Phòng tránh các bệnh mùa hè
(Baonghean) - Mùa hè thời tiết nóng nực những bệnh như say nắng, tiêu chảy, viêm mũi - họng, tả, lỵ, thương hàn, viêm não... đang vào mùa nhưng nếu biết phòng ngừa, chúng ta sẽ hạn chếđược hậu quả.
Say nóng, say nắng
Nguyên nhân gây bệnh do quá nóng, thường gặp ở những nơi tập trung đông người như công trường, xí nghiệp, hầm mỏ, hầm tàu, nhà máy...
Nếu nhẹ, người say nóng, say nắng sẽ rối loạn chuyển hóa nước, tuần hoàn, hô hấp; mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn... Ở thể nặng, sẽ rối loạn nội tiết, tiêu hóa, cảm giác đắng miệng, ù tai, hoa mắt... Nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến ức chế thần kinh trung ương, phù phổi, da xanh tím, mạch nhanh và nhỏ, huyết áp hạ, sùi bọt mép, co giật, hôn mê và rất dễ dẫn đến tử vong.
Khi phát hiện có người bị say nắng, say nóng, phải nhanh chóng đưa nạn nhân về nơi yên tĩnh, thoáng mát, tạo điều kiện cho da thanh thoát, dễ toát mồ hôi, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý...Tại nơi làm việc và sinh hoạt không để sức nóng ảnh hưởng đến cơ thể quá lâu. Điều kiện lao động và sinh hoạt phải ở nơi thoáng mát, ăn uống hợp vệ sinh, không dùng các chất kích thích, lao động ngoài trời phải đội nón rộng vành.
Các bệnh đường tiêu hóa
Mùa hè nóng bức, thức ăn dễ ôi thiu, nhiều loại vi khuẩn phát sinh, phát triển có thể gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy... Nguyên nhân là do nguồn nước bị nhiễm bẩn, thức ăn uống, đồ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kèm theo đó là thói quen uống nước lã, ăn gỏi cá, quả xanh, tiết canh, thức ăn ôi thiu... Khi bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng... dù bất cứ nguyên nhân nào cũng phải cho người bệnh uống nước oresol hoặc nước cháo, nước hoa quả... và đưa đến cơ sở y tếđể khám và điều trị. Cần ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thanh khử khuẩn tốt các nguồn nước, giám sát chặt chẽ vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Để phòng ngừa các bệnh về mùa hè có hiệu quả cần:
- Tắm gội hằng ngày, tránh để ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứđọng, nhất là với trẻ em.
- Uống đủ nước khi làm việc hay đi học trong những ngày nắng nóng; đội nón hoặc mũ rộng vành để tránh say nắng.
- Không uống nhiều nước đá, không ăn thức ăn quá lạnh.
- Không để quạt điện thổi thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ, vì sẽ dễ bị cảm lạnh; không bật quạt lúc đi nằm sau khi vừa tắm xong; không đột ngột ra - vào phòng có gắn máy điều hòa đang hoạt động để tránh cảm lạnh. Với người bệnh cao huyết áp càng phải thận trọng hơn.
- Chăm lo đến ăn uống vì trong thời tiết nóng bức, cơ thể mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều làm mất nhiều muối khoáng.
Thu Hiền (Tổng hợp)