Phòng chống lây truyền HIV: Xét nghiệm cho mẹ, khỏe mạnh cho con

24/07/2012 18:34

Là một trong những chương trình ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015” trong tháng cao điểm, tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động được triển khai.

(Baonghean) Là một trong những chương trình ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015” trong tháng cao điểm, tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động được triển khai.

Theo thống kê, có 99% số trẻ em nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi là do lây truyền HIV từ mẹ sang con. Do vậy, việc xét nghiệm HIV cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai là rất quan trọng để có các biện pháp kịp thời dự phòng lây nhiễm HIV cho con. Tại tỉnh ta, thai phụ khi đến các cơ sở như Trung tâm Sức khỏe sinh sản tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Đô Lương, Trung tâm Y tế thị xã Thái Hòa, khoa Sản Bệnh viện Hữu nghị đa khoa đều được tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí. Khi có phát hiện HIV (+) sẽ được tiếp tục tư vấn, theo dõi và xét tiêu chuẩn để có biện pháp điều trị hiệu quả bằng cách điều trị bằng thuốc ARV kháng HIV cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con ngay từ tuần thai thứ 14. Sau khi sinh, mẹ sẽ được giới thiệu sang phòng khám ngoại trú người lớn và con sẽ được giới thiệu sang phòng khám ngoại trú nhi - Bệnh viện Nhi Nghệ An để được tiếp tục theo dõi, điều trị.



Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh xét nghiệm máu cho các bà mẹ mang thai (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) Ảnh: Lâm Yến

Thực tế thời gian qua, chương trình phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con với những biện pháp can thiệp tích cực, điều trị dự phòng sớm đã giúp giảm đáng kể số trẻ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ. Từ đầu năm 2012 đến nay, các cơ sở y tế đã tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí cho 8.966 phụ nữ trong thời kỳ mang thai, qua đó phát hiện được 6 trường hợp HIV(+), điều trị cho 100% bà mẹ được phát hiện nhiễm HIV. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con được điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 10 trường hợp, đạt 114,2% kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm 2012. Số trẻ nhiễm HIV sau khi sinh sẽ được chuyển tiếp sang sang Phòng khám ngoại trú nhi (Bệnh viện Nhi Nghệ An) để tiếp tục theo dõi và điều trị kháng HIV bằng thuốc ARV. Hiện tại phòng khám đang quản lý, chăm sóc 133 trẻ, trong đó có 60 trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chuyển từ chương trình phòng lây truyền mẹ con, có 4 trường hợp có kết quả HIV (+), tỉ lệ trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ truyền sang con sau khi được can thiệp chiếm 93,3%.

Bên cạnh được sự hỗ trợ của Dự án LIFE-GAP, trẻ đến dịch vụ tại Phòng khám ngoại trú nhi ngoài việc được hỗ trợ miễn phí, chăm sóc giảm nhẹ, điều trị ARV, trẻ còn được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như: xét nghiệm PCR để chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ từ 4 - 6 tuần tuổi; xét nghiệm khẳng định khi trẻ đủ 18 tháng tuổi trở lên và nhận sữa ăn thay thế sữa mẹ đến 18 tháng tuổi; hỗ trợ tiền đi lại, lương thực thực phẩm cho các gia đình trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ đã được hỗ trợ và theo dõi về mặt thể chất và tinh thần, tham gia dịch vụ tại Phòng khám ngoại trú nhi tốt hơn.

Ngoài việc phát hiện sớm và điều trị can thiệp trong khi mang thai, người mẹ nhiễm HIV cũng được hỗ trợ can thiệp trong khi sinh và sau khi sinh. Bác sỹ Phạm Thị Thanh Mai - Nguyên trưởng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) cho hay: sau khi sinh, bà mẹ nhiễm HIV cần tuân thủ chặt chẽ việc cho con bú để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV sang con trong giai đoạn này. Theo đó, người mẹ xét nghiệm sớm trong khi mang thai là biện pháp tốt nhất để kiểm soát lây truyền sang cho con. Việc phát hiện sớm có rất nhiều ý nghĩa không những cho người mẹ và em bé. Người mẹ biết mình bị nhiễm HIV, bên cạnh việc được chăm sóc thai nghén như bao bà mẹ khác thì còn được chăm sóc và điều trị thích hợp về HIV/AIDS. Ngay những tuần đầu của thai kỳ, người mẹ sẽ được tư vấn nhiều hơn về vấn đề dinh dưỡng, xét tiêu chuẩn điều trị ARV từ tuần thai thứ 14… Ngoài ra, nếu không đủ điều kiện để điều trị ARV, người mẹ sẽ được uống thuốc dự phòng lây truyền cho con từ tuần thai thứ 14. Như vậy sẽ rất hiệu quả trong việc giảm tối thiểu lượng virus trong mẹ và hạn chế tình trạng lây truyền sang con. Em bé sẽ được chăm sóc và điều trị kịp thời giúp cho sức khỏe được cải thiện và tránh mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Những bằng chứng về hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Theo thống kê, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể lên tới 35- 40%, nhưng nếu người mẹ được dự phòng kịp thời và đầy đủ thì sẽ giảm nguy cơ xuống dưới 5%. Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2011 ở Nghệ An, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,375%. Trung bình mỗi năm Nghệ An có khoảng 46.200 phụ nữ mang thai thì với tỷ lệ này sẽ có khoảng 173 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình 35% thì mỗi năm có 60 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Vì vậy phụ nữ mang thai cần sớm xét nghiệm HIV để điều trị ARV hoặc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời.


Xuân Tiến - Khánh Hoàn

Phòng chống lây truyền HIV: Xét nghiệm cho mẹ, khỏe mạnh cho con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO