Phong trào "3 sạch" ở Hưng Tân
(Baonghean) - Cùng với phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, những năm gần đây, phụ nữ Hưng Tân (Hưng Nguyên) đã triển khai có hiệu quả phong trào "sạch nhà, sạch ngõ, sạch ruộng đồng" đảm bảo môi trường sống an toàn, sạch, đẹp - một trong những tiêu chí quan trọng để Hưng Tân về đích nông thôn mới trước kế hoạch.
Đường làng Hưng Tân. |
Ngày mùng 9 hàng tháng, theo quy định của xã, chị Phan Thị Nhung (xóm 2) cùng cô con gái ngồi phân loại rác thải sinh hoạt. Vừa làm, chị vừa chỉ cho con rác nào là có thể đốt tại gia đình, rác nào không thể phân hủy được như bao ni lông, các loại nhựa... được mẹ con chị bỏ vào bao tải, buộc cẩn thận để 5h chiều đem ra bãi tập kết của xóm. Chị Nhung cho biết: Trước đây, do ý thức chị em chưa cao nên rác thải sinh hoạt của các gia đình không được phân loại ngay từ đầu, rồi thói quen "bạ đâu quăng đó", dẫn đến nảy sinh bệnh tật. Từ ngày xã hợp đồng với Công ty môi trường, kết hợp với Hội Phụ nữ xã, xóm triển khai triệt để công tác bảo vệ môi trường, nhờ đó được nhận thức của chị em được nâng cao.
Về Hưng Tân dịp này, đến bất kỳ một gia đình nào, từ ngoài ngõ cho đến khu vệ sinh, vườn tược, chuồng trại đếu sạch tinh tươm, gọn gàng. Đó là cả một quá trình phát động, tuyên truyền của xã mà nòng cốt là chị em - người có vai trò quan trọng nhất của cuộc vận động "sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng ruộng" mà Hưng Tân đã triển khai từ năm 2012 đến nay. Xóm 2 là một trong những xóm làm tốt, hiệu quả rõ nhất phong trào này. Trao đổi với chị Hồ Thị Mùi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 2 được biết: Toàn xóm có 60 hội viên, là một trong những xóm có số lượng hội viên đông nhất, nhì xã. Để triển khai hiệu quả phong trào, chúng tôi xác định: Làm thế nào để thay đổi ý thức của người dân, nhất là chị em mới là điều quan trọng. Bởi xét cho cùng, trong gia đình, người phụ nữ là người luôn luôn phải quán xuyến nhà cửa, bếp núc, vườn tược... khi họ đã hiểu rõ tác hại của ô nhiễm môi trường thì chắc chắn mỗi thành viên trong gia đình đó phải thực hiện theo.
Vì thế trong tất cả các cuộc họp chi hội, họp xóm, họp đoàn thể, chúng tôi đều phối, kết hợp tuyên truyền, phát huy hiệu quả của đài truyền thanh cơ sở, mỗi tuần, chúng tôi có một bài viết về tác hại của ô nhiễm môi trường, những cách làm hay của các địa phương trong huyện, trong tỉnh để đọc cho chị em nghe... Cùng với đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, 3 thành viên của ban chấp hành chi hội chia thành 3 nhóm phụ trách 3 vùng của xóm thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, và đến tận nhà từng hội viên để hướng dẫn chị em cách phân loại rác mỗi ngày ngay tại gia đình mình. Ví như rác động vật phải đem chôn lấp dưới các gốc cây, rác nào đốt được thì tổ chức đốt tại vườn nhà, rác nào không thể phân hủy được bỏ vào bao tải, cột chặt, đến ngày 9 và 24 hàng tháng chở ra bãi tập kết của xóm để công ty môi trường chở đi đổ.
Chị Nguyễn Thị Nhung (xóm 2, Hưng Tân) vệ sinh vườn tược. |
Riêng ngày tập kết rác, cả 3 thành viên đều phải có mặt tại điểm tập kết, nếu gia đình nào không chở rác đến đúng giờ hoặc vứt rác không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt theo quy định của xã (lần thứ nhất 200 nghìn đồng), bị đọc tên trên loa phát thanh của xóm, của xã, hạ điểm thi đua các phong trào trong năm. Nhờ cách triển khai đồng bộ đó mà đến nay, thôn xóm nào ở Hưng Tân cũng đều “sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ trong bếp đến công trình vệ sinh”.
Chị Nguyễn Thị Thuận – Chủ tịch Hội Phụ nữ Hưng Tân cho biết: Để triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Hưng Tân đã thực hiện đề án vệ sinh môi trường nông thôn trong thời kỳ CNH – HĐH – một trong những đề án có ý nghĩa quan trọng nằm trong 19 tiêu chí quyết định đến tiến độ về đích nông thôn mới mà xã đang nỗ lực thực hiện. Và xã đã giao trực tiếp cho Hội phụ nữ làm nòng cốt chính của đề án này. Để triển khai có hiệu quả, Hội Phụ nữ đã gắn đề án với cuộc vận động “5 không, 3 sạch” của Trung ương Hội Phụ nữ phát động (“5 không” là không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có trẻ bỏ học; “3 sạch” là sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp), Hội đã chỉ đạo 9 chi hội của xã rà soát thực trạng các nội dung này, từ đó, xây dựng kế hoạch vận động thực hiện các nội dung của phong trào phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Để thực hiện hiệu quả phong trào, Hội phối hợp với các đoàn thể như Hội CCB, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân và nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội, tổ dân cư, CLB, nói chuyện chuyên đề, phát tài liệu, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh; tổ chức hội thi, diễn tiểu phẩm, tổ chức lễ ra quân làm vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, các chi hội cơ sở đã đưa vào chỉ tiêu thi đua hằng năm, mỗi chi hội xây dựng ít nhất 1 mô hình giúp hội viên có ý thức, quyết tâm trong việc thực hiện cuộc vận động đạt kết quả cao. Ngoài việc phát động giữ gìn vệ sinh từ trong nhà ra đường làng, ngõ xóm, Hội Phụ nữ xã Hưng Tân còn phát động tất cả các chi hội thực hiện VSMT từ nhà ra đồng. Tại các gia đình hội viên đều thực hiện phân loại rác thải tại nhà, định kỳ 1 tháng 2 lần, tất cả các chi hội đều ra quân tổng dọn vệ sinh tại gia đình, trên đường làng và trên đồng ruộng. Đặc biệt, sau các mùa vụ, các chi hội đều huy động hội viên tiến hành tổng dọn toàn bộ phế phẩm nông nghiệp, tạo môi trường sạch sẽ, an toàn trên các cánh đồng. Trên các cánh đồng đều bố trí thùng đựng rác, giảm thiểu tình trạng vứt bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Nhờ đó đến nay, toàn xã đã có trên 89% gia đình đạt tiêu chí gia đình “5 không 3 sạch” và hầu hết các hội viên đều tích cực thực hiện phong trào sạch từ nhà ra đồng.
Tuy nhiên, để phong trào bền vững, Hội Phụ nữ luôn quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân cộng với cơ chế xử phạt nghiêm minh gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi hội viên, mỗi người dân. Đặc biệt, vào dịp đầu năm, Hội Phụ nữ phối hợp với các đoàn thể tổ chức ký cam kết thi đua giữa các gia đình, các xóm, các chi hội về thực hiện các phong trào, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường sống, giữ gìn môi trường nông thôn mới.
Bài, ảnh: Thanh Thủy