Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ hè thu - mùa

30/07/2014 14:44

(Baonghean) - Năm nay, toàn bộ 260 ha lúa mùa của xã Tào Sơn (Anh Sơn) đều bị sâu cuốn lá gây hại. Xã đã cấp trên 5 ngàn gói thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của trạm BVTV để tổ chức cho bà con phòng trừ trên toàn bộ diện tích nhiễm bệnh.

Bà Phạm Thị Hải - Trưởng ban Nông nghiệp xã Tào Sơn cho biết: Sau phun phòng, mật độ sâu giảm

Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại xóm 7, Xuân Hòa, Nam Đàn
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại xóm 7, Xuân Hòa, Nam Đàn
nhiều. Tuy nhiên, qua kiểm tra mới nhất thì trên nhiều trà lúa ở đồng Bù, đồng Cấm của xã đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ 300 - 500 con/m2. Nhiều vùng xuất hiện bệnh vàng lá. Xã đang tập trung chỉ đạo bà con tích cực bám đồng, bám ruộng để chăm bón, phòng trừ sâu, bệnh bảo vệ cây trồng vụ hè thu .

Vụ hè thu - mùa năm nay, toàn huyện Tân Kỳ gieo cấy trên 4.300 ha lúa mùa, 1.400 ha ngô. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 phát sinh gây hại trên các cánh đồng toàn huyện với mật độ nơi cao 500 - 600 con/m2. Để tổ chức phòng trừ, UBND huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ 50% giá thuốc cho bà con. Ông Nguyễn Văn Trình - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Tân Kỳ, cho biết: Ngày 25/7, theo kế hoạch chung của tỉnh tạm dừng công tác phun phòng đợt 1 đối với sâu cuốn lá lứa 4. Tuy nhiên, toàn huyện mới chỉ tổ chức cho bà con phun phòng 3.129 ha/trên 4300 ha lúa nhiễm bệnh sâu cuốn lá trong diện cần phun phòng. Một số xã không hoàn thành chỉ tiêu như Kỳ Tân đạt 40 ha/130 ha lúa, Hương Sơn đạt 60/170 ha lúa, Phú Sơn đạt 65/150 ha lúa... Tâm lý người dân lúc được khuyến cáo phun phòng thì chủ quan do không thấy sâu, đến giai đoạn sâu phát triển trắng đồng mới phun nên không có hiệu quả, điều này còn tạo cơ hội cho sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 phát triển.

Vụ hè thu - mùa năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 97.000 ha lúa, trên 11.000 ha ngô, 1000 ha lạc, hơn 5.900 ha rau màu, trên 4000 ha đậu. Theo đánh giá thì hiện nay các loại cây trồng đều phát triển tốt. Tuy nhiên, tính đến ngày 26/7, toàn tỉnh có 70.654 ha, bị sâu cuốn lá lứa 4 phát sinh gây hại, trong đó có 20.192 ha nhiễm trung bình và 44.538,8 ha nhiễm nặng. Các huyện có diện tích nhiễm sâu với mật độ cao như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, mỗi huyện trên 6.000 ha, Yên Thành hơn 3.000 ha, Nam Đàn 3.100 ha, Anh Sơn gần 1.300 ha…Toàn tỉnh đã triển khai cho bà con phun trừ đạt 65.516,6 ha (trong đó diện tích phun lần 1 là 60.842 ha, phun lại lần 2 là 4.674,6 ha).

Cùng với sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã phát sinh gây hại tại một số huyện. Hiện nay, lúa hè thu đang ở thời kỳ làm đòng - trổ, lúa mùa đang thời kỳ đẻ nhánh đến đứng cái. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục BVTV tỉnh, có hơn 200 ha lúa nhiễm rầy tập trung tại các huyện: Đô Lương, Con Cuông, Anh Sơn. Rầy chủ yếu ở tuổi 1, tuổi 2, mật độ phổ biến trên diện tích nhiễm 750 - 1.500 con/m2, cá biệt 3.000 - 5.000 con/m2. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cũng đang phát sinh gây hại trên lúa hè thu tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu với tổng diện tích 104 ha.

Bảo vệ cây trồng vụ hè thu - mùa trong điều kiện diễn biến thời tiết khó lường hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Nông nghiệp. Ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Hiện nay, ngành chỉ đạo bà con đang tích cực bám đồng ruộng. Các địa phương cần chủ động lịch trình kiểm tra đồng để hỗ trợ và tiếp tục tuyên truyền cho người dân trong phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 trên diện tích lúa mùa nói riêng và sâu, bệnh trên cây trồng nói chung. Hiện rầy nâu, rầy lưng trắng đang có chiều hướng tăng cả về phạm vi, mức độ gây hại, khả năng gây hại nặng, trên diện rộng. Điều này dự báo nguy cơ gây “cháy rầy” vào giai đoạn lúa làm đòng, trổ trở đi. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cũng có nguy cơ phát sinh gây hại nặng trên các diện tích lúa từ thời kỳ làm đòng trở đi, đặc biệt, sau các đợt mưa lớn kèm theo gió và trên các chân đất lầy thụt, bón thừa đạm. Đối với cây trồng khác cần theo dõi và chăm sóc bằng cách bổ sung phân, đạm cần thiết theo đúng quy trình kỹ thuật. Đối với diện tích lúa từ thời kỳ đẻ nhánh đến trổ bông, khuyến cáo phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng trên các diện tích có mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên bằng thuốc đặc hiệu theo danh mục quy định, phun đảm bảo làm ướt đều vào phần thân, lá lúa. Đối với những diện tích sau trổ đến chín sáp, phun trừ trên những diện tích có mật độ rầy từ 2.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi. Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bà con không sử dụng đạm, kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá trên diện tích lúa đã nhiễm bệnh. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường kiểm tra việc khuyến cáo, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc buôn bán thuốc kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục, thuốc quá hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến kết quả phòng trừ.

Bài, ảnh: Lương Mai

Mới nhất

x
Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ hè thu - mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO