Phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống lao
(Baonghean) - Việc phối hợp y tế công - tư nhằm phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần giảm số lượng người mắc lao trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao hơn chất lượng hoạt động phối hợp, rất cần sự tham gia tích cực của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò của trưởng phòng y tế huyện, thành, thị.
(Baonghean) - Việc phối hợp y tế công - tư nhằm phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần giảm số lượng người mắc lao trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao hơn chất lượng hoạt động phối hợp, rất cần sự tham gia tích cực của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò của trưởng phòng y tế huyện, thành, thị.
Bà Ngô Thị Hoa, 80 tuổi, ở xóm 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu vừa phát hiện mình bị mắc bệnh lao chừng khoảng 10 ngày trước. Bà Hoa cho biết, sức khỏe của bà trước đây tốt lắm, hiếm khi ốm đau. Đầu tháng vừa rồi thấy mình ho, có đờm. Bà nghĩ mình bị cảm cúm nên lên trạm xá xin thuốc uống nhưng mãi không khỏi. Bà được con dẫn ra Phòng khám Đa khoa Tràng An ở Thị trấn Diễn Châu khám sức khỏe. Và qua sơ khám nghi lao, phòng khám đã giới thiệu bà sang Trung tâm y tế huyện để làm xét nghiệm, chữa bệnh. Các bác sỹ ở đây đã phát hiện bà bị lao, tiêm và cấp cho thuốc uống về điều trị tại nhà. Đến nay sức khỏe bà đã ổn định, triệu chứng bệnh giảm bớt. Bà Hoa chia sẻ: Biết bệnh lao là bệnh nguy hiểm, dễ lây nên tôi tuân thủ lời các bác sỹ dặn “9 giờ sáng mỗi ngày lại ra trạm xá nhờ tiêm, 9 giờ sáng là uống thuốc điều trị, ngoài ra uống thêm thuốc bổ. Bệnh lao của tôi được phát hiện, điều trị sớm, ở nhà tuân thủ việc giữ gìn vệ sinh nên sẽ giảm nguy cơ lây truyền”.
Việc bà Hoa phát hiện ra bệnh sớm để được cứu chữa kịp thời, ngăn ngừa việc lây truyền bệnh là điều rất đáng mừng. Nhưng điều đáng biểu dương ở đây là sự tích cực, tinh thần trách nhiệm của Phòng khám Đa khoa Tràng An trong việc giúp đỡ bệnh nhân và hướng dẫn đúng thầy, đúng thuốc (hiện nay vẫn có rất nhiều cơ sở y tế không có khả năng điều trị bệnh nhưng vẫn cố tình giữ chân bệnh nhân). Hỏi chuyện bác sỹ Nguyễn Ngọc Lý, trưởng phòng khám này được biết: Phòng khám đã tích cực thực hiện chương trình dự án tăng cường phối hợp y tế công – tư nhằm hỗ trợ chiến lược ngăn chặn bệnh lao do ngành Y tế triển khai. Trong hơn 1 năm đi vào hoạt động, phòng khám đã phát hiện và giới thiệu được 10 bệnh nhân nghi lao lên tuyến trên để xét nghiệm, điều trị. Qua xét nghiệm thì có 3 bệnh nhân là dương tính.
Chương trình dự án tăng cường phối hợp y tế công – tư trong phòng, chống lao (do cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ tài trợ) đã được huyện Diễn Châu thực hiện từ năm 2011 tới năm 2013; với mục tiêu tăng tỷ lệ phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao, hạn chế lây truyền, không bỏ sót bệnh nhân ngoài cộng đồng. Theo đó, các giám sát viên tham gia chương trình là nhân viên phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu đã thiết lập mạng lưới chuyển người nghi lao từ nhà thuốc, bệnh viện tư, phòng khám tư và bệnh viện công tới mạng lưới chống lao. Lựa chọn những nhà thuốc, phòng khám uy tín tham gia chương trình; tiến hành tập huấn, phát tài liệu cho nhân viên nhà thuốc, phòng khám về các dấu hiệu bệnh lao; phát giấy giới thiệu chuyển bệnh nhân; thường xuyên nhắc nhở những nhà thuốc, phòng khám tích cực hợp tác; tiến hành khen thưởng các nhà thuốc, phòng khám tích cực phòng, chống lao.
Tuyên truyền phòng, chống lao cho bệnh nhân ở Phòng khám Đa khoa Tây Phủ Diễn. |
Chị Phạm Thị Nga, chủ nhà thuốc Nga Thắng, Thị trấn huyện Diễn Châu cho hay: “Quy trình giới thiệu này là khi những người có dấu hiệu mắc, nguy cơ mắc lao cao tìm đến thì nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện có trách nhiệm giới thiệu họ lên Bệnh viện Lao tỉnh, tổ chống lao huyện để khám xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân đó ra sao đều được Bệnh viện Lao tỉnh và tổ chống lao thông báo lại cho nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện biết rõ. Người không mắc lao thì trở về, người mắc sẽ được điều trị. Tôi thấy nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện làm được việc giới thiệu đó sẽ tự nâng cao uy tín của mình, bệnh nhân sẽ đến đông hơn. Và người nghi lao khi được hướng dẫn như vậy, ai cũng tuân thủ theo…”. Trong 3 năm, đã có 28 nhà thuốc, 9 phòng khám, 1 bệnh viện tư và 1 bệnh viện công ở huyện Diễn Châu tham gia chương trình y tế công - tư này. Qua đó giới thiệu 1.200 bệnh nhân nghi lao chuyển lên tuyến trên xét nghiệm và điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Như Huỳnh, Trưởng Phòng Y tế huyện Diễn Châu cho biết: Những kết quả đạt được của chương trình phối hợp y tế công tư trong phòng chống lao là rất tích cực. Nhân viên nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện công được tập huấn thêm các kiến thức về bệnh lao; bệnh nhân lao đã nhận được sự quan tâm hơn của các cấp, ngành và cộng đồng. Ban đầu nhiều nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện vẫn băn khoăn về việc chuyển bệnh nhân làm giảm nguồn thu nhưng dần họ đã hiểu ra lợi ích lâu dài của chương trình. Tuy đến tháng 9/2013, Dự án Tăng cường phối hợp y tế công – tư nhằm hỗ trợ chiến lược ngăn chặn bệnh lao tại Nghệ An đã kết thúc (không còn kinh phí hỗ trợ, tài liệu tuyên truyền) nhưng hiện tại chúng tôi vẫn nhắc nhở các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện tư duy trì mạng lưới này, thực hiện lồng ghép tập huấn phòng, chống lao trong các cuộc giao ban y, dược.
Không phải chỉ riêng Diễn Châu mới được triển khai dự án này mà từ năm 2011-2013 toàn tỉnh đã có 8 huyện, thành, thị trong tỉnh thực hiện việc kết hợp y tế công - tư phòng chống lao, bao gồm: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn , Thị xã Cửa Lò, Thành phố Vinh. Qua đó đã thiết lập được mạng lưới gồm 408 cơ sở chuyển gửi bệnh nhân lao; tập huấn cho hơn 1.000 nhân viên nhà thuốc, phòng khám và bệnh viện tư, bệnh viện công ngoài lao; các cơ sở y tế công – tư đã chuyển được 3.788 bệnh nhân nghi lao, qua xét nghiệm phát hiện 762 bệnh nhân có AFB(+)… Dự án phối kết hợp y tế công - tư để phòng, chống lao đã đem lại kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên, phải nói rằng, trong 8 đơn vị tham gia không phải đơn vị nào cũng làm tốt như Diễn Châu. Theo bác sỹ chuyên khoa I Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, chỉ đạo tuyến công tác phòng, chống lao tỉnh Nghệ An thì: Có một số đơn vị triển khai mạng lưới chưa tốt, vai trò thực hiện giám sát, thúc giục của các Trưởng phòng Y tế (quản lý y tế ngoài công lập) chưa được phát huy nên số bệnh nhân chuyển gửi không nhiều, việc báo cáo cập nhật số liệu không thường xuyên, kịp thời. Điển hình đó là Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò… Khi dự án kết thúc (không còn kinh phí), ban chỉ đạo gọi điện xuống, có trưởng phòng y tế thậm chí không nhấc máy, gửi mail thì không trả lời.
Bác sỹ Thái Đình Lâm cho biết: Để tiếp tục chương trình y tế công - tư, ngày 15/1/2013, Bộ Y tế đã có Thông tư 02 quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao; và Sở Y tế Nghệ An đã có Chỉ thị 95 yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhà tăng cường phối hợp phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao. Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An đang tiếp tục triển khai việc phối hợp y tế công - tư, chỉ đạo, giám sát ở các huyện còn lại trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này vẫn rất cần tinh thần trách nhiệm của các nhân viên y tế, đặc biệt là sự tích cực vào cuộc của các trưởng phòng y tế huyện, thành, thị trong việc yêu cầu, vận động, giám sát nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện tư cùng tham gia, phát hiện, chuyển gửi bệnh nhân.
Thành Chung