Phong thủy xưa và nay

20/01/2014 18:21

(Baonghean) - Thuyết phong thủy xuất phát từ quan niệm cho rằng con người và vũ trụ (trời đất) là một thể thống nhất, sự biến thiên của số mệnh con người và sự vận hành của vũ trụ có mối quan hệ tương đồng theo thuyết âm dương ngũ hành.

Từ quan niệm đó, người xưa khi chọn đất ở, làm nhà, xây lăng mộ đều tìm vị trí sao cho số mệnh con người phù hợp với sự vận hành của trời đất để tránh “vận đen”, gặp “vận đỏ”. Tìm được “thổ trạch” (đất tốt) để ở, tìm được hướng tốt làm nhà thì con cháu làm ăn phát đạt; bốc mộ tìm được “huyệt đạo” tốt thì gia đình và dòng họ đều “thịnh”. Người xưa tin rằng khi bốc mộ, tìm được huyệt đạo “phát” thì gia đình, dòng họ có người “làm vương”. Nếu mồ mả động “long mạch” thì gia đình, dòng họ không yên. Vị trí đất ở, làm nhà, chôn cất, xây lăng mộ đều được các ông thầy địa lý am hiểu thuật phong thủy lựa chọn theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp giữa sự vận hành của trời đất với số mệnh con người. Phải căn cứ vào tuổi của con người (ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh) để tính toán các phương trời đất (theo quy luật âm dương ngũ hành) sao cho phù hợp. Chọn được vị trí đất ở, làm nhà, xây lăng mộ “thuận” với trời đất thì mọi sự đều “thịnh” ngược lại thì mọi sự đều “suy”, đó là phong thủy thời xưa.

Còn thời nay, “phong thủy” được áp dụng tràn lan không có giới hạn. Không chỉ việc xem vị trí đất ở, hướng làm nhà, làm cổng, xây lăng mộ, mà việc xem ngày tháng, xem tuổi, xem số tử vi… tất cả đều được gọi là “phong thủy”. Chọn vị trí đất ở phía sau phải rộng hơn phía trước để “có hậu”, phía trước không được có ao hoặc con đường chạy thẳng vào nhà, nếu dằm đất ở cao hơn các vị trí xung quanh thì đó là “kỳ đất” sẽ khó làm ăn. Nhiều người khi tìm đất ở đã bốc một nắm nhờ thầy “coi” có phù hợp với mình mới quyết định mua. Khi xây nhà ở, nhiều người mời thầy đến “coi” từ ngày, giờ đến hướng cổng, hướng nhà, hướng đặt bàn thờ, bàn bếp.

Khi xây cổng, nhiều nhà mời thầy đến “coi” từ vị trí, chiều rộng, chiều cao đến hướng cổng, màu sơn…nhất nhất đều được tính toán theo tuổi chủ nhà. Có nhà làm cổng xong thầy bảo chỉ được mở cánh bên phải, 6 tháng sau mở cánh bên trái, một năm sau mới được mở cả hai cánh. Có nhà, cổng chính thầy bắt làm bên ngách, phải mở thêm cổng phụ chính diện cho ô tô vào. Vị trí đặt bàn bếp thầy bảo đặt ở đâu phải đặt ở đó bất kể có thuận lợi cho sinh hoạt gia đình hay không. Điều kỳ lạ là tại cửa hàng bán vật liệu xây dựng có bảng tôn “phong thủy”, mỗi màu tôn đều được ghi “tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi” người mua tôn cứ theo tuổi của mình mà chọn màu, mặc dù màu đó mình không thích.

Thầy phong thủy thời xưa là người am hiểu Kinh dịch, thông thạo âm dương ngũ hành, hiểu địa lý, thiên văn, phải giỏi chữ Hán, chữ Nôm mới đọc được sách phong thủy. Còn ngày nay, các loại sách “phong thủy” bằng chữ quốc ngữ bày bán khắp nơi, từ lịch vạn niên đến các loại sách tử vi, sách dạy cách chọn ngày tháng theo lịch âm dương… Bất cứ ai biết nghiên cứu các sách đó và có năng khiếu “phán” đều có thể trở thành “thầy” phong thủy. Có diễn viên văn công về hưu đứng ra tổ chức ban nhạc tang, nhờ biết đọc văn ai và học cách “coi” ngày, giờ nên dần dần trở thành “thầy” được các tang chủ tin cậy giao phó mọi việc. Có ông thợ mộc làm nhà cho thiên hạ nhờ đó đã học lỏm được cách chọn hướng nhà, hướng cổng rồi cũng trở thành “thầy” được nhiều người tin. Có ông thợ làm nghề ốp đá bàn bếp nhưng đến nhà nào cũng “phán” là bếp có hợp phong thủy hay không.

Thiết nghĩ, việc tin hay không tin thuật phong thủy thuộc tâm linh của mỗi người. Nhưng phải nghiên cứu thuyết phong thủy của người xưa để hiểu và “theo” một cách có cơ sở, không áp dụng tràn lan đến mức vô lý như hiện nay?!

Trần Hồng Cơ

Mới nhất

x
Phong thủy xưa và nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO