Phòng chống bệnh tay - chân - miệng: Bắt đầu từ nhận thức

20/04/2012 17:56

Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 21.000 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó Nghệ An có 29 bệnh nhân. So với các địa phương khác trong cả nước, ở tỉnh ta, bệnh tay - chân - miệng đến muộn, nhẹ và không nhiều. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh ta đang triển khai những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng chống sự lây lan của bệnh.

(Baonghean) - Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 21.000 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó Nghệ An có 29 bệnh nhân. So với các địa phương khác trong cả nước, ở tỉnh ta, bệnh tay - chân - miệng đến muộn, nhẹ và không nhiều. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh ta đang triển khai những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng chống sự lây lan của bệnh.

Sau khi bệnh nhân mắc tay - chân - miệng đầu tiên được phát hiện ở huyện Nghĩa Đàn vào tháng 7/2010 (đến nay số trường hợp mắc bệnh ở tỉnh ta là trên 300 người), ngành Y tế Nghệ An đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra, rà soát và chỉ đạo đối phó bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng thành lập các tổ công tác đến các cơ sở tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh và tất cả các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh tay chân miệng. Xác định rõ trẻ em trong độ tuổi mầm non là đối tượng có nguy cơ mắc tay - chân - miệng cao nhất, ngành Y tế đã tập trung phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức phun thuốc khử trùng và tăng cường vệ sinh lớp học để phòng bệnh.



Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng ở Bệnh viện Nhi Nghệ An

Tại Trường Mầm non xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, vào đầu giờ mỗi buổi học, các cô giáo lại tiến hành giặt rửa sạch đồ chơi cho các em học sinh dưới vòi nước trong khuôn viên trường. Cô Đoàn Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Các cô thường xuyên làm công tác vệ sinh cho các cháu, rửa sạch đồ chơi để phòng chống bệnh tay - chân - miệng. Bên cạnh đó, trường đã thông báo về độ nguy hiểm của bệnh trên hệ thống loa phát thanh và bảng thông tin trước trường để phụ huynh biết cách phòng. Nhà trường còn tu sửa lại tất cả các công trình vệ sinh, tránh các loại vi trùng, vi khuẩn xâm nhập".

Không riêng gì ở Trường Mầm non xã Châu Hội mà các trường học trên địa bàn huyện Quỳ Châu đều đã được tập huấn, hướng dẫn và làm tốt việc phòng chống bệnh tay - chân - miệng, vệ sinh, khử khuẩn trường lớp. Tính đến nay, cả huyện Quỳ Châu mới chỉ có 1 trường hợp mắc bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thì kết quả trên là do huyện đã chủ động thực hiện phòng chống, giám sát, phát hiện sớm bệnh. Nhân viên y tế ở 12 xã, thị trấn luôn tích cực vận động, tuyên truyền cho bà con, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ, thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ cho các cháu, không để mầm bệnh có cơ hội lây lan. Tuyến huyện thành lập một đội đáp ứng nhanh và một đội cơ động; đồng thời, mỗi xã cũng thành lập một đội cơ động gồm các bộ phận lâm sàng, dịch tễ, xét nghiệm nhằm phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Đội ngũ nhân viên y tế của huyện đã được tập huấn và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo dịch bệnh hàng ngày.

Bác sĩ Dương Công Hoạt - Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết: Ở tỉnh ta, bệnh tay - chân - miệng có 3 điểm đặc thù là bệnh đến muộn, nhẹ và số lượng không nhiều, nhưng không vì thế mà chủ quan với bệnh. Mọi gia đình phải có sự cảnh giác trước dịch bệnh này và quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Chỉ 1 đến 2 vết loét ở miệng hoặc lòng bàn tay, bàn chân cũng phải nghĩ đến bệnh tay - chân - miệng chứ không đợi xuất hiện ở đầy đủ các nơi, cần đưa đến các cơ quan y tế khám ngay. Song các bậc phụ huynh cũng không nên quá hoang mang bởi bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Các bệnh nhân đến điều trị sớm tại bệnh viện đều khỏi... Cũng theo bác sĩ Hoạt, việc tuyên truyền sẽ có tác dụng lớn tới công tác phòng chống bệnh, đặc biệt hữu hiệu trong các trường học, tổ chức hội và các đoàn thể.

Ông Hoàng Ngọc Đàn- Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đưa ra dự báo: Bệnh tay - chân - miệng ngày càng có xu hướng lan nhanh, lan rộng và số ca mắc cũng cao hơn so với những năm trước do biến chứng của thể virus Entero 71 có độc tính cao xuất hiện nhiều hơn thể vi-rút cũ... Chính vì thế, hiện nay ngành Y tế tỉnh nói riêng và chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đang quyết liệt vào cuộc. Chúng tôi đang tăng cường công tác kiểm tra giám sát dịch bệnh. Qua giám sát tại các trường học, khu dân cư cho thấy, hầu hết giáo viên mầm non, người dân ở cộng đồng đã có kiến thức nhiều hơn về bệnh tay - chân - miệng. Tuy nhiên, những hiểu biết này vẫn ít nhiều còn hạn chế, người dân vẫn chưa thực sự nắm bắt một cách chính xác để thực hành đúng các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vừa đề xuất tổ chức tuần lễ tuyên truyền phòng chống bệnh tay - chân - miệng, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 này để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Trên thực tế, ngành Y tế chỉ có thể triển khai các biện pháp mang tính chuyên môn, hướng dẫn chứ không đủ lực để rải xuống tận cộng đồng trong phòng, chống bệnh. Do đó, để làm tốt công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng, các ban, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về bệnh này, giúp người dân có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của gia đình mình vẫn là điều quan trọng nhất. Song song là sự phối hợp của gia đình, nhà trường và ngành Y tế trong phòng chống, đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh. Theo đó, khuyến cáo của ngành Y tế, mọi gia đình phải giữ gìn vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người thân, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra...


Thành Chung

Mới nhất
x
Phòng chống bệnh tay - chân - miệng: Bắt đầu từ nhận thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO