Phòng, tránh dịch cúm A (H5N1) trong dịp Tết
PGS.TS Trần Đắc Phu: Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế.
Như tin VOV online đã đưa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phát hiện một trường hợp đầu tiên tử vong do cúm A (H5N1) tại Bình Phước, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh cúm A (H5N1) mắc mới trên người.
Để chủ động phòng chống dịch cúm A (H5N1) lây lan từ gia cầm sang người, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp sau đây:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; thực hiện ăn chín uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ: Bộ Y tế sẽ chỉ đạo quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc; Phối hợp chặt chẽ với các chi cục ở địa phương nói chung và Bình Phước nói riêng tập trung bao vây, xử lý ổ dịch, thực hiện các biện pháp khử trùng cũng như dập dịch để đảm bảo dịch không phát tán.
"Cục Y tế Dự phòng tuyên truyền cho người dân biết được dịch bệnh và chúng ta cũng không quá lo lắng vì dịch cúm A (H5N1) lây từ gia cầm sang người chứ không lây từ người sang người. Dịch cúm A (H5N1), bùng phát lẻ tẻ và không mạnh như cúm H1N1. Nếu chúng ta quá lo lắng sẽ làm ảnh hưởng tới việc cung ứng cũng như tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết Giáp Ngọ" - PGS.TS Trần Đắc Phú nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc triển khai phòng, chống dịch trong dịp Tết Giáp Ngọ hết sức quan trọng. Hiện nay, virus cúm A (H5N1) vẫn lưu hành trên đàn gia cầm, nghĩa là nó cũng mang mầm lành của virus gây bệnh, có các ổ dịch làm gia cầm chết. "Để phát hiện ra những virus gây ra gia cầm chết phải xét nghiệm mới biết được ổ dịch. "Biện pháp tốt nhất là mỗi người dân phải tự phòng, tránh cho riêng mình. Vào mùa Đông Xuân và dịp Tết là điều kiện để dịch bùng phát và nhu cầu tiêu thụ của người dân cao nên nguy cơ lây bệnh cũng khá cao. "
Bên cạnh đó, Cục Y tế Dự phòng cũng chỉ đạo các hệ thống điều trị, nếu có ca bệnh phải tập trung cứu chữa ngay lập tức. Nếu ở địa phương nào đó có ca bệnh tăng phải bố trí hợp lý và điều trị tốt, đặc biệt không được lơ là trong dịp tết./.
Theo VOV.VN