Phòng tránh tai nạn lao động trong nông nghiệp: Cần quan tâm đúng mức!
(Baonghean) - Dù chưa có con số tổng hợp chính thức nhưng thời gian gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, các cơ quan chức năng và chính bản thân người lao động lại chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lĩnh vực này…
Nguy cơ cao
Người dân ở xóm 1, xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) khó quên được vụ tai nạn lao động đối với anh Lê Văn Mến. Tháng 9/2014, trong lúc đang khởi động máy tuốt lúa thì chiếc máy chạy vọt lên húc anh Mến nằm kẹt cứng trong bức tường. Rất may lúc đó có nhiều người đứng gần nên đã kịp thời đẩy máy ra và đưa anh Mến đi cấp cứu.
Vụ tai nạn làm anh Mến bị thương nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tốn kém tiền thuốc thang. Từ chỗ là trụ cột lao động chính trong gia đình sau vụ tai nạn, khả năng lao động của anh Mến giảm đáng kể. Trước đó, vào tháng 5/2014, chị Nguyễn Thị Hà, xóm 2, xã Hưng Châu (Hưng Nguyên), cũng bị thương do máy gặt lúa bằng tay.
Chị Hà kể lại: Hôm đó, 2 vợ chồng đi gặt. Tôi dùng liềm, còn chồng thì dùng máy gặt lúa bằng tay. Do bất cẩn, không quan sát nên chiếc máy gặt đã chém đứt lìa ngón tay.
Người dân xã Châu Kim (Quế Phong) sử dụng máy tuốt lúa. |
Trường hợp của anh Mến, chị Hà chỉ là 1 trong nhiều số vụ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về các vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp trên địa bàn, nhưng với khoảng hơn 55% lao động đang sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, xu thế sử dụng cơ giới hóa, hóa chất ngày càng nhiều thì nguy cơ mất ATVSLĐ ngày càng hiện hữu. Và công tác đảm bảo ATVSLĐ trong nông nghiệp vẫn chưa được người dân quan tâm.
Hầu hết nông dân đều mua máy móc nông nghiệp qua đại lý tư nhân nên không được hướng dẫn cách thức sử dụng. Người dân khi mua về cũng tự mày mò sử dụng, vận hành mà chưa được cơ quan quản lý chuyên môn nào đứng ra tổ chức các khóa đào tạo sơ đẳng, phương pháp vận hành, bảo đảm an toàn cho máy móc và cho con người sử dụng, cùng các chế độ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa khắc phục sự cố trong quá trình sử dụng. Vì vậy, đã có nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, vệ sinh lao động trong nông nghiệp cũng là vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay, tình trạng người dân sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều. Trong khi đó, một bộ phận lớn nông dân không được hướng dẫn về quy trình sử dụng, những điều kiện đảm bảo an toàn cũng như không hiểu hết được tính độc hại của thuốc mà dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, hướng dẫn ghi trên bao bì cũng như lời quảng cáo của các cửa hàng thuốc. Điều này không chỉ gây mất an toàn đối với người sử dụng mà còn cả đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Mặt khác, với thói quen, tâm lý đơn giản hóa trong lao động đã hạn chế người nông dân tiếp xúc với những kiến thức chuyên môn và kiến thức về ATVSLĐ. Đơn cử như khi phun thuốc trừ sâu người lao động thường bỏ qua công tác bảo hộ như không dùng khẩu trang, găng tay, ủng bảo hộ... Về lâu dài, chính người nông dân sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc thiếu an toàn này.
Còn bỏ ngỏ?
Lâu nay, các cấp, ngành hầu như mới chỉ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử phạt về công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Còn đối với một số lĩnh vực khác như là lao động trong nông nghiệp, các hộ sản xuất cá thể, làng nghề… thì đang bị bỏ ngỏ.
Bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lao động chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, các trường hợp tai nạn lao động hầu như không được người dân khai báo nên không có con số thống kê cụ thể.
Còn ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trước đây, theo chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người nông dân về cách sử dụng máy móc nhưng 2 - 3 năm lại đây thì công tác này không được triển khai thường xuyên. Và người dân nếu có bị tai nạn nhưng do Hội Nông dân cơ sở không tổng hợp, báo cáo lên nên Hội Nông dân tỉnh cũng không nắm được.
Thực tế hiện nay an toàn lao động trong nông nghiệp chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức. Theo khảo sát của Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên vào năm 2013, có 70% nông dân không nắm được cách sử dụng máy nông nghiệp, 32% nông dân không biết cách phun thuốc BVTV an toàn, 30% nông dân kém hiểu biết về sử dụng điện sinh hoạt.
Và theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên thì trong năm 2013, hội tổ chức 2 lớp tập huấn cho 130 học viên là những tình nguyện viên nông dân về nội dung ATVSLĐ trong nông nghiệp. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên số lượng nông dân được tập huấn cũng rất ít. Và từ đó đến nay thì chưa tổ chức được buổi tập huấn nào thêm.
Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp còn bị bỏ ngỏ; việc thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với nông nghiệp và nông dân đang còn bị xem nhẹ. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh an toàn lao động chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên. Để hạn chế tai nạn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài việc nâng cao nhận thức cho người nông dân, cần xây dựng và bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật về an toàn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thông qua việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn sử dụng máy móc trang thiết bị; tổ chức, thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với nông nghiệp, nông dân nhằm hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro trong lao động, sản xuất.
Phạm Bằng
Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cứ 100.000 lao động trong khu vực nông nghiệp thì có gần 800 người bị TNLĐ khi sử dụng điện và 850 người bị TNLĐ trong sử dụng máy nông nghiệp. Hiện nay, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật ở thị trường tự do; 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và chỉ có 19,3% có hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng. Kết quả thống kê những ca nhiễm độc hóa chất BVTV ở Nghệ An cho thấy 69,4% số trường hợp nhiễm độc là do thuốc diệt chuột; 21,5% do thuốc trừ sâu và 9,1% do thuốc trừ cỏ. Trong số nhiễm độc có 43,8% là do ăn nhầm, 43% do tự tử và 13,2% do lao động. |