Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ lúc giao mùa
(Baonghean) - Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản.
Ảnh minh họa |
Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (khoảng tháng 9 đến tháng 3), lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp.
Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản.
Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy.
Biểu hiện thường gặp ở trẻ:
- Sốt là biểu hiện quan trọng đầu tiên. Sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39 độ C trở lên.
- Sổ mũi và chảy nước mũi. Đứa trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.
Dịch mũi về bản chất là một dịch viêm bảo vệ nhưng nó lại là thủ phạm lây truyền mầm bệnh vì dịch mũi rất nhiều mầm bệnh, gây lan truyền bệnh từ bộ phận này sang bộ phận khác, từ đường hô hấp trên sang đường hô hấp dưới.
- Ho là một biểu hiện mà gần như có mặt trong mọi bệnh viêm đường hô hấp trên. Viêm mũi đứa trẻ cũng ho, viêm họng cũng ho mà viêm thanh quản cũng ho.
Vì lí do thành họng của trẻ rất nhạy cảm cộng với tình trạng tiết dịch nhiều nên ho thường là một triệu chứng phổ biến. Ho có nhiều loại: ho thành cơn, ho khan, ho có đờm…
Ho là biểu hiện đầu tiên cũng là biểu hiện cuối cùng báo hiệu chấm dứt hoàn toàn đợt viêm nhiễm. Thông thường ho là có lợi nhưng nếu không kiểm soát tốt, ho lại làm cho đứa trẻ mệt, mất ngủ, nôn trớ…
- Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên. Nó thường là triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp dưới nhưng trong trường hợp đứa trẻ bị viêm thanh quản thì rất có thể sẽ bị khó thở. Khó thở là triệu chứng rất ít gặp nhưng đã gặp thì rất đáng ngại, Biểu hiện thường thấy là đứa trẻ phải rít thở, thở khò khè…
Do đó, nếu phát hiện những dấu hiệu trên ở trẻ, cha mẹ cần đưa con đi khám ngay để có hướng điều trị kịp thời bởi bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ dễ dẫn đến viêm xuống phế quản hoặc viêm phổi.
Biện pháp phòng ngừa
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
- Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá.
- Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả.
- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm phòng vắc xin để phòng chống các loại bệnh cho trẻ.
BS. Hoàng Thương