Philippines: "Trung Quốc nên biết điều ở Biển Đông"

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang có mặt tại trụ sở Liên Hợp Quốc hôm qua bày tỏ trông đợi Trung Quốc "biết điều" trong căng thẳng liên quan đến bất đồng chủ quyền ở Biển Đông mà vẫn giữ được thể diện.

Ông Aquino, người mới có chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi đầu tháng này trong nỗ lực làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, cho rằng điều cốt yếu hiện nay là cố gắng hiểu được quan điểm của bên khác trong tranh chấp và nhận diện những lĩnh vực có thể đạt thoả thuận.

 Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: AFP.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: AFP.

"Trong trường hợp riêng của họ (Trung Quốc), khái niệm giữ thể diện rất quan trọng. Chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ biết điều, nhưng họ cũng cần có một số cách thức để giữ thể diện cho mình", AFP dẫn lời Tổng thống Philippines Aquino phát biểu tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York, nơi ông đang có mặt để tham dự khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Dù tỏ ra hiểu tình thế của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Aquino vẫn khẳng định quan điểm rằng Bắc Kinh nên đạt một thoả thuận với cả 10 nước thành viên ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. "Nếu chúng ta làm việc này theo nguyên tắc song phương thì chúng ta sẽ chỉ thổi phổng và làm trầm trọng vấn đề tranh chấp chủ quyền mà thôi", ông Aquino nói thêm.

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố giữa các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và đang hướng tới xây dựng một bộ quy tắc mang tính ràng buộc hơn. Tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa đạt nhiều kết quả và một trong những nguyên nhân theo một số nhà ngoại giao là do Bắc Kinh ngày càng muốn giải quyết bất đồng với từng nước, chứ không phải với chung khối ASEAN.

Căng thẳng tại Biển Đông bùng phát từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc liên tiếp có các hành động gây hấn và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines trên Biển Đông, như các vụ quấy rối ngư dân và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino luôn tận dụng các diễn đàn và chuyến thăm quốc tế của mình để nêu rõ với các nước về vấn đề Biển Đông. Ngoài chuyến thăm Trung Quốc diễn ra từ 30/8 đến 3/9, ông Aquino cũng sẽ đề cập đến chủ đề này khi tới thăm Nhật Bản từ ngày 24 tới 29/9 tới.

Phát ngôn viên của ông Aquino cho biết trước chuyến đi rằng vấn đề bất đồng chủ quyền và những căng thẳng ngày một gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông nên được phía Nhật Bản quan tâm, vì Tokyo cũng là một bên liên quan trong việc tìm kiếm hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hơn nữa Nhật có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông.

Ngay sau đó, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Toshinao Urabe hôm qua tuyên bố quan điểm của Tokyo là ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử chặt chẽ để ràng buộc các bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông khẳng định Nhật Bản cũng sẽ đề cập tới vấn đề Biển Đông khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino tới thăm Tokyo.

Ngoài việc tích cực đưa vấn đề Biển Đông ra diễn đàn quốc tế, Philippines cũng đang tìm kiếm thêm nhiều sự hỗ trợ quân sự và thắt chặt hơn mối quan hệ với Mỹ. Tổng thống Aquino mới đây cũng quyết định phân bổ 11 tỷ peso (252 triệu USD) để nâng cấp hải quân Philippines với sự hỗ trợ của Mỹ.

(Theo VnExpress)

tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.