Ngoài việc hỗ trợ dựng nhà, bên ngoại còn nhường lại 3 sào ruộng khoán để mẹ con có kế sinh nhai.

Từ đó, người mẹ bất hạnh của Lê Thị Mai luôn phải gồng mình lên để kiếm đủ cái ăn hằng ngày cho 2 con, vừa làm tròn phận sự của một người mẹ, vừa gánh thêm phận sự của một người bố. Không có trâu, bò làm ruộng, chị Thảo suốt tuần phải quần quật làm việc đổi công. Khi hạt lúa đã được phơi khô khén, cây lúa ngoài đồng đã bắt đầu bén xanh, chị Thảo lại soạn sửa gánh gồng, cuốc xuổng và thúng mủng. Tất cả chất lên chiếc xe đạp cà tàng khi trời chưa hừng sáng, chưa nhìn rõ mặt người, chị đã vội lên xe tất tả đạp vào TP. Vinh. Chị tranh thủ vào đây để làm cửu vạn, nghĩa là ai thuê bất cứ việc gì, từ khơi thông cống rãnh, gánh cát, xỷ đến bốc vác, dỡ bỏ đồ đạc chị đều không nề hà. Có những hôm ế khách, ngồi từ sáng sớm đến chiều tối, không có người đến thuê, chị định lên xe ra về trong thất vọng. Bỗng dưng, trời đổ mưa rất to, một lát sau nước tràn khắp mặt đường, tràn lên vỉa hè, chị nép vào trước hiên một căn nhà để trú mưa. Có một người phụ nữ chạy đến thuê chị về nhà tát nước, vì nhà chị ta bị ngập nước. Một mình chị Thảo vật lộn với cả một vũng nước lớn, nó không chịu theo ý mình, cứ vừa đẩy ra nó lại tràn vào. Đến gần nửa đêm, công việc mới xong, khắp người ướt sũng, chị lại tất tả đạp chiếc xe cà tàng trở về Nghi Vạn. Chị em Mai ở nhà vẫn đang chong đèn chờ mẹ. Thấy mẹ về khuya, người ướt run, bụng đói lả, 2 đứa ôm chầm lấy mẹ mà khóc. Khóc vì thương mẹ, khóc vì ý thức rằng vì lo việc ăn học của mình mà mẹ phải vất vả, gian nan. Người mẹ ấy cũng khóc, khóc vì 2 đứa con còn nhỏ nhưng đã biết thương mẹ, biết san sẻ những vất vả, nhọc nhằn. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đoạn đường từ Nghi Vạn vào TP. Vinh trở thành quá quen thuộc đối với chị Thảo.

Chị Nguyễn Thị Thảo (mẹ của Mai) gặp lúa trên đồng làng.
Chị Nguyễn Thị Thảo (mẹ của Mai) gặp lúa trên đồng làng.

Gia cảnh gieo neo, vất vả, nhưng chị em Lê Thị Mai rất chăm ngoan và ham học, luôn được thầy cô, bạn bè quý mến. Giờ đây, Mai vẫn chưa thể nào quên mỗi khi năm học mới bắt đầu, mẹ lại cho tiền dành dụm được để mua sách vở. Nhưng không năm nào số tiền ấy đủ để mua sách mới, cô học trò nghèo đành phải tìm các anh chị lớp trước để xin lại sách cũ. “Suốt 12 năm đi học, có lẽ không có năm nào em được học sách mới. Nhiều lúc thấy bạn bè có sách mới phẳng phiu, thơm phức, em ước ao giá mình cũng có được... Nhưng rồi, biết mẹ vất vả, cơ cực, em chỉ biết phải cố gắng để học tốt hơn”- Mai chia sẻ. Mẹ con Mai thuộc diện hộ nghèo nên trong quá trình học tập, cả 2 chị em được ưu tiên miễn giảm nhiều khoản đóng góp. Nhưng bước lên THPT, nhu cầu học tập ngày càng cao, các khoản đóng góp vì thế cũng ngày một tăng theo. Em Trúc cũng ngày càng lớn, đã tiến đến gần cuối cấp THCS, người mẹ ấy càng phải gánh nặng thêm bao nỗi vất vả, gian nan. Đôi vai chị Thảo gầy đi, tấm lưng đang còng xuống bởi gánh nặng cuộc đời. Thấy trên khuôn mặt mẹ đã rạn vết chân chim, tấm thân ngày càng ốm yếu, sức khỏe giảm sút đi nhiều, Mai thương mẹ lắm. Có lúc, đã có ý nghĩ bỏ học ở nhà giúp mẹ, nay được thầy cô, bạn bè khuyên bảo. Những ngày mùa vụ, Mai vẫn thường tranh thủ ra đồng gặp lúa giúp mẹ. Lúc đưa lúa về nhà, Mai và em Trúc thay nhau tuốt lúa và rải lúa ra phơi. Thấy các con áo đẫm mồ hôi, mặt đỏ gay đỏ gắt vì nắng, chị Thảo chỉ biết nén tình yêu thương vào lòng, vì trước mắt chưa thể nào khác được...

Chẳng mấy chốc Lê Thị Mai đã tiến đến lớp cuối cấp THPT, một năm học thực sự nặng nề đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chi phí cho việc học hành, ôn tập và các loại hồ sơ ngày một tăng, trong khi đó, thời gian đỡ đần công việc gia đình ngày càng giảm. Cuối năm lớp 12, bạn bè cùng lớp, cùng khóa bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Mai cứ chần chừ, lần lựa mãi, vì mỗi lúc nghĩ đến gia cảnh của mình là em lại nản lòng. Nguyên nhân thì đã rõ, nhà chỉ có 3 sào ruộng, mẹ suốt ngày phải đầu tắt mặt tối làm thuê để kiếm tiền nuôi 2 chị em thì lấy tiền đâu ôn thi và đi thi đại học? Chưa kể, nếu trúng tuyển, còn học những 4 năm nữa, rồi còn khoản tìm kiếm việc làm? Ý định của mẹ là khi Mai học xong 12, sẽ xin vào làm công nhân tại Khu Công nghiệp ở gần nhà, rồi 2 mẹ con cùng hợp sức, góp tiền mua một con bò để tiện cho việc cày kéo. Rồi còn lo cho em của Trúc học, còn phải sửa sang lại căn nhà...

ẤM ÁP NHỮNG TẤM LÒNG

Từ lâu, Mai vẫn ôm ấp hy vọng giảng đường, rồi trở thành một cô giáo. Để đi đến ước mơ, cô học trò nghèo đã giấu mẹ việc tự ôn thi đại học, âm thầm với việc đèn sách, với những trang văn, bài sử và kiến thức địa lý. Em tranh thủ thời gian để ôn tập, khi trên lớp cũng như ở nhà. Thời điểm đó, quê em cũng vào mùa gặt. Ngày mùa, em vẫn cùng mẹ ra đồng gặt lúa, tối về lại chong đèn ngồi học. Biết được hoàn cảnh của Mai, bạn bè đã ra sức động viên em học tập, nhiều bạn đã góp tiền ủng hộ để em có đủ các khoản kinh phí đăng ký dự thi. Đặc biệt, vào những tuần cận kề với kỳ thi, cô giáo Hồ Thị Hợi dạy bộ môn Địa lý đã đưa Mai về nhà mình để tiện việc giúp em củng cố, hệ thống lại kiến thức và có được sự tự tin khi bước vào phòng thi. Bên cạnh đó, chồng của cô Hợi cũng là giáo viên dạy bộ môn Lịch sử trong trường, nên việc ôn tập của Mai gặp rất nhiều thuận lợi. Thầy cô lo cho Mai cả việc cơm nước, nghỉ ngơi và truyền đạt kinh nghiệm làm bài. Nhờ đó, cô bé nghèo đã có được sự tự tin.

“Ngày đi thi, em chỉ có trong tay đúng 50 nghìn đồng, số tiền này do mấy bạn cùng lớp ủng hộ. Địa điểm thi ở phường Trung Đô (Thành phố Vinh), cách nhà khoảng 20 km, em đi lại bằng xe đạp. Buổi trưa nghỉ lại, ăn bánh bì chờ thi buổi chiều” - Mai kể. Kết thúc môn thi cuối cùng, ngày hôm sau Mai làm hồ sơ xin vào làm công nhân Công ty bật lửa gas ở Khu công nghiệp Bắc Vinh và chờ đợi kết quả. Đó thực sự là những ngày rất dài đối với em, bởi luôn sống trong sự hồi hộp, lo âu, lẫn hy vọng... Rồi một ngày, cô giáo Hồ Thị Hợi gọi điện báo tin Mai được 18 điểm, chưa tính điểm ưu tiên. Mấy ngày sau, cũng chính cô giáo Hợi gọi điện báo cho em biết điểm chuẩn ngành Sư phạm Địa lý (Đại học Vinh) là 15 điểm. Nhưng niềm vui với Mai “ngắn chẳng tày gang”, tiếp đó là bao trăn trở, lo âu. Lấy tiền đâu để trang trải cho 4 năm học ở thành phố? Rồi mẹ sẽ vất vả thế nào khi một mình chèo chống, bươn chải lo cho 2 chị em Mai? Đã có lúc chuyện học của Mai tưởng chừng như đứt đoạn. Mai ngậm ngùi...

Lê Thị Mai xem lại những bức thư gửi về động viên.
Lê Thị Mai xem lại những bức thư gửi về động viên.

Bạn bè, những người thân quen đã chia sẻ hoàn cảnh của Mai lên mạng xã hội, rồi lập tức loan truyền khắp nơi. Biết rõ hoàn cảnh của cô gái nghèo, những tấm lòng hảo tâm và nhân ái từ khắp mọi miền đất nước đã tìm đến để động viên, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần. Chính sự giúp đỡ ấy đã nâng bước nữ sinh Lê Thị Mai vào giảng đường đại học. Đặc biệt, một nhà hảo tâm dấu tên hứa sẽ giúp đỡ Mai các khoản kinh phí đóng góp trong toàn khóa học. Mai cũng nhận được rất nhiều lời khích lệ của thầy cô, bạn bè và cả những người chưa quen biết. Đây là lời đề tặng trong một cuốn sách của một cô giáo ở Trường THPT Nghi Lộc 1: “Mai yêu quý! Phía trước là bầu trời với tất cả những gì tươi sáng nhất đang chờ em - cô gái đầy nỗ lực ạ! Chúc em luôn vững vàng trong cuộc sống! Cô luôn đồng hành cùng em...”. Còn đây là một đoạn trong bức thư của một nam sinh viên: “Biết được hoàn cảnh của gia đình em, thực sự anh rất khâm phục ý chí vượt khó học tập của em. Anh mong em hãy cố gắng tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, trở thành cô giáo dạy Địa lý giỏi, em nhé!”. Một người phụ nữ có tên là Trần Thị Lan đã viết thư chia sẻ: “Bác chúc mừng cháu đã đỗ đại học! Giảng đường đang chờ cháu đó, cháu cố gắng lên nhé! Bác tin rằng, với nghị lực của mình, cháu sẽ tiếp tục thành công. Nhận được quà của bác, cháu hãy vào trường nhập học, rồi báo lại cho bác biết nhé. Chúc cháu thành công! Gia đình và xã hội đang trông chờ vào những người giàu nghị lực như cháu”.

Dẫu phía trước còn không ít khó khăn, vất vả, nhưng ai cũng tin tưởng cô nữ sinh giàu nghị lực này sẽ vượt qua. Giữa cánh đồng Nghi Vạn, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thảo đang tất tả gặt lúa trên thửa ruộng đang kỳ chín rộ. Lúa mùa này được mùa, nụ cười lại hiện lên trên gương mặt nhăn nheo, khắc khổ...

Công Kiên

Mới nhất

x
Phía trước là bầu trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO