Philippines có bằng chứng về chủ quyền bãi cạn Scarborough
Tòa án Tối cao Philippines năm 1916 từng có phán quyết đối với một vụ đắm tàu ở khu vực bãi cạn Scarborough
Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng số ra ngày 19/7, giới chuyên gia luật pháp nói rằng một vụ kiện trước đây của Philippines đã tăng cường củng cố cho tuyên bố chủ quyền của nước này đối với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, hiện đang xảy ra tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh.
Vị trí bãi cạn Scarborough trên biển Đông (ảnh: Internet) |
Một chuyên gia luật pháp quốc tế khẳng định phán quyết của Tòa án Tối cao Philippines năm 1916 đối với một vụ đắm tàu ở khu vực bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) chính là bằng chứng tăng cường cho tuyên bố chủ quyền của Manila đối với bãi cạn này.
Tiến sỹ Jay Batongbacal thuộc Đại học Luật Chuyên nghiệp Philippines ngày 18/7 nói rằng, kết quả nghiên cứu của ông “là bằng chứng rõ ràng rằng Philippines đã thể hiện quyền thực thi công lý đối với bãi cạn Panatag cũng như những vụ việc xảy ra ở đó vào thời kỳ mà Philippines còn là thuộc địa của Mỹ”.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng do cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarbrough. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough. Phía Philippines nói rằng bãi cạn này nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.
Tiến sỹ Batongbacal cũng đặt nghi vấn đối với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với bãi cạn Scarbrough rằng nước này đã phát hiện bãi cạn lần đầu tiên dựa vào một bản đồ năm 1279 dưới triều nhà Nguyên.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Vào thời điểm đó, Trung Quốc là một phần của đế chế Nguyên Mông. Theo logic này đảo Hoàng Nham hoàn toàn thuộc chủ quyền của Mông Cổ”.
Bãi cạn tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc được gọi là Scarborough sau khi một tàu buôn chè cùng tên của Anh bị đắm ở đó cuối những năm 1800. Tại một buổi thuyết giảng ngày 18/7 về các lợi ích biển của Philippines, Tiến sỹ Batongbacal đã giới thiệu một bản đồ thời nhà Nguyên. Ông nhấn mạnh: “Bản đồ thời nhà Nguyên này thậm chí còn không thể xác định chính xác đảo Luzon và quần đảo Mindanao. Vì vậy, Trung Quốc vẫn chưa công khai bản đồ năm 1.279 của họ. Ngược lại, có những bản đồ đề những năm 1.700 lại chứng tỏ rằng bãi cạn Scarbrough thuộc Philippines”.
Hơn nữa, theo Tiến sỹ Batongbacal, một phiên tòa năm 1916 ở Manila đã lùi thời gian Trung Quốc chính thức nhận bãi cạn nói trên thuộc lãnh hải của họ với tên gọi quần đảo Trung Sa là năm 1913.
Phiên tòa năm 1916 liên quan đến con tàu S.Snippon, một tàu chở hàng của Thụy Điển bị mắc cạn ở bãi cạn Scarbrough ngày 8/5/1913 khi đang trong hải trình từ Manila đi Singapore.
Một con tàu có tên là Manchuria là tàu đầu tiên tiếp cận và giải cứu viên thuyền trưởng của tàu S.S Nippon và các thành viên thủy thủ đoàn của tàu này. Họ được đưa tới Hong Kong, nơi viên thuyền trưởng nói rằng họ sẽ thu xếp để con tàu S.S Nippon cùng hàng hóa được cứu hộ.
Những thông tin về vụ mắc cạn của con tàu S.S Nippon đã thúc đẩy hãng cứu hộ Erlanger& Galinger điều lực lượng đến giải cứu con tàu này, bốc dỡ toàn bộ hàng hóa trên tàu, đưa con tàu về Manila và bán toàn bộ số hàng hóa cứu hộ được.
Hãng cứu hộ Erlanger & Galinger sau đó đã tiến hành khởi kiện các nhà bảo hiểm hàng hóa và chủ tàu S.S Nippon sau khi hãng này thấy rằng họ không nhận được “đền bù” thỏa đáng so với dịch vụ “nguy hiểm” mà họ đã thực hiện.
Tiến sỹ Batongbacal cho rằng nếu như những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Scarborough là hợp lý Bắc Kinh “đã phải có một cơ quan chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở đó, trong đó bao gồm cả các vụ đắm tàu và mắc cạn”.
Ông kết luận “vụ việc của tàu S.Snippon là một bằng chứng khẳng định Philippines là nước duy nhất chịu trách nhiệm giải quyết các vụ đắm tàu hay mắc cạn ở quần đảo Scarborough"./.
Theo TTXVN - ĐT