Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi: Chú trọng chất lượng

21/11/2014 15:03

(Baonghean) - Qua rà soát các Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, trong 7 chỉ tiêu cơ bản của ngành y tế, thì chỉ tiêu về giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng không đạt so với mục tiêu đề ra. Theo Nghị quyết Đại hội đặt ra, đến năm 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi trong tỉnh là 15% nhưng đến thời điểm này tỷ lệ vẫn ở mức cao 18,3%...

Bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương nằm trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tại điểm trường mầm non bản Xốp Cháo, năm học 2014 - 2015 có 5 cháu thì có 2 cháu suy dinh dưỡng ở thể thấp còi; cả 5 cháu đang học tại điểm trường đều không ăn bán trú. Hỏi chuyện cô giáo Vang Thị Nga – người đang chăm sóc các cháu tại đây được biết: Tùy theo độ tuổi mà mỗi cháu đều được sự hỗ trợ của Nhà nước về tiền ăn và các chế độ khác. Tuy nhiên, số tiền này lại trừ gần hết vào các khoản phải đóng góp như tiền đồ chơi, sách vở, bút màu cho trẻ. Hiện ăn uống của trẻ phụ thuộc vào điều kiện từng gia đình. Cô Nga cho biết: Bố mẹ suốt ngày lo nương rẫy, để lại cho các cháu 1 ép xôi và ít đồ ăn như cá, thịt, măng, rau… Hỏi chuyện anh Hắp Văn Nhi, 37 tuổi, một người dân tại bản Xốp Cháo được hay: Mỗi đợt tiêm chủng, các cán bộ y tế xã Lượng Minh đều tuyên truyền về chăm lo dinh dưỡng cho trẻ, nhưng vì đời sống còn khó khăn nên chuyện ăn uống đủ chất cho trẻ chưa được quan tâm.

Tuyên truyền thực hành dinh dưỡng cho trẻ ở xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu.
Tuyên truyền thực hành dinh dưỡng cho trẻ ở xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu.

Ở Kỳ Sơn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng ở mức báo động. Bác sỹ Vi Thị Hiền, Phó Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho hay: Năm 2013, qua cân trẻ toàn huyện thì phát hiện có 23,15% trẻ không đạt về cân nặng và 34,37% không đạt chuẩn về chiều cao. Những năm qua dẫu trung tâm đã triển khai các kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ song gặp nhiều khó khănđặc thù, đặc biệt phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế của đồng bào vùng cao khó khăn nên các bà mẹ hầu hết cho con bỏ bú trước 6 tháng và cho ăn cơm sớm; việc cân cho trẻ không dễ khi bố mẹ của trẻ lo đi làm nương, để huy động cân cho trẻ thì phải có tiền hỗ trợ, ít nhất phải có 10.000 đồng/trẻ thì phụ huynh mới đưa trẻ đi… Ngoài ra, do cắt giảm trợ cấp của cán bộ y tế thôn bản nên các cộng tác viên không được trang bị các kiến thức về phòng, chống suy dinh dưỡng cũng như kỹ năng truyền thông; việc tổ chức thực hành dinh dưỡng rất hạn chế.

Tai địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn lại vướng vào tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ. Theo khảo sát sơ bộ tại một trường mầm non ở Thành phố Vinh: Sự chăm sóc dinh dưỡng không hợp lý, thiếu khoa học đang tạo ra tình trạng dư cân - béo phì ở trường này xấp xỉ 10%... Theo cô giáo Nguyễn Thị Châu - Hiệu phó Trường Mầm non Hồng Sơn (TP. Vinh) thì: “Vấn đề trẻ dư cân béo phì không nằm ở các bữa ăn ở trường học mà do bữa ăn của các gia đình. Nhiều gia đình cho con ăn thừa chất đạm, chất béo, thiếu vitamin, thiếu khoáng chất, khẩu phần thịt gấp 2 đến 3 lần so với mức khuyến cáo dinh dưỡng và ngược lại, lượng rau tiêu thụ rất ít, bên cạnh đó trẻ lại ít vận động”… Các nhà khoa học khuyến cáo: Nhiều trẻ béo phì nhưng rất có thể lại suy dinh dưỡng bởi thiếu sắt, Iốt, can-xi, thiếu vitamin D, thiếu máu, còi xương. Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh mạn tính nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, ung thư.

Theo báo cáo từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi từ năm 2011 đến nay đã được cải thiện: 80% bà mẹ có thai được tham gia các lớp thực hành dinh dưỡng; 90% bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham gia thực hành dinh dưỡng; 90% trẻ dưới 2 tuổi có biểu đồ tăng trưởng và theo dõi cân nặng hàng tháng; 95% trẻ dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng được theo dõi cân hàng tháng; 95% trẻ dưới 5 tuổi được theo dõi cân và đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng cho huyện và xã. Công tác truyền thông phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đã thực hiện mở các lớp học làm bố, làm mẹ, các lớp học thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi, các lớp học đã mở thường xuyên tại tuyến xã, phường và tại trung tâm tỉnh... Tuy nhiên, do tình trạng an ninh lương thực ở nhiều vùng còn bấp bênh; việc phối hợp liên ngành chưa đạt hiệu quả như mong muốn; một bộ phận dân cư đang ở mức chưa đủ ăn về lượng, tập quán còn lạc hậu; một số thôn bản chưa có điện nên vấn đề truyền thông còn hạn chế. Tổng hợp các nguyên nhân nói trên đã khiến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở Nghệ An vẫn ở mức cao, hơn trung bình chung của cả nước.

Qua rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII của ngành Y tế là tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến tháng 10/2014 là 18,3%. Con số này so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đặt ra là 15% còn cách biệt khá xa. Trước thực trạng đó, để đẩy mạnh việc phòng, chống suy sinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, vừa qua UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 8/8/2014 về Tăng cường công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, nhằm mục đích tăng cường sự vào cuộc, đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.

Bác sỹ Quế Thị Trâm Anh - chuyên viên phụ trách chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Để thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Theo đó, ngành Y tế tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, những người trực riếp nuôi dạy trẻ em dưới 5 tuổi; đầu tư đầy đủ các công cụ như cân, thước đo cho cộng đồng; kế hoạch này hướng tới giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ dưới 5 tuổi 0,5%/năm, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao 0,4%/năm, tính trung bình đến năm 2020… Các hoạt động trong quý IV/2014 và 2015 bao gồm: giáo dục truyền thông, tập huấn mạng lưới cộng tác viên, thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, có con nhỏ và bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng, cân trẻ dưới 2 tuổi, tổ chức tập huấn Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng cho truyến cơ sở, bổ sung Vitamin A liều cao, tổ chức tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em trong độ tuổi, tiếp nhận và triển khai chương trình sữa học đường, học sinh mầm non được uống sữa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất bao giờ cũng là hiệu quả triển khai thực hiện; điều đó chờ đợi ở sự vào cuộc chung.

Bài, ảnh: Thành chung

Mới nhất

x
Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi: Chú trọng chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO