Phong trào thi đua yêu nước: Động lực cho "Dạy tốt, học tốt"

19/05/2015 08:58

(Baonghean) - Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đánh dấu những bước chuyển vượt bậc của ngành Giáo dục; đó là thành tựu sau 5 năm ngành triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước với nhiều cuộc vận động, phong trào phong phú, sinh động, thiết thực và giàu sức lan tỏa.

Ngay từ khi triển khai phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ đầu tiên được ngành Giáo dục Nghệ An xác định là phải làm tốt công tác “dạy tốt, học tốt”. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong từng năm học của mỗi trường học và của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Lễ đón cô Thơ An và em Nguyễn Ngọc Khánh - HCV Olympic Vật lý châu Á năm 2015.
Lễ đón cô Thơ An và em Nguyễn Ngọc Khánh - HCV Olympic Vật lý châu Á năm 2015.

Trong đổi mới phương pháp dạy học, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tổ chức thao giảng, hội giảng, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em. Công tác tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm của đội ngũ nhà giáo được duy trì thường xuyên, có nền nếp. Trong 5 năm đã có hơn 5.800 sáng kiến kinh nghiệm gửi về Hội đồng khoa học cấp ngành xét, trong đó có 1.591 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận bậc 4 cấp tỉnh (tăng hơn 115 sáng kiến kinh nghiệm so giai đoạn 2005 - 2010), có 27 đề tài sáng kiến kinh nghiệm được tặng Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ của tỉnh; 4 đề tài cấp tỉnh được cán bộ ngành Giáo dục bảo vệ thành công.

Qua phong trào thi đua “Hai tốt”, chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi về học lực ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm; chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì vững chắc và có bước đột phá. Nhiều năm liên tục, Nghệ An là tỉnh có số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng cao nhất nước... Riêng về học sinh giỏi quốc tế, từ 5 năm trở lại đây, năm nào học sinh Nghệ An cũng có tên trên bảng vàng.

Đặc biệt năm học 2014 – 2015, giáo dục Nghệ An đã giành kết quả đặc biệt xuất sắc với 5 lượt học sinh dự thi châu Á và quốc tế ở các môn: Tin học châu Á 2 em, Vật lý châu Á 1 em, Vật lý quốc tế 1 em, Toán học quốc tế 1 em... Chất lượng giáo dục của các bậc học khác cũng có những bước tiến vững chắc. Với bậc học mầm non, tích cực triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo 5 tuổi, nâng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 99,7%; đã có 98% các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn chương trình giáo dục tiểu học với tỷ lệ khá giỏi chiếm từ 65% trở lên (năm học 2007 - 2008 chỉ đạt 85,7%), có 21/21 đơn vị cấp huyện đạt phổ cập giáo dục THCS.

Dạy chữ cho học sinh lớp 1 ở trường Tiểu học Hồng Sơn (Thành phố Vinh)
Dạy chữ cho học sinh lớp 1 ở trường Tiểu học Hồng Sơn (Thành phố Vinh)

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các đơn vị, trường học xem là nội dung sinh hoạt thường xuyên gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Xuất phát từ thực tế ở cơ sở, một số đơn vị như Phòng Giáo dục và Đào tạo Quỳ Châu đã phát động các phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, có hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu số học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, như phong trào "Nhường cơm sẻ áo" , "Áo ấm tặng bạn nghèo”... Trong các em học sinh cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm cứu bạn, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất; nhiều học sinh chăm ngoan, có tấm lòng hiếu thảo với bố mẹ, ông bà, nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập...

Phong trào xã hội hóa giáo dục trong tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, thu được những kết quả đáng phấn khởi. Nổi bật của công tác xã hội hóa giáo dục của Nghệ An những năm gần đây là ngành Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp có hiệu quả với các ngành, đoàn thể, hội khuyến học trong động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và học sinh thi đua “Dạy tốt, học tốt”, động viên học sinh nghèo vượt khó học giỏi, huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục - đào tạo: gần 700 tỷ đồng đã được huy động từ phong trào xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học...

Thành công ấy là nhờ trong những năm qua, việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua được diễn ra thường xuyên, liên tục, sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát với nhiệm vụ chính trị được giao, gắn liền với các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị trọng đại diễn ra trong năm. Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp quản lý giáo dục đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chỉ đạo cơ sở, động viên khuyến khích kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời tìm ra các giải pháp tháo gỡ những đơn vị còn gặp khó khăn để cùng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Nói về kết quả này, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo khẳng định: Chính sự tận tâm, tận tuỵ với nghề, hết lòng thương yêu học sinh, được nhân dân tin yêu, học sinh kính trọng của hơn 5 vạn cán bộ, giáo viên là nguồn nội lực lớn quyết định thắng lợi các hoạt động, phong trào thi đua của ngành.

Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức phong trào thi đua trong ngành,và gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Để làm tốt, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hành động thực tiễn của mỗi người trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường; chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng thực chất, đánh giá đúng năng lực của người dạy, người học; quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay; động viên khuyến khích, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương nhà giáo tiêu biểu, nhất là các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh…

Mỹ Hà

Mới nhất

x
Phong trào thi đua yêu nước: Động lực cho "Dạy tốt, học tốt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO