“Phòng chống tác hại thuốc lá” và trách nhiệm công dân

25/04/2013 14:59

Khi báo chí thông tin về nội dung Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ 1/5) và Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 23/4 tại Hà Nội, ngay lập tức trên các diễn đàn mạng, “cộng đồng” những người nghiện thuốc lá hoặc chỉ trích gay gắt, hoặc bình luận một cách vô trách nhiệm?!

(Baonghean) - Khi báo chí thông tin về nội dung Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ 1/5) và Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 23/4 tại Hà Nội, ngay lập tức trên các diễn đàn mạng, “cộng đồng” những người nghiện thuốc lá hoặc chỉ trích gay gắt, hoặc bình luận một cách vô trách nhiệm?!

Theo Hội nghị nói trên, Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Gần 8 triệu người lao động Việt Nam thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc, 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà; mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca một năm vào năm 2030.

Trở lại với việc phản ứng của một bộ phận người nghiện thuốc lá trên các diễn đàn mạng. Đương nhiên, thái độ đó của họ là đáng trách. Và, trong thực tế, đại bộ phận những người nghiện thuốc lá và có hút thuốc lá đang thờ ơ với những cảnh báo về tác hại của thuốc lá cũng như các điều luật, quy định nhằm phòng chống tác hại của thuốc lá. Đồng nghĩa là họ đang thờ ơ, vô trách nhiệm với chính sức khỏe của mình và người thân, cộng đồng.

Đã có rất nhiều các nghiên cứu, phân tích về nguyên nhân nghiện thuốc lá và đưa ra liệu pháp cai nghiện thuốc lá nhằm đưa lại lợi ích cho người nghiện thuốc lá và cộng đồng, nhưng đáng nói là đối tượng quan tâm tìm hiểu nhiều nhất về thuốc lá lại không phải là những người hút thuốc lá, mà chủ yếu là những bệnh nhân (và người thân của họ) nhập viện do mắc bệnh liên quan đến thuốc lá. Cần nói thêm, thuốc lá đã được coi là 1 trong 4 phát minh thần kỳ hiện đại hủy diệt nhiều người nhất thế giới (cùng với bom nguyên tử, súng AK và thuốc nổ dynamit) với con số giật mình: khoảng 100 triệu người đã chết vì thuốc lá trong thế kỷ 20! Ước tính, cứ mỗi ngày, ở trong phòng với một người có hút thuốc lá một giờ thì nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người không hút cao gấp 100 lần so với việc sống 20 năm trong một tòa nhà chứa Asen (một chất độc gấp 4 lần thủy ngân).

Tại Hội nghị ngày 23/4, Bộ Y tế cũng cho biết, đã xây dựng các nghị định về việc xử phạt khi hút thuốc lá tại 5 địa điểm công cộng là từ 200.000 500.000 đồng/lần. Trong thực tế, từ năm 2010, đã có quy định phạt 50.000 - 100.000 đồng/lần hút thuốc lá ở nơi công cộng, công sở, nhưng gần như không có hiệu quả. Chỉ nêu một vài khó khăn trong thực hiện quy định: rất khó để “bắt quả tang” hết người hút thuốc lá khi đối với người nghiện thuốc lá họ hút hết 1 điếu thuốc chỉ trong 1-2 phút, có người thì chỉ hút 3-4 hơi lại vứt bỏ; hay trong một công sở, có một vài sếp nghiện thuốc lá thì cơ quan đó rất khó áp dụng quy định phạt… Chưa nói, đối với xã hội Việt Nam hiện đang rất nhiều vấn đề tồn tại về tính tự giác, văn minh công cộng, thì việc đưa ra những quy định về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đang được coi là một thách thức có tính “muôn thuở”.

Thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tại những điểm bán, bắt buộc phải có biển báo ghi “Cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi”, người bán hàng phải có trách nhiệm hỏi tuổi người mua; trường hợp cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng bán thuốc lá cho người chưa đủ tuổi, cả 2 đối tượng đều sẽ bị xử phạt. Vấn đề này chúng tôi đồng ý với nhiều ý kiến là, rất khó để có hiệu quả quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; trừ buộc người mua thuốc lá nhất định phải trình chứng minh nhân dân…

Như thế, để phòng chống tác hại thuốc lá được hiệu quả, trước hết phải thực hiện công tác tuyên truyền một cách mạnh mẽ và thường xuyên; quá trình tuyên truyền thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá không chỉ tập trung ở khuyến cáo về sức khỏe, mà còn cả nêu tác động nặng nề về tài chính (hiện mỗi năm người Việt Nam tiêu tốn hơn 22.000 tỷ đồng mua thuốc lá và tốn khoảng 2.300 tỷ đồng chi phí chữa cho các ca bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá). Nhưng điều cần thiết hơn cả là làm sao đạt mục tiêu để mỗi người đều nhận thức được phòng chống tác hại thuốc lá là trách nhiệm của công dân trong bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng và sự phát triển giống nòi người Việt; sự tự giác thực hiện không hút thuốc lá nơi công cộng theo quy định chính là thể hiện nếp sống văn minh, tôn trọng chính mình trước!


Anh Vũ

Mới nhất
x
“Phòng chống tác hại thuốc lá” và trách nhiệm công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO