Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Nghệ An giám sát bếp ăn tập thể trong các nhà máy

Thành Duy 13/11/2019 17:57

(Baonghean.vn) - Trăn trở về sức khỏe của người lao động, nhất là liên quan đến chất lượng bữa ăn ca của công nhân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị ngành Y tế và LĐLĐ tỉnh tiếp tục giám sát bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh.

Chiều 13/11, Đoàn giám sát liên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An do đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại biểu Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Nghệ An.

Làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Ảnh: Thành Duy

Số vụ tai nạn lao động giảm

Giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 76 vụ tai nạn lao động làm 92 người bị nạn, trong đó có 20 người chết/17 vụ, 56 người bị thương nặng; làm thiệt hại vật chất hơn 4,4 tỷ đồng.

So với giai đoạn 2013 -2015, trong giai đoạn 2016 -2018 giảm 5 vụ, giảm 8 vụ có người chết, giảm 13 người chết do tai nạn lao động.

Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động do doanh nghiệp, người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng cho người lao động. Mặt khác, người lao động không chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn.

Các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra ở các ngành, nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại như: khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp…

UBND tỉnh Nghệ An luôn đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý việc vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động,

Minh chứng là hàng năm lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động; qua đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát cũng đã đặt ra các vấn đề từ thực tiễn sau khi đã đi giám sát về công tác chấp hành pháp luật về vệ sinh, an toàn lao động tại 2 doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An, trong đó có một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài và 1 doanh nghiệp trong nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa khẳng định tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan vệ sinh, an toàn lao động; đồng thời tiếp thu các ký kiến của đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện một số nội dung như: Tham mưu cho tỉnh để giao ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam thực hiện nhiệm vụ liên quan trên lĩnh vực này trong địa bàn Khu kinh tế, Sở Y tế nghiên cứu giải pháp để tăng cường việc người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám định kỳ cho người lao động…

Trăn trở với sức khỏe, chất lượng bữa ăn của công nhân

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Trưởng đoàn giám sát ghi nhận những kết quả Nghệ An đạt được trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, gắn với những hạn chế cơ bản của tỉnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động là vấn đề lớn, quan trọng, nhiệm vụ rất cơ bản trong quá trình triển khai, tổ chức các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở đó, sau đợt giám sát này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tỉnh tổng rà soát công tác an toàn vệ sinh, lao động trên địa bàn; quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cần phải sâu hơn, rộng hơn, cụ thể hơn và hình thức phải phong phú hơn để đến được với người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trên lĩnh vực này.

Đặc biệt, rất trăn trở về sức khỏe của người lao động, nhất là liên quan đến chất lượng bữa ăn ca của công nhân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thực tế ở nhiều doanh nghiệp trong nước, chủ doanh nghiệp không có trách nhiệm trong việc này, trong khi đó nhiều người bán hàng hay chọn đối tượng công nhân, sinh viên để bán hàng vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Nếu cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức Công đoàn không giám sát thì không ai làm thay người công nhân cả”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trăn trở.

Ngành Y tế hướng dẫn thực hiện mô hình điểm cho một công ty tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh tư liệu: Thanh Sơn
Ngành Y tế hướng dẫn thực hiện mô hình điểm bếp ăn tập thể cho một công ty tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh tư liệu: Thanh Sơn

Do đó, tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị năm 2020, ngành Y tế và LĐLĐ tỉnh Nghệ An tiếp tục giám sát bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về vấn đề vệ sinh, sức khỏe, an toàn thực phẩm của người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Nghệ An giám sát bếp ăn tập thể trong các nhà máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO