Phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp: Cần có tội danh cản trở tự do ngôn luận

17/09/2015 09:09

Đó là ý kiến của ông Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình xung quanh vấn đề sửa đổi Luật Báo chí và trước những vụ việc cản trở, hành hung nhà báo diễn ra liên tục trong vài ngày nay.

Hai ngày nay, báo chí liên tục đưa tin về việc PV báo Hà Nội mới bị đánh tím mắt khi tác nghiệp chụp ảnh tai nạn giao thông, PV báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh bị Công an phường, dân phòng “nóng vội” xốc nách đưa đi khi tác nghiệp về công tác chuẩn bị phiên xét xử tại Long An…

Trước đó, vụ truy sát nhà báo ở Thái Nguyên, vụ đánh phóng viên Giao thông.., và rất nhiều vụ việc khác khiến nhiều người đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo, cao hơn là đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.

1
Hai vụ cản trở báo chí tác nghiệp gần đây nhất

Từ những thực tiễn trên, cũng nhân dịp góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật báo chí đang diễn ra, trao đổi với ông Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình cũng chia sẻ quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.

Theo ông Nam, tại Điều 25 Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy để bảo đảm quyền này, Luật Báo chí chỉ được phép đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn để xác lập cơ chế thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chứ nhất thiết không được hạn chế hoặc bó hẹp việc công dân, nhà báo thực hiện quyền này.

Ông Nam cũng nhìn thẳng vào sự thật, qua tham vấn ý kiến của hội viên Hội Nhà báo Hòa Bình cho thấy, việc phóng viên bị giam giữ trái phép khi đang hoạt động nghiệp vụ nhưng đối tượng giam giữ (lãnh đạo xã) không bị xử lý nghiêm có thể khiến cho tình trạng cản trở, hành hung, phá hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo diễn ra phức tạp. Theo kết quả nghiên cứu của RED Com 2011, có trên 80% số nhà báo (trong tổng số 384 nhà báo trả lời khảo sát) cho biết từng gặp cản trở với các mức độ từ thấp đến cao, từ né tránh cung cấp thông tin đến đe dọa, trả thù…

2
Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Báo chí tại Hòa Bình

Tại các cuộc tham vấn, nhiều hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng để xảy ra các trường hợp như vậy là kéo dài là khó chấp nhận, bởi từ năm 1989, Luật Báo chí đã nêu rất rõ ở Điều 2: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”. Cụ thể, điều luật này ghi rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân…”.

3
Ông Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tỉnh hòa Bình

Góp ý vào dự thảo Luật báo chí hiện nay, ông Hà Đức Nam cho rằng: “Sở dĩ nhiều ý kiến quan tâm đến cơ chế bảo hộ này vì tại Điều 12 dự thảo Luật Báo chí có nhắc lại, nhưng chưa có thể hiện cam kết, cơ chế nào mới hơn, trong khi việc thực thi luật cũ đang có những khoảng trống khiến cho việc tác nghiệp của nhà báo; việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân vẫn gặp trở ngại”.

Cũng theo ông Hà Đức Nam, đối với nhà báo hiện ba cơ chế, giải pháp chính là hình sự, hành chính và dân sự đều ít có hiệu lực, hiệu quả. Từng biện pháp được ông Nam phân tích lý giải.

Thứ nhất, với chế tài hình sự hiện chưa có tội danh cản trở nhà báo tác nghiệp hoặc cản trở quyền tự do ngôn luận để xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình tấn công, hủy hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo. Đa số các vụ việc tương tự đều được cơ quan tố tụng xem xét theo các tội danh “Cố ý gây thương tích” hoặc “Hủy hoại tài sản”, tức là xem việc nhà báo tác nghiệp bị cản trở như xem xét các tranh chấp thông thường giữa các công dân, nên mới phát sinh các giai đoạn giám định thương tật và giám định giá trị tài sản bị hủy hoại dẫn đến kéo dài tiến trình xử lý. Trong khi đó ít có đối tượng tấn công nhà báo mong muốn gây thương tật hay muốn gây hư hỏng phương tiện tác nghiệp, mà chủ yếu là muốn ngăn chặn nhà báo thu thập và công bố thông tin. Vì thế tuyệt đại đa số các vụ việc cản trở, tấn công nhà báo thời gian qua đều tự hòa giải hoặc “chìm xuồng” khiến cho các vụ mới tiếp tục xảy ra, mà điển hình là các vụ việc với phóng viên báo Giao thông và báo Dân Trí vào tháng 6/2015 vừa qua.

Thứ hai, chế tài hành chính: Từ Luật Báo chí sửa đổi 1999 đến nay Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, như Nghị định 31, 56, 02 và mới nhất là Nghị định 159/2013/NĐ-CP đều có chế tài xử phạt các đối tượng đe dọa, cản trở, hành hung nhà báo với các mức độ từ thấp đến cao, nhưng suốt 15 năm qua các cơ quan quản lý nhà nước các cấp chỉ xử phạt được 03 trường hợp cản trở nhà báo vào năm 2012 (một ở Daklak và 2 ở Cần Thơ). Trong khi đó số nhà báo, cơ quan báo chí bị xử phạt vi phạm hành chính hàng năm lại rất nhiều, mỗi năm cả tỷ đồng tiền phạt.

Về các biện pháp dân sự thì sao? Ông Nam nhấn mạnh đến một thực tế hiện nay, với trách nhiệm bảo vệ hội viên, những năm qua Hội Nhà báo các cấp đã rất cố gắng tiếp cận các vụ việc, lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các hành vi đe dọa, tấn công nhà báo. Tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều lúc, nhiều nơi vai trò của Hội còn mờ nhạt, tiếng nói của Hội chưa được tôn trọng; Cạnh đó các cơ quan báo chí khi có thành viên bị xâm phạm quyền tác nghiệp còn thiếu sự đoàn kết đấu tranh với tình trạng này, có cơ quan còn ém nhẹm sự việc hoặc âm thầm hòa giải khiến cho các đối tượng khác xem thường nhà báo. Ngoài ra hiếm khi có trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo sử dụng quyền khởi kiện khi bị xâm phạm do các thủ tục tố tụng quá rườm rà, phức tạp, nhất là khâu thi hành án khiến cho giải pháp xử lý tranh chấp bằng tòa án ít được đề cao.

Ông Nam chia sẻ: “Những phân tích ở trên là xảy ra đối với nhà báo tác nghiệp. Còn đối với công dân khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thì sao? Theo ý kiến của hội viên Hội Nhà báo Hòa Bình thì việc pháp luật về báo chí đưa ra quy định công dân phải "xin phép" khi muốn cung cấp thông tin cho báo chí qua hình thức họp báo là quy định vừa hình thức, vừa tạo điều kiện cho cán bộ nhà nước sách nhiễu, hạn chế quyền công dân. Trên thực tế cả cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân vẫn dễ dàng "lách" quy định này cách tiến hành các cuộc gặp gỡ thân mật không cần theo thủ tục, trình tự nào”.

Đặc biệt, một tiêu chí bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân chính là việc công dân thực hiện quyền phát biểu, phê bình, khiếu nại, tố cáo thông qua báo chí và trách nhiệm trả lời của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nghiên cứu của MEC năm 2013 cho thấy chỉ có 10% các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của họ gửi đến nhà nước qua báo chí được phản hồi đầy đủ, đúng hạn. Đại diện bạn đọc, các tổ chức xã hội tại Hòa Bình cũng cung cấp các dữ liệu này với đề nghị có cơ chế bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân trên báo chí.

Từ các phân tích trên, ông Nam đề xuất:

Thứ nhất, bổ sung vào Điều 12 và điểm đ Khoản 1 Điều 34 dự thảo Luật Báo chí về cơ chế bảo hộ của nhà nước đối với quyền tác nghiệp báo chí. Cụ thể nêu rõ: "Những hành vi cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo tội danh cản trở nhà báo, cản trở quyền tự do ngôn luận

Thứ hai, sửa đổi Khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật Báo chí bỏ quy định "phải được cơ quan nhà nước chấp thuận", nghĩa là người dân chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo về cuộc họp báo trước 24h với cơ quan nhà nước;

"Với trách nhiệm bảo vệ hội viên, những năm qua Hội Nhà báo các cấp đã rất cố gắng tiếp cận các vụ việc, lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các hành vi đe dọa, tấn công nhà báo. Tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều lúc, nhiều nơi vai trò của Hội còn mờ nhạt, tiếng nói của Hội chưa được tôn trọng; Cạnh đó các cơ quan báo chí khi có thành viên bị xâm phạm quyền tác nghiệp còn thiếu sự đoàn kết đấu tranh với tình trạng này, có cơ quan còn ém nhẹm sự việc hoặc âm thầm hòa giải khiến cho các đối tượng khác xem thường nhà báo...."- Ông Hà Đức Nam chia sẻ.

Theo Infonet

Phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp: Cần có tội danh cản trở tự do ngôn luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO