Phòng chống đói, rét cho vật nuôi: Nhiệm vụ cấp bách

20/12/2013 21:27

(Baonghean) - Không khí lạnh đã tràn về và ngay lúc này, công tác phòng tránh đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cần được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân quan tâm thực hiện chu đáo.

Gia đình anh Lô Văn Hòa, bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) đốt lửa sưởi ấm cho trâu. Ảnh: P.B
Gia đình anh Lô Văn Hòa, bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) đốt lửa sưởi ấm cho trâu. Ảnh: P.B

TIN LIÊN QUAN

Là xã nằm ven sông Lam, ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi được xem là thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở xã Nam Tân (Nam Đàn). Ngoài lượng bò vỗ béo trung chuyển thường xuyên, hiện toàn xã Nam Tân có tổng đàn bò xấp xỉ 1.500 con, chủ yếu dùng làm sức cày, kéo. Vì thế, công tác phòng tránh đói, rét cho đàn trâu, bò được người dân quan tâm. Với bề dày kinh nghiệm chăn nuôi bò vỗ béo từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Hoàng ở xóm 3, Nam Tân (Nam Đàn) đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại một cách khoa học, hợp vệ sinh, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trước khi bước vào mùa đông, gia đình ông đã dành một phần diện tích đất để trồng cỏ voi, ngô dày và chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn thô như rơm rạ, lá lạc phơi khô kết hợp với thức ăn tinh, muối trắng, đủ cho 2 con bò ăn trong suốt mùa đông. Trong đợt rét đầu mùa này, tuân thủ hướng dẫn của ban thú y xã, gia đình ông đã thực hiện nuôi nhốt bò tại chuồng, không chăn thả và cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức đề kháng cho đàn bò.

Năm 2013, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm nên trên địa bàn xã Nam Tân không để xẩy ra dịch bệnh, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm đầu tư nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 2- 5 con bò, cho thu nhập 10-20 triệu đồng/năm. Để chủ động ứng phó trước mùa giá rét, xã đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn. Mùa đông năm nay, xã đã dành gần 20 ha sản xuất vụ đông để trồng cỏ và trỉa ngô dày, để chủ động nguồn thức ăn phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò. Xã đã chỉ đạo đài truyền thanh và các xóm tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh của xã để hướng dẫn bà con tăng cường các biện pháp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, tu sửa chuồng trại, đảm bảo nền chuồng khô ráo, sạch sẽ và thông thoáng, không để ẩm ướt, mưa dột, đồng thời phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại tránh dịch bệnh xâm nhập, khuyến cáo bà con trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 150C không thả rông trâu, bò, dự trữ lượng cỏ khô, rơm rạ đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc.

Còn tại Nghi Lộc, hàng năm, trước khi bước vào mùa đông, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tân ở xóm 8, xã Nghi Lâm luôn chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện, các biện pháp nhằm đảm bảo cho đàn bò không bị ảnh hưởng do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra. Cùng với việc tận dụng các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp, anh Tân trồng thêm 2 sào ngô với mật độ dày để làm nguồn thức ăn bổ sung cho đàn bò. Đồng thời, gia đình anh còn chủ động làm chuồng có mái che nắng, mưa kiên cố, tường được nẹp phên quây kín gió. Anh Tân cho biết: “Đàn bò là khối tài sản lớn đối với người nông dân chúng tôi, vì vậy việc dự trữ thức ăn ngay từ đầu mùa rét luôn được gia đình chủ động thực hiện. Gia đình tôi thường thu gom những sản phẩm phụ nông nghiệp như thân cây ngô, rơm rạ, chuối, sắn để chế biến làm thức ăn dự trữ, vì vậy đàn gia súc của gia đình tôi luôn phát triển ổn định”.

Hiện nay tổng đàn trâu, bò trong toàn huyện Nghi Lộc có 34.000 con, 58.000 con lợn và hàng vạn con gia cầm. Ngay từ đầu mùa rét năm nay, Phòng Nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống các xã, thậm chí đến từng hộ để đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, tránh đói, rét cho trâu, bò. Bên cạnh đó, cán bộ đã trực tiếp hướng dẫn, vận động các hộ chăn nuôi thường xuyên kiểm tra chuồng trại, sử dụng bao bì, bạt và các vật liệu khác che chắn; dự trữ chất đốt để sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp.

Tại bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) xế chiều, chuồng trâu, bò của người dân nào cũng đã được che chắn khá cẩn thận. Anh Lô Văn Hoa đang đốt lửa sưởi ấm cho trâu, tâm sự: “Năm 2010 gia đình tôi có 2 con bò bị chết rét trong rừng, bây giờ sợ lắm, trời giao mùa trở lạnh là phải vào rừng đưa trâu về nhốt chuồng ngay”. Theo anh Hòa thì phải dùng củi to đốt lửa sưởi ấm thâu đêm, vì ban đêm nhiệt độ xuống rất lạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chủ quan, dù trời lạnh nhưng vẫn dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Chị La Thị Liên, Trưởng xóm 4 (trực thuộc bản Quang Phúc) cho hay: Bản có trên 300 con bò, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền kêu gọi người dân đưa trâu bò về bản nhốt chuồng phòng chống rét. Đến thời điểm này mới có trên 70% các hộ đưa trâu, bò về nhốt chuồng, còn lại nhiều hộ dân nuôi quy mô lớn làm trang trại trong rừng vẫn chưa thể lùa về.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Toàn huyện Tương Dương có 31.000 con trâu, bò, hiện tại số trâu, bò nhốt chuồng mới đạt trên 60%. Do thói quen bà con thả rông trong rừng nên rất khó lùa về do thiếu chuồng trại. Ngày 10/12/2013, UBND huyện Tương Dương đã có Công văn số 739-UBND triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò. Phòng Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Trạm Thú y, tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện kiểm tra tình hình thực hiện công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh của các đơn vị, báo cáo kịp thời Chủ tịch UBND huyện xử lý nghiêm các tập thể cá nhân không thực hiện tốt các nội dung tại công văn này. Trạm Thú y phân công cán bộ phối hợp chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn cán bộ nông nghiệp, thú y các xã, thị trấn về biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xẩy ra. Phân công chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, cán bộ thú y, cán bộ 30a, ban quản lý các bản và các thành viên ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét, dịch bệnh gia súc, gia cầm của các xã, thị bám sát địa bàn, thông tin tuyên truyền đến tận các hộ dân về phòng, chống đói, rét cho gia súc và diễn biến tình hình dịch bệnh có thể bùng phát ở diện rộng.

Hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có khoảng 674.300 con (trong đó có 291.000 con trâu và 382.000 con bò), tổng đàn lợn khoảng 1,1 triệu con. Trong 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, có 6 huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông cần đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ đàn trâu, bò trong tiết trời giá rét. Để chủ động phòng tránh đói, rét cho trâu, bò, ngay khi kết thúc vụ hè thu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các công văn chỉ đạo các địa phương và người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vụ đông xuân. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc và gia cầm. Ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2013 sở đã chủ động và thực hiện quyết liệt công tác này. Bên cạnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đốc thúc, sở còn thành lập 3 đoàn công tác để đi kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc công tác này ở các địa phương. Hiện nay, đã có 2 đoàn tiến hành đi kiểm tra và sẽ có báo cáo sớm về sở”.

Cũng theo ông Hòa thì việc hướng dẫn người chăn nuôi củng cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo phòng, chống rét và đủ điều kiện vệ sinh hiện nay hết sức cần thiết. Đặc biệt, tuyên tuyền và vận động người chăn nuôi không thả rông trâu, bò trên núi, nhất là vào những ngày nhiệt độ dưới 120C, bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin, cho uống nước ấm để tăng cường sức khoẻ cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp và ẩm làm cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng để chống rét, giảm sức đề kháng, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có điều kiện bùng phát. Vì vậy, cần tăng cường biện pháp giám sát tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện xử lý kịp thời khi có biểu hiện suy kiệt do đói, rét, dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, đặc biệt là gia súc, gia cầm nhập về làm giống nhằm phát hiện sớm, bao vây kịp thời, khống chế có hiệu quả, tuyệt đối không để dịch lan rộng. Tại các chuồng trại, khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả, cơ sở giết mổ, chế biến và chợ buôn bán gia súc, gia cầm đều phải được tiêu độc khử trùng... nhằm làm sạch môi trường, giảm mầm bệnh phát sinh…

Nhóm PV-CTV

Mới nhất

x
Phòng chống đói, rét cho vật nuôi: Nhiệm vụ cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO