Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Khó về đích

14/07/2014 09:58

(Baonghean) - Thực hiện Đề án 239 của Bộ GD&ĐT về phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi, Nghệ An xây dựng đề án của tỉnh đăng ký đến năm 2014 hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… nên mục tiêu khó hoàn thành.

Chúng tôi đến thăm lớp học điểm lẻ tại xóm 12 xã Quỳnh Trang, Thị xã Hoàng Mai, ngôi nhà của gia đình anh Bùi Đức Nho và chị Đống Thị Chung vừa mới xây thô, chưa trát da, chưa lắp khung cửa sổ, các hạng mục đang thực hiện dở dang. Nhưng do các cháu trong xóm không có phòng để học, gia đình anh chị 4 nhân khẩu sinh hoạt ở ngay ốt bên cạnh đã nhường nhà cho các cháu mầm non học từ tháng 10/2013.

Diện tích phòng khách gần 30m2 làm lớp học hàng ngày với 30 cháu, còn gian trong gần 20m2 là 18 cháu lớp 3 tuổi học. Đã nhiều lần anh chị có ý định hoàn thiện nhà nhưng phải dừng lại vì nếu thi công các cháu không có chỗ để học nên anh chị không đành lòng. Cô giáo Đậu Thị Hậu - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Trang chia sẻ: “Địa bàn rộng nên Trường Mầm non Quỳnh Trang chia 4 điểm lẻ, điểm trường trung tâm chỉ có 6 phòng học, còn các điểm lẻ đều mượn nhà dân hoặc nhà văn hóa cho các cháu học. Nhà trường còn thiếu 13 phòng học. Dự án xây trụ sở Trường Mầm non Quỳnh Trang đã được UBND tỉnh phê duyệt, xã đã hoàn thành công tác GPMB nhưng đến nay chưa có nguồn vốn tiếp tục thi công. ”.

Giờ ra chơi của các cháu Trường Mầm non Quỳnh Trang (TX. Hoàng Mai).
Giờ ra chơi của các cháu Trường Mầm non Quỳnh Trang (TX. Hoàng Mai).

Hoàn cảnh của Trường Mầm non xã Quỳnh Vinh cũng không khá hơn. Hình ảnh ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là biển tên của trường: “Trường Mầm non Quỳnh Vinh - Hợp tác xã Đại Vinh”. Dẫn chúng tôi đi, thầy Nguyễn Viết Lập - Trưởng Phòng GD&ĐT, Thị xã Hoàng Mai cho biết: Do không có điều kiện xây dựng trụ sở nên hàng năm nay các em học chung nhà làm việc của hợp tác xã đã xuống cấp, còn điểm lẻ học ở nhà văn hóa xóm, nhà thờ của xứ đạo Yên Hòa. Điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo nên đồ dùng, đồ chơi cho trẻ rất ít, ghế ngồi của trẻ 5 tuổi không đúng với quy định. Thầy Lập cho biết thêm: “Hoàng Mai có 12 trường mầm non, trong đó chỉ 5 xã đạt PCGDMN 5 tuổi. Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí để đầu tư về cơ sở vật chất và vấn đề bố trí giáo viên”.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giáo dục mầm non Nghệ An được củng cố và phát triển. Đặc biệt việc thực hiện Đề án 239 của Bộ GD&ĐT về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đã góp phần quan trọng, tạo diện mạo mới cho bậc học này. Ngay sau khi triển khai đề án, Nghệ An đã có nhiều biện pháp, sáng kiến, trong đó quyết tâm và chuyển đổi thành công toàn bộ các trường MN bán công khu vực 2 miền núi sang công lập gồm 37 trường, chuyển 296 trường MN bán công sang công lập, tự chủ một phần kinh phí hoạt động, chuyển 16 trường MN công lập trọng điểm và 20 trường MN bán công khác có điều kiện thành trường MN công lập thực hiện thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động.

Đồng thời tuyển dụng 5.068 giáo viên hợp đồng vào biên chế. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhờ đó cuộc sống giáo viên được cải thiện đáng kể để họ có điều kiện cống hiến, tâm huyết gắn bó và yêu nghề hơn. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu tiên như: Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách học tại trường theo quy định, tổ chức cho trẻ bán trú tại trường, giúp trẻ được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới và chất lượng chăm sóc giáo dục được nâng lên… Toàn tỉnh có 518 trường thực hiện chương trình mầm non mới. Tỷ lệ huy động trẻ cao so với chỉ tiêu chung toàn quốc, trong đó mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%. Không chỉ vậy, nhận thức của các bậc phụ huynh và cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa bước đầu đạt hiệu quả. Ngân sách Nhà nước dành cho GDMN được phân bổ thường xuyên hàng năm, trong 3 năm qua, toàn tỉnh phân bổ 110 tỷ đồng xóa được 156 phòng học tạm. Xây dựng mới 5 trường mầm non với 107 phòng học, với kinh phí gần 67 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn ngành học mầm non có 8.695 giáo viên, trong đó giáo viên lớp 5 tuổi là 3.188 GV/1.836 lớp, tỷ lệ 1,7 GV/lớp (quy định là 2 GV/lớp). Toàn bậc học còn thiếu 2.502 giáo viên, trong đó giáo viên dạy lớp 5 tuổi còn thiếu 133 người, tập trung ở các huyện: Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn. Để thực hiện đề án phổ cập, nhiều địa phương đã bổ sung giáo viên dành cho lớp 5 tuổi, vì thế dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên dành cho lớp 4 tuổi, 3 tuổi. Không chỉ các huyện vùng sâu, vùng xa mà các địa bàn trung tâm có điều kiện thuận lợi như Nghi Lộc, TP. Vinh cũng thiếu giáo viên bậc mầm non. Ngoài nỗi lo thiếu giáo viên, phòng học theo quy chuẩn khiến cho tiến độ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi của tỉnh càng chậm.

Việc mượn phòng học tạm diễn ra phổ biến ở các huyện miền núi cao, điển hình như huyện Kỳ Sơn còn 47 phòng học mượn tạm, Quế Phong 20 phòng, Quỳ Châu 11 phòng,... Do địa bàn phức tạp, điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, hệ thống trường lớp tạm, bán kiên cố còn nhiều, nhiều điểm lẻ, lớp ghép 2 - 3 độ tuổi học chương trình 5 tuổi (hơn 400 lớp trong đó trẻ em 5 tuổi chiếm 1/3), thôn bản ở cách xa nhau cho nên trẻ đi học không đều. Việc học 2 buổi/ngày và thực hiện chương trình mầm non mới ở các huyện miền núi còn nhiều bất cập. Trong khi đó, ở Thành phố Vinh do nhu cầu đến trường của trẻ tăng nhanh nên nhiều trường đó quá tải, sỹ số trẻ, nhóm, lớp vượt mức quy định ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường mầm non còn hạn chế nên việc bố trí giáo viên, khuôn viên sân trường cho trẻ trải nghiệm, đồ chơi, bàn ghế còn thiếu và chưa đồng bộ. Số lớp 5 tuổi còn gần 400 lớp chưa đủ đồ dùng, đồ chơi theo quy định, 343 lớp thiếu thiết bị dạy học. Do đó, việc tổ chức các hoạt động cho trẻ còn nhiều hạn chế. Định biên về cán bộ quản lý, giáo viên/lớp và nhân viên phục vụ chưa đảm bảo. Hầu hết các trường mầm non hiện nay chưa có đầy đủ nhân viên y tế, kế toán, người nấu ăn nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Nhiều đơn vị việc bố trí định biên giáo viên 5 tuổi/lớp còn thấp: Quế Phong: 1,42; Quỳ Châu: 1,22; Kỳ Sơn: 1,2; Tương Dương: 1,4...

Đến thời điểm cuối năm 2013, toàn tỉnh có 421/480 xã, phường đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, chiếm tỷ lệ 87%, và đến tháng 7/2014, toàn tỉnh còn 7 đơn vị chưa đạt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là: TP Vinh, Nghi Lộc, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, Hoàng Mai. Cho nên mục tiêu đến cuối năm 2014, để toàn tỉnh hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là điều rất khó thành hiện thực.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT, thực hiện đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, dù đạt được một số thành công bước đầu nhưng tỉnh vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn cần sự nỗ lực của các địa phương để hoàn thành đề án. Ngành Giáo dục và đào tạo giữ vai trò nòng cốt trong quá trình triển khai, thực hiện, ngành đã chủ động tham mưu và đề xuất kế hoạch, có giải pháp tích cực, kịp thời cho các cấp uỷ đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện các mục tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Sở thành lập các đoàn khảo sát các địa phương chưa đạt chỉ tiêu, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên. Song song đó, khuyến khích các địa phương tranh thủ nguồn lực từ xã hội hóa giáo dục nhằm trang bị cơ sở vật chất, như vậy mới đảm bảo tiến độ đề ra.

Thanh Lê

Mới nhất
x
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Khó về đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO