Phong tục cưới hỏi của người Thái ở Nghệ An

14/07/2011 17:11

(Baonghean) - Cũng như nhiều dân tộc khác, việc dựng vợ, gả chồng là điều hết sức hệ trọng đối với bà con dân tộc Thái. Khi được cô gái đồng ý, chàng trai về thưa với cha mẹ, chú bác, họ hàng chuẩn bị lễ vật sang nhà gái làm các nghi lễ.

Lễ dạm ngõ:

Thông thường, nhà trai cử 4 hoặc 6 (số chẵn) người phụ nữ, trong đó có một người con gái chưa chồng, còn lại phải có gia đình trọn vẹn, con cái đuề huề. Đến nhà gái, gia đình chàng trai phải sắm lễ vật gồm cau trầu, rượu, chè xanh, bánh chưng. Trong chuyện trò, nếu ưng thuận cho chàng trai làm rể, nhà gái sẽ vui vẻ nhận lễ vật. Ngược lại, nếu không ưng ý thì nhà gái sẽ từ chối hoặc tìm cách để con gái mình đem trả lại lễ vật cho gia đình chàng trai. Trong trường hợp nhà gái ưng thuận, hai bên gia đình cùng đưa trầu cau và rượu mời nhau, cùng trò chuyện vui vẻ và nhân đó tìm hiểu hoàn cảnh của đôi bên. Sau cuộc trò chuyện, nhà trai ngỏ ý tìm ngày lành, tháng tốt để làm lễ thăm tháng.

Lễ thăm tháng

Thành phần tiến hành lễ thăm tháng của nhà trai thường là 6 cặp vợ chồng, trong đó có cả ông mối và bà mối. Lễ vật thăm tháng thứ nhất gồm 2 cơi trầu, 2 chai rượu ngon, 30 bánh chưng. Đến tháng thứ hai, tùy điều kiện gia đình mà thành phần có thể thay đổi nhưng nhất thiết phải là số chẵn (có đôi). Lễ vật gồm 4 cơi trầu, 4 chai rượu và 50 chiếc bánh chưng. Cứ như thế, mỗi tháng nhà trai đến nhà gái tiến hành lễ thăm tháng một lầm cho đến hết tháng thứ 4 mới kết thúc. Lúc này, nếu nhà trai muốn xin làm lễ cưới nhỏ thì mang thêm 2 cơi trầu và 2 chai rượu để hai bên thông gia ra mắt và chính thức nhận dâu, rể.


Mâm cỗ đám cưới của người Thái ở miền Tây Nghệ An.

Lễ đính hôn Tiến hành lễ đính hôn, nhà trai phải chuẩn bị lễ vật gồm 8 chai rượu, 100 chiếc bánh chưng, 1 con lợn, 2 con gà. Nhà gái cũng làm thịt 1 con lợn để đáp lễ và cùng góp thực phẩm với nhà trai. Lễ vật được bày lên bàn thờ, ông mối làm lễ xin tổ tiên nhà gái phù hộ cho đôi uyên ương. Sau đó, chú rể lấy áo của mình đặt lên bàn thờ và thắp hương vái lạy tổ tiên nhà gái để được chứng nhận mình là con rể của gia đình, cầu xin tổ tiên ban cho phúc lộc. Xong phần nghi lễ, nhà gái bắt đầu thách cưới. Thông thường, người Thái thách cưới bằng bạc nén. Khi lễ thách cưới được tiến hành xong, hai bên đồng thuận, nhà gái có bữa cơm thân mật chiêu đãi và chúc mừng thông gia. Cơm nước xong, nhà trai đặt cơi trầu, chai rượu bày lên mâm để xin nhà gái cho phép đón cô dâu tương lai về thăm nhà. Lúc cô dâu về đến nhà trai, mẹ chồng tương lai đem tặng một chiếc váy thổ cẩm và 2 cuốn sợi tơ tằm để gửi gắm ước mong con dâu tương lai sẽ là người đảm đang, tháo vát. Đồng thời, anh em, cô bác, họ hàng nhà trai cũng dành một ít tiền mừng cô dâu mới và coi cô dâu thực sự là con cháu trong nhà. Chừng 1 tháng sau, nhà trai lại tổ chức đi thăm tháng thêm một lần nữa. Mục đích của việc đi thăm tháng lần này là để hai bên thỏa thuận ngày cưới. Khi đi, nhà trai mang theo số bạc nén thách cưới và 20 bánh chưng. Thông thường, người Thái ở miền Tây Nghệ An chọn thời điểm cưới vào các tháng 2, 6, 11 và 12 âm lịch. Bởi những thời điểm đó là lúc mùa màng đã thu hoạch xong, lương thực, thực phẩm đã có sẵn trong nhà.

Lễ cưới

Ngày cưới, nhà gái có bữa cơm đậu họ, tức là ông mối tập trung bà con cô bác, anh em trong họ lại để phân công việc đón dâu. Thành phần cử đi thường từ 20 - 24 người, trong đó có ông bà mối, cô bác, chú dì và nam nữ thanh niên. Nhà trai đi đón dâu phải mang theo một con lợn để bốc vía (hiếc khoăn) cho bố mẹ cô dâu. Đồng thời, mang theo 6 con gà, 3 con lợn để làm lễ vật. Số gà nhà trai đưa sang được làm thịt làm lễ, trừ lại một con nhốt kỹ trong lồng. Con gà này được gọi là “cay xổn xứa”, tức là nó không thể thiếu trong suốt quá trình diễn ra lễ cưới đối với cả hai bên gia đình. Nó cũng là con vật được dùng làm lễ “cắt khẩu” tại nhà gái và lễ “nhập gia” tại nhà trai. Và khi đón dâu về, nhà trai không được phép bỏ quên con gà này. Nhà trai mổ lợn để “bốc vía” và cúng ma nhà gái. Ngoài đầu lợn và mông lợn, mâm lễ nhà trai còn có một chiếc vòng tay bằng bạc gọi là “poóc khen khanh mé” (vòng tay tặng mẹ). Làm lễ xong, ông mối mời bố mẹ cô dâu và mọi người cùng ngôi vào mâm cơm để làm lễ “tom khoăn” (cùng hưởng lộc). Trong lúc mọi người ăn cơm, chú rể cầm chiếc vòng đặt ở mâm cúng đeo vào tay bà mẹ vợ với ý nghĩa tạ ơn công lao người đã sinh thành. Sau lễ “tom khoăn”, nhà gái mời nhà trai bữa cơm thân mật, vui vẻ để cầu chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc. Cơm nước xong nhà trai có cơi trầu, chai rượu bày lên bàn thờ để xin của hồi môn (chướng kha), nhà gái đáp lễ bằng việc bày ra các đồ vật: 2-4 chiếc nệm nằm, 2 chiếc chăn, 4-6 chiếc gối, 1 chiếc đìu, 1 chiếc màn và 1 chiếc ghế mây. Hoàn tất thủ tục chú rể mời rượu, mời trầu họ hàng của cô dâu, nhà trai xin phép rước dâu về nhà.

Người Thái thường tổ chức rước dâu vào ban đêm, khoảng 1-2 giờ sáng (được xem là giờ tốt theo quan niệm cổ truyền). Nhà gái cử 12 người đưa dâu, gồm chú bác, cậu dì và hai người bạn thân của cô dâu (bố mẹ không được tiễn con gái về nhà chồng). Khi đôi vợ chồng về đến cầu thang, mọi người nhường chỗ để làm lễ rửa chân (xuôi tin). Giữa bậc thang thứ nhất đặt một chậu nước, trong chậu có chiếc vòng tay bằng bạc, ông mối múc nước rửa chân cho cả hai vợ chồng với ý nghĩa rửa trôi bụi bặm, không may mắn và ban phúc lộc để họ sống bên nhau trọn đời, trọn kiếp, trong sáng và bền chặt như nén bạc, thỏi vàng. Mẹ chồng đợi trước cửa dắt con dâu vào căn buồng đôi vợ chồng mới cưới.

Lúc này, ông mối làm lễ tơ hồng (pàn kháu phúc panh). Mâm lễ gồm 1 con gà luộc, 2 quả trứng, 1 cỗ xôi và 1 chum rượu cần. Ông mối cúng xong, mọi người cùng chúc đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc, sống lâu muôn tuổi.

Xong lễ tơ hồng, nhà trai lại chuẩn bị lễ mừng dâu. Lễ vật gồm 2 con lợn (1 con đáp lại tình thông gia, 1 con làm lễ bốc vía cho cô dâu) và 3 con gà (1 con dùng bốc vía cho anh hoặc chị nếu em lấy vợ trước, 1 con dùng bốc vía cho ông bà mối, 1 con để cúng tổ tiên nhà trai). Sau đó, gia đình và họ hàng nhà trai đưa tiền, bạc, váy áo ra mừng cô dâu mới (chồm pợ mơ).

Tiến hành xong các lễ tục, nhà trai có bữa cơm thân mật mời và cảm ơn nhà gái đã tiễn cô dâu về nhà chồng một cách nhiệt tình, vui vẻ. Cùng với tiếng chuyện trò râm ran, tiếng chúc mừng hạnh phúc là tiếng cồng chiêng ngân vang. Các bà, các chị thay nhau cất lên tiếng khắp, tiếng nhuôn để chúc mừng đôi trai gái được trọn đời bên nhau, được hạnh phúc và phát đạt. Khi cuộc vui và lễ mừng dâu kết thúc, bà mối chọn một người “giên mừ” (mát tay) hoặc một phụ nữ có đông con cái vào buồng mắc màn, trải chiếu cho đôi vợ chồng trẻ.

Sang ngày thứ 3, nhà trai sang nhà gái làm lễ lại mặt. Mục đích của lễ này lễ này là để cô dâu, chú rể tạ ơn ông bà mối và báo cáo với tổ tiên nhà gái là họ đã chính thức trở thành vợ chồng.


Công Kiên

Mới nhất

x
Phong tục cưới hỏi của người Thái ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO