Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa

21/02/2013 18:11

(Baonghean) - Ốc bươu vàng (OBV) có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ được nhập khẩu vào nước ta từ năm 1988 với mục đích nuôi làm thực phẩm. Nhưng đối với sản xuất nông nghiệp thì OBV là một trong số 100 loài sinh vật nguy hiểm nhất mà cả thế giới đang tìm biện pháp tiêu diệt. Bộ NN và PTNT đang khuyến cáo tất cả các địa phương trong nước tìm mọi biện pháp từ thủ công đến sinh hóa học để tiêu diệt triệt để loại sinh vật gây hại này.

Hiện nay ở nhiều xứ đồng của tỉnh ta, ốc bươu vàng đang phát triển mạnh. Hầu hết các huyện, xã trong tỉnh đều đã có OBV phát sinh, phát triển. Theo phản ánh của nhiều địa phương thì OBV đã và đang có xu hướng phát triển rất mạnh trong vụ lúa xuân hiện nay và đã gây hại lớn ở nhiều nơi tại Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn, Đô lương...

Một con OBV cái có thể đẻ 1.000 trứng trong vòng 1 tháng. Trứng OBV sau khi đẻ được khoảng 12 - 14 ngày thì nở ra OBV con và sau 2 ngày nở chúng đã di chuyển được để tự kiếm ăn. OBV là loại phàm ăn, ăn khỏe, ăn liên tục cả ngày đêm. Trên ruộng lúa chúng ăn từng đám, tập trung ăn nhiều ở ruộng trũng, ruộng lúa non, lúa mới cấy, lúa gieo thẳng … Trường hợp ruộng bị hạn, nước trong ruộng khô kiệt, OBV có thể sống vùi mình xuống lớp đất sâu sống tiềm sinh hàng tháng vẫn không chết.

Vì vậy biện pháp phòng trừ để tiêu diệt OBV bảo vệ lúa không bị phá hoại cần được tiến hành đồng bộ, liên tục và có sự kết hợp giữa biện pháp bắt thủ công với biện pháp sinh học, hóa học…

Biện pháp bắt thủ công là biện pháp rẻ tiền nhất và không gây ảnh hưởng cho môi trường sống. Các địa phương cần phát động phong trào toàn dân ra đồng bắt diệt OBV. Con ốc bắt về đập lấy thịt ốc cho người, cho gia cầm, cho lợn ăn. Trứng ốc đẻ thành ổ có màu đỏ tươi rất dễ thấy thì dẫm hoặc bóp nát luôn. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên và liên tục trong nhiều ngày và nhiều tháng thì mới tiêu diệt được triệt để. Trường hợp số lượng OBV nhiều quá thì ngoài biện pháp bắt diệt bằng tay, chúng ta có thể dùng lưới chắn ngang ở đầu nguồn nước không cho ốc di chuyển và ngăn ốc tập trung lại một chỗ mà diệt; hoặc đào rãnh sâu 25 - 30 cm để ốc di chuyển rơi vào hố sâu mà bắt diệt. Ngoài ra có một biện pháp rất hữu hiệu nữa là: dùng lá sắn, lá xoan, lá chuối, xơ mít… rải thành một số điểm quanh bờ ruộng, bờ ao để dẫn dụ ốc đến ăn mà tiêu diệt.

Ngoài biện pháp bắt diệt OBV bằng biện pháp thủ công nêu trên, có thể kết hợp thêm biện pháp sinh học như: nuôi thả cá trong ruộng lúa, nhất là cá trắm, nuôi thả vịt vào ruộng.

Dùng biện pháp hóa học để tiêu diệt OBV là biện pháp cuối cùng. Vì đây là biện pháp gây ô nhiễm môi trường nước không có lợi cho nhiều sinh vật khác, kể cả con người. Vì vậy, biện pháp hóa học chỉ nên áp dụng khi số lượng OBV đạt đến mức độ bình quân mỗi m2 có từ 3 con trở lên hoặc đã có 10% số dảnh lúa trong ruộng bị hại.

Khi sử dụng thuốc hóa học để trừ diệt OBV nên sử dụng loại thuốc đặc hiệu và phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ngoài bao bì. Loại thuốc sử dụng tiêu diệt OBV hiện có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là:

- Hoạt chất Metaldehye có tác dụng phá hủy tế bào nhầy làm ốc bị mất nước mà chết. Liều dùng 250 – 300 gam/ha, rải thuốc đều sau khi gieo thẳng hoặc cấy lúa được 5 – 10 ngày và phải rút nước cạn trước khi rải thuốc.

- Hoạt chất Niclosamide, thuốc có tác dụng kìm hãm quá trình trao đổi khí Oxy và Cacbonic. Liều dùng 200 – 250 gam/ha, pha trong 160 lít nước để phun. Khi phun chỉ nên để nước trong ruộng xăm xắp là tốt nhất.

Sử dụng thuốc hóa học để phun tiêu diệt OBV cần phải lưu ý: Không phun vào những ruộng lúa không có bờ thửa đảm bảo giữ nước tốt và phải là những ruộng không phải là ruộng kết hợp nuôi cá.


Doãn Trí Tuệ

Mới nhất
x
Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO