Phòng chống đói rét, dịch bệnh đối với đàn vật nuôi

06/01/2014 16:45

(Baonghean) - Liên tiếp những ngày qua, địa bàn Nghệ An xuất hiện rét đậm, nhất là vào ban đêm và buổi sáng nhưng nhiều nơi bà con vẫn còn chủ quan trong việc phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Một số xã chưa chỉ đạo quyết liệt trong tuyên truyền, vận động người dân triển khai các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc.

Chúng tôi về bản Nhọi xã Châu Cường, Quỳ Hợp trong chiều đông, gió lạnh như cứa vào da thịt nhưng vẫn thấy một số bà chủ quan thả rông trâu, bò ngoài đồng và những cánh rừng. Tại chuồng bò của ông Văn Đừng ở bản Nhọi thấy trống không, ông Đừng lý giải: Biết là thời tiết lạnh phải nhốt trâu bò vào chuồng sẽ tốt hơn nhưng do khan hiếm thức ăn nên vẫn phải làm liều thôi. Hiện tại gia đình ông Đừng có 6 con bò, thời điểm giá lạnh nhưng đàn bò của ông vẫn đang được thả vào rừng. Đến chuồng bò của chị Lô Thị Giang ở bản Nhọi chẳng thấy bóng dáng trâu, bò đâu, chuồng trại thì rách nát, chắp vá tạm bợ. Nhiều hộ có nhiều trâu bò nhưng chỉ có duy nhất một chuồng, không đủ chỗ cho trâu, bò trú rét. Như hộ anh Văn Xuyên có 4 con trâu nhưng chỉ có một chuồng dựng tạm bợ lợp tranh tre, khi lùa đàn trâu về thì anh Xuyên phải quây thêm bạt để chống rét cho trâu bò nhưng vẫn không đảm bảo. Theo quan sát của chúng tôi nhiều người dân vẫn còn chủ quan để chuồng trại ẩm ướt, phân chuồng ứ đọng không được vệ sinh khô ráo, nên dù đưa trâu, bò về nhốt vẫn không đảm bảo.

Chăm sóc bò ở Xá Lượng (Tương Dương).Ảnh: V.T
Chăm sóc bò ở Xá Lượng (Tương Dương). Ảnh: V.T

Chị Lý Thị Hương –Trưởng bản Nhọi cho biết: Bản có 176 hộ dân có trên 100 con trâu, do điều kiện kinh tế khó khăn nên hầu hết là chuồng trại tạm bợ. Do bản Nhọi chưa trồng được cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò nên nguồn thức ăn khan hiếm, chỉ một số ít các hộ dự trữ được rơm khô nên việc thả trâu, bò đi kiếm ăn trong điều kiện trời giá rét là không thể tránh khỏi. Ban quản lý bản đang tích cực tuyên truyền vận động bà con đưa trâu, bò từ rừng về nhốt chuồng che chắn giảm thiểu thiệt hại. Ông Sầm Văn Ngọc - Ban Nông nghiệp xã cho biết thêm: Toàn xã Châu Cường có 1.165 con trâu, 882 con bò, tỷ lệ có chuồng trại mới chiếm trên 60%. Trong đó có nhiều bản lâu nay vẫn còn thói quen thả rông trâu, bò như bản Nguông, bản Khì, bản Nhọi… Trong năm 2006, Châu Cường đã bị chết 240 con trâu bò do đói rét, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hiện nay xã chưa quy hoạch được vùng cỏ voi, xã đã thành lập tổ chỉ đạo đốc thúc bà con che chắn chuồng trại, tích trữ rơm khô thức ăn tinh bột để tăng sức đề kháng cho trâu, bò mùa giá rét.

Bên cạnh đó, một số xã ở huyện Quỳ Hợp đã chủ động chống rét cho đàn gia súc khá tốt như tại bản Quang Thịnh, xã Châu Quang có 120 hộ có trên 200 con trâu, bò thì chiếm trên 90% là trâu, bò được nhốt chuồng. Tại chuồng bò của anh Lê Viết Vinh bản Quang Thịnh được lợp mái pibờrôximăng, che chắn chuồng trại bằng bạt. Anh Vinh nói: Chuồng đủ chứa 2 con bò, gia đình tôi đã dự trữ được rơm khô và bột ngô nên đảm bảo được lượng thức ăn dự phòng cho trâu, bò dịp rét. Được biết toàn huyện Quỳ Hợp có 21.709 con trâu, 10.830 con bò, trong số đó sử dụng chuồng trại mới chỉ chiếm được trên 70%, hầu như các chuồng trại chưa được đầu tư kiên cố mà chỉ tạm bợ tranh tre. Nhiều hộ dân nuôi trâu, bò với số lượng quy mô lớn từ 10-15 con chưa đủ chuồng trại để nuôi nhốt chủ yếu quây bạt và cọc cây tại khu chăn nuôi ngoài trời chưa đảm bảo được phòng, chống rét cho trâu, bò. Hiện nay các xã vùng sâu như Yên Hợp, Bắc Sơn, Liên Hợp, Hạ Sơn… bà con thường chủ quan thả rông trâu, bò trong dịp rét.

Ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: Ngày 7/12/2013 UBND huyện Quỳ Hợp đã có công văn triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho trâu bò, giao cho các ban, ngành liên quan như Phòng Nông nghiệp &PTNT Trạm Thú y… tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện kiểm tra tình hình thực tế tại các xã. Ngày 27/12, UBND huyện Quỳ Hợp đã thành lập đoàn kiểm tra, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, phổ biến và hướng dẫn nông dân củng cố chuồng trại, che chắn giữ ẩm, đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi. Vấn đề nan giải là hiện nay toàn huyện có chưa đầy 100 ha cỏ voi, nguồn thức ăn khá khan hiếm, trong khi người dân sản xuất lúa không có thói quen để cất giữ rơm cho trâu, bò, vì vậy việc tuyên truyền cho người dân đầu tư để mua thêm thức ăn tinh như các loại bột cám để bổ sung là rất cần thiết.

Đối với huyện rẻo cao Tương Dương bà con các xã đang tích cực phòng, chống đói rét cho trâu, bò. Tại xã Thạch Giám, cấp ủy chính quyền xã, Ban quản lý bản phối hợp với các đoàn thể thường xuyên đôn đốc kiểm tra các hộ dân về công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc. Ban quản lý thôn bản ký cam kết với UBND xã đưa số lượng trâu, bò ở rừng về đủ số lượng, phòng, chống rét đúng quy trình không để xảy ra trâu, bò chết do đói, rét. Thạch Giám lâu nay có thói quen thả rông trâu, bò trong rừng, nhưng do nỗ lực quyết tâm chỉ đạo các cấp từ huyện đến xã, thôn bản nên hiện nay đã đưa số lượng trâu, bò về được trên 2.000 con trâu, bò về chuồng trại. Khó khăn đặt ra hiện nay là nhiều bà con nuôi theo mô hình trang trại, khi đưa trâu, bò về không đủ nơi nhốt. Theo ông Lô Văn Tấn ở Khe Chi-Thạch Giám thì gia đình ông có 10 con bò, khi đưa từ rừng về ông đã phải đóng cọc, quây bạt và đốt lửa suốt đêm để chống rét cho trâu bò, gia đình rất muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để gia cố và xây dựng mới chuồng trại. Nhiều hộ ở Thạch Giám đã tích cực chuẩn bị thức ăn cho trâu, bò, như hộ ông Vi Quý Thanh ở bản Phòng, ngoài việc chuẩn bị cám ngô, gạo thì gia đình ông thường xuyên lên rẫy để bứt thêm cỏ về cho trâu, bò.

Ông Lô Khăm Kha -Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương nói thêm: UBND huyện Tương Dương đã thành lập được 3 đoàn đi kiểm tra về công tác phòng, chống đói rét cho trâu, bò trên 18 xã, thị trấn. Mỗi đoàn gồm 5 đồng chí bao gồm cán bộ Trạm Thú y, Khuyến nông, phòng Nông nghiệp... kiểm tra từ ngày 20/12, đến ngày 24/12 đoàn đã kiểm tra xong. Chủ yếu các đoàn trực tiếp bám thôn bản, hướng dẫn chi tiết cho người dân về cách phòng, chống rét cho trâu, bò và sử dụng nguồn thức ăn dự trữ. Đối với các xã còn tập tục thả rông trâu, bò nhiều như xã Xiêng My, Nga My, Yên Hòa, Yên Na… tiếp tục cử cán bộ “cắm” bản để kiểm tra đôn đốc bà con.

Còn tại Quỳnh Lưu, hiện có 40 nghìn con trâu, bò, 130 nghìn con lợn, gần 2 triệu con gia cầm. Để tăng cường phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa Đông lạnh, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của thời tiết để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, hay trong các cuộc hội nghị… để giúp nhân dân thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Trạm Thú y và các ngành liên quan thường xuyên bán sát các địa bàn và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi, đồng thời các địa phương theo dõi, báo cáo tình hình diễn biến về dịch bệnh hay đói rét của đàn gia súc, gia cầm lên cấp trên để ban chỉ đạo huyện có sự chỉ đạo kịp thời. Bà Vũ Thị Bích Hằng - Phó phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: “Dịp mưa rét, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cho từng hộ dân biết về các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh , chuẩn bị đầy đủ thức ăn thô và thức ăn tinh cho đàn trâu, bò như rơm, rạ tận dụng các diện tích để trồng cỏ để cung cấp đầy đủ thức ăn cho trâu, bò để tăng sức đề kháng để chống chọi với rét. Hướng dẫn người dân bổ sung thêm muối, khoáng vào thức ăn để tăng cường sức để kháng cho đàn gia súc gia cầm…”.

Gia đình anh Hồ Sỹ Hùng ở xóm 4, xã miền núi Quỳnh Thắng, có 50 con lợn và 6 con bò đang chuẩn bị xuất chuồng trong dịp Tết Giáp Ngọ. Ngay từ đầu mùa Đông giá lạnh này, gia đình luôn chuẩn bị tốt các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi. Cùng với việc dự trữ nguồn thức ăn, anh còn tận dụng ngọn mía, cây sắn và thường xuyên bổ sung thêm tinh bột trong bữa ăn cho trâu, bò. Ngoài ra, anh còn mua bạt để che chắn chuồng trại, tránh gió lùa vào chuồng và vệ sinh sạch sẽ ngày 2 lần. Anh Hùng cho biết: “Năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều dữ trữ thức ăn, cả thức ăn tươi trong vườn và thức ăn ủ chua cho đàn vật nuôi. Thời tiết lạnh, nên tôi thường xuyên theo dõi diễn biễn của đàn vật nuôi, qua đó để chủ động giữ ấm, che chăn chuồng trại để đàn vật nuôi phát triển bình thường”.

Xã miền núi Quỳnh Thắng hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất ở huyện. Toàn xã hiện có gần 10 ngàn con gia súc và trên 90 ngàn con gia cầm. Để bảo vệ đàn vật nuôi trong những đợt rét đậm, rét hại xã đã chỉ đạo chặt chẽ đến từng thôn, bản, đặc biệt là đến từng hộ dân ngoài việc tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn thì phải dự trữ các nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn, trồng thêm cỏ và ngô để thường xuyên bổ sung thêm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Chủ động che chắn chuồng trại, vệ sinh chuồng trại và tiêm đầy đủ các loại vắc xin.

Được biết ngoài các văn bản chỉ đạo đôn đốc, từ ngày 16/12 Sở NN&PTNT đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra chỉ đạo đôn đốc công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân. Đoàn kiểm tra được chia theo 3 tuyến gồm đường QL7 và QL 48 và các huyện đồng bằng. Thời gian kiểm tra từ ngày 18/12 cho đến hết vụ đông xuân, cuối mỗi đợt công tác trưởng đoàn báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và PTNT.

Theo khuyến cáo của Sở nông nghiệp và PTNT, để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, nhất là trong dịp mưa rét, các địa phương cần hướng dẫn người dân tận dụng diện tích đất quanh nhà, đất hoang để trồng cỏ, chuẩn bị đầy đủ vật liệu giữ ấm cho trâu bò. Riêng những ngày rét đậm dưới 12 độ C không sử dụng trâu bò cày kéo, không chăn thả gia súc ngoài đồng bãi, bổ sung thức ăn tinh và uống nước ấm, bổ sung thức ăn thô khoáng vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Phát động nhân dân thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Giao Chủ tịch UBND xã, chỉ đạo ban thú y tăng cường kiểm tra giám sát tình hình sức khỏe và diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện và xử lý kịp thời khi có biểu hiện suy kiệt, đói rét dịch bệnh, báo cáo dịch kịp thời, không giấu dịch.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn thì rét đậm, rét hại vẫn tiếp tục kéo dài, các phòng, ban chuyên môn, các đoàn thể và chính quyền các xã, cần tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống đói rét dịch bệnh cho gia súc, gia cầm để hạn chế thấp nhất những thiệt hại kinh tế của người dân.

Nhóm phóng viên

Phòng chống đói rét, dịch bệnh đối với đàn vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO