Phổ cập tin học, nối mạng tri thức: Cần sự hỗ trợ

08/08/2011 15:28

Trong những năm qua, Hội LHTN tỉnh Nghệ An luôn xung kích trong các hoạt động tình nguyện phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, việc đưa tin học về với vùng sâu, vùng xa đang gặp không ít khó khăn...

(Baonghean) - Trong những năm qua, Hội LHTN tỉnh Nghệ An luôn xung kích trong các hoạt động tình nguyện phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, việc đưa tin học về với vùng sâu, vùng xa đang gặp không ít khó khăn...

Năm 2006, thực hiện chương trình thí điểm "Phổ cập tin học- nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên" (gọi tắt là dự án Thánh Gióng) của TƯ đoàn, Hội LHTN tỉnh đã thành lập 4 đội hình Thanh niên, sinh viên tình nguyện về phổ cập tin học ở vùng sâu, vùng khó khăn trong chiến dịch Hè tình nguyện. Hoạt động này vẫn được duy trì cho đến nay, mặc dù dự án của TƯ đoàn chỉ kéo dài trong 2 năm. Mục tiêu trọng yếu của chương trình là "xóa mù tin học", hướng dẫn cho những thanh niên nông thôn các kiến thức cơ bản về máy tính, phần cứng, phần mềm, internet. Ngoài ra, còn phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân tin học nòng cốt cho các xã vùng sâu, vùng xa...


Sinh viên tình nguyện phổ cập tin học ở Quỳ Châu.

Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai phổ cập tin học, nối mạng tri thức gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến trang thiết bị, cơ sở vật chất. Khi bắt đầu dự án năm 2006, Nghệ An được TƯ đoàn cấp 20 bộ máy vi tính giao cho Tỉnh đoàn quản lý nhưng sau nhiều năm sử dụng, phần lớn đã hư hỏng. Bởi vậy hàng năm, Hội LHTN tỉnh đều phải hợp đồng thuê phòng máy của các trường học hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện, kết hợp huy động máy tính xách tay của các tình nguyện viên. Lớp đông, máy ít, có khi 4-5 người học chung một máy, trình độ học viên không đều nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, các lớp phổ cập tin học thường phải đặt tại trung tâm thị trấn nên học viên ở vùng sâu, vùng xa đi lại rất vất vả. Các huyện nông thôn, miền núi điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều xã thậm chí chưa có điện, chưa kết nối internet nên học xong học viên không có điều kiện thực hành thường xuyên, dẫn đến học trước quên sau... Anh Phạm Ngọc Cảnh- Phó ban đoàn kết tập hợp thanh niên Tỉnh đoàn, Chánh văn phòng Hội LHTN tỉnh cho biết: Trung bình hàng năm, tỉnh thành lập 2 đội phổ cập tin học nối mạng tri thức và phổ cập cho từ 150-200 học viên, đối tượng chủ yếu là cán bộ đoàn xã, bí thư chi đoàn khối, xóm nhưng do khó khăn về kinh phí, thời gian học ngắn chỉ kéo dài trong vòng 8-10 ngày nên cũng chỉ như gió thoảng. Bên cạnh đó sự không đồng đều về độ tuổi, trình độ nhận thức của các học viên cũng tạo ra khó khăn cho việc truyền tải kiến thức. Hơn nữa, hiện nay Hội LHTN vẫn đang phải thực hiện theo hình thức quay vòng năm nay huyện này, năm sau huyện khác ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình.

Phổ cập tin học - nối mạng tri thức, tạo điều kiện giúp đỡ thanh thiếu niên được học tập, được tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao kiến thức là chương trình thiết thực, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của thanh thiếu niên nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, để chương trình đi vào cuộc sống có hiệu quả cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, huy động các nguồn lực xã hội.

Để cụ thể hóa Đề án "Xây dựng 1000 điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập internet cho thanh niên nông thôn, miền núi", hưởng ứng Năm Thanh niên 2011, TƯ đoàn sẽ phối hợp với VNPT triển khai xây dựng thí điểm 62 điểm "internet thanh niên" ở 62 huyện nghèo, trong đó, Nghệ An có 3 huyện thuộc chương trình 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Các điểm "internet thanh niên" được đặt tại trường THCS, THPT Dân tộc nội trú các huyện và chính thức đi vào hoạt động vào đúng dịp Lễ khai giảng 5/9 tới. Ở đây cung cấp các dịch vụ như: phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử, điểm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, điểm dịch vụ truy cập Internet, điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi do Ban Giám hiệu, Đoàn trường, Đoàn xã phối hợp quản lý.

Các điểm "internet thanh niên" được hy vọng sẽ trở thành CLB sinh hoạt văn hóa lành mạnh và thiết thực của thanh thiếu niên. Cán bộ viễn thông, tổ chức Đoàn địa phương và các nhà trường sẽ tích cực hợp tác đẩy mạnh các hoạt động đoàn kết tập hợp thanh niên, đào tạo nâng cao kiến thức tin học, định hướng chọn lọc thông tin cho giới trẻ. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn cả về vật chất và tinh thần đối với thanh thiếu niên vùng khó khăn, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu tiếp cận tin học của thanh niên hiện nay. Vì vậy, nếu có sự quan tâm từ các cấp ngành, sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tốt hơn từ các địa phương để có thêm nhiều điểm "internet thanh niên", ở vùng sâu, vùng xa, chương trình phổ cập tin học, nối mạng tri thức sẽ hiệu quả hơn, thiết thực hơn góp phần đẩy mạnh phong trào học tập, ứng dụng khoa học và CNTT trong thanh niên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Khánh Ly

Mới nhất
x
Phổ cập tin học, nối mạng tri thức: Cần sự hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO