Phục dựng giếng làng
(Baonghean) - Cùng với khôi phục, trùng tu lại các đình, đền, chùa, thời gian gần đây rất nhiều làng quê đã cùng nhau phục dựng lại giếng làng gắn với tên làng, trả lại vẻ đẹp cổ kính của những ngôi làng xưa.
Giếng làng Rào (Hưng Đạo, Hưng Nguyên) nằm giữa cánh đồng. |
Được biết đến là 1 trong 5 làng quê cổ kính của xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, làng Kẻ Cài vẫn giữ được nét đẹp của làng quê thuần nông. Ở đó có những con đường bê tông, nhà nào nhà nấy dù đã khang trang nhưng vẫn giữ được những bờ rào bằng tre, bằng cây dứa xanh mát. Cuối tháng 4, đi giữa cánh đồng lúa đang kỳ trổ đòng xanh mướt mắt, anh Lê Quyết Thắng (50 tuổi) người con của làng Kẻ Cài đã hồ hởi dẫn chúng tôi tới thăm quan giếng làng nằm cạnh cánh đồng quê anh. Không dấu nổi niềm vui, anh Thắng cho biết: Đây là chiếc giếng thứ 5 của xã Hưng Đạo được nhân dân phục dựng trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây với mong muốn vừa làm di tích, vừa là nơi nhân dân có thể lấy nước đem về dùng như ngày xưa. Riêng giếng làng Kẻ Cài có tích riêng mà không ai lý giải nổi, cái tích đó thì phải gặp những người cao tuổi của làng mới biết được.
Và chúng tôi đã tìm đến cụ Phan Văn Tự (năm nay xấp xỉ tuổi 80) nhưng trông cụ vẫn rất còn minh mẫn, nghe nhắc đến giếng làng, cụ Tự nói ngay: Giếng làng Kẻ Cài được xây dựng từ năm 1200, do ông Phan Phước Triệu – ông tổ của dòng họ Phan xây dựng nên để giúp nhân dân trong làng có nước sinh hoạt. Sau khi giếng được xây xong, không những làng Kẻ Cài mà rất nhiều người dân trong vùng khác đến để gánh nước. Nước giếng trong, mát, ngọt nên các hộ trong làng thường dùng để đồ xôi, nấu chè xanh hay làm tương… Ngày đó, ông còn nhớ, mỗi khi mẹ ông đi gánh nước đều phải gọi ông đi cùng, vì giếng to, lại ở chính giữa đồng, xung quanh có nhiều cây đa cổ thụ rất linh thiêng…
Mỗi lần được đi gánh nước cùng mẹ, ông rất vui vì được ra hái lá đa về để làm thành những con trâu, thời đó trẻ con làm gì có đồ chơi như bây giờ nên trò lấy lá xếp hình các con vật được yêu thích nhất. Sau này lớn lên, đi bộ đội, rồi về làng, giếng Kẻ Cài cũng là nơi ông hò hẹn mối tình đầu của mình. Với các thế hệ trong làng Kẻ Cài, giếng làng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Điều đặc biệt mà đến nay nhiều cụ già trong làng Kẻ Cài không ai lý giải nổi đó là từ ngày có giếng, hễ lúc nào nước giếng chuyển sang màu gạch cua y như rằng trong làng có chuyện không vui.
Vì thế, năm 2003, cả làng đã họp, bàn và quyết định khôi phục, nạo vét lại giếng. Vì đây là việc làm tự nguyện thế nên ai có từng nào góp từng ấy, người có công góp công, người có của góp của, chỉ trong 2 tuần, nhờ sự đồng thuận của cả làng, cộng với sự vào cuộc của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, giếng làng Kẻ Cài đã lại như xưa. Hiện nay, Trường Mầm non Hưng Đạo vẫn đang sử dụng nước giếng làng Kẻ Cài để nấu thức ăn cho các em học sinh. Hay lúc nào làm tương, các bà, các mẹ, các chị trong làng lại ra giếng gánh nước, bởi theo bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi) thì nếu làm tương dùng nước giếng làng sẽ có mùi vị đặc trưng, thơm, ngon khác hẳn dùng giếng khơi hay nước máy.
Cùng với làng Kẻ Cài, các làng khác trong xã như Kẻ Sía, làng Rào, Đôn Nhượng, Kẻ Thái, làng Trình cũng đã khôi phục lại giếng làng xưa bởi họ quan niệm: giếng làng giống như long mạch của cả làng, vì thế việc huy động sức dân cùng vào cuộc rất thuận lợi, hợp lòng dân. Ông Thái Văn Tùng (75 tuổi) người dân làng Rào cho rằng: Dù không nói ra nhưng trong quần thể của nét đẹp văn hóa làng, giếng làng luôn gắn bó với rất nhiều người dân của chính ngôi làng đó. Là nơi chúng ta thường theo mẹ đi gánh nước mỗi buổi chiều hè, nơi để đám con trai chọc ghẹo con gái, nơi hò hẹn của đám thanh niên, nơi trao đổi, giao lưu, chuyện trò của các bà, các mẹ xung quanh chuyện con cái, gia đình mỗi lần ra giếng gánh nước…
Riêng giếng làng Rào quê ông Tùng lại nằm trong quần thể di tích đền, mộ làng Rào – nơi thờ cúng Thành hoàng làng. Đền, mộ đã được nhân dân phục dựng lại và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình đi tìm hiểu, chúng tôi thấy được sự trăn trở của rất nhiều người dân đó hãy trả lại tên làng xưa, hãy gọi là làng Rào, Kẻ Sía, Kẻ Cài… thay vì xóm 5, xóm 6, xóm 7 như hiện nay. Bởi những cái tên như Kẻ Sía, Kẻ Cài, Đôn Nhượng… đều gắn với tích, gốc rễ của làng. Ví như làng Đôn Nhượng có giọng nói rất đặc trưng không thể lẫn với các làng khác; con gái làng Trình có giọng hát hay, nổi tiếng xinh gái nhất vùng hay người dân làng Kẻ Sía có tài kể chuyện tiếu lâm, làng Kẻ Cài có món ăn chả giam truyền thống mà không người làng nào có thể làm ngon như thế…
Cây đa - giếng nước - sân đình là hình ảnh đặc trưng, quen thuộc của mỗi làng quê Việt xưa. Giếng nước là nơi cung cấp nguồn nước ăn chủ yếu cho nhân dân trong làng nên việc giữ gìn, bảo vệ được đặc biệt chú trọng. Theo quy định của người xưa, nếu ai làm bẩn giếng làng sẽ bị phạt rất nặng. Chính vì có vai trò quan trọng nên giếng làng bao giờ cũng được đặt trong quần thể văn hóa linh thiêng, gắn liền với chùa hoặc đình. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1955 - 1985, ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung có phong trào phá đền, chùa, lấp giếng. Một thời gian sau, nhiều yếu tố tâm linh đã được khôi phục, nhiều nơi làm lại đình, chùa, giếng. Các làng cũng đề ra quy chế quản lý giếng sao cho tốt hơn.
Hiện nay, người dân khôi phục giếng không vì mục đích sử dụng nước như trước đây mà chủ yếu là khôi phục giá trị tinh thần, nhân văn của dân tộc. Ở làng Khánh Trung - Nghi Khánh, một trong những làng văn hóa đầu tiên của huyện Nghi Lộc, ông Võ Mạnh Khởi (70 tuổi) - từng là Bí thư Chi bộ Khánh Trung nhiều năm liền cho rằng: “Những người có tuổi như chúng tôi rất lo sợ thời gian sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hóa làng, sợ cuộc sống xô bồ của lớp trẻ hôm nay sẽ không giữ nổi những gì mà cha ông ngày xưa để lại. Vì thế làng đã nhất tâm khôi phục lại giếng Mỏ Phượng xưa bằng kinh phí xã hội hóa, góp phần trả lại không gian làng quê Việt Nam. Đó cũng là cách để thế hệ cha ông truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị vốn quý của văn hóa làng”. Hiện giếng Mỏ Phượng của làng Khánh Trung nằm ngay cạnh đường liên xóm vừa được mở rộng rãi, sạch đẹp. Ngoài khôi phục giếng, nhân dân còn xây cả bia dẫn tích nói lên sự tích của giếng Mỏ Phượng. Khuôn viên giếng được mở rộng bao quanh bởi những lùm tre xanh ngắt.
Việc khôi phục lại giếng làng của nhân dân khắp nơi trong tỉnh là việc làm đáng biểu dương, nhân rộng, một mặt để gìn giữ nét văn hóa làng xưa, một mặt giếng làng cũng sẽ trở thành điểm di tích mà người dân địa phương luôn muốn tìm về. Tuy nhiên, để phát huy giá trị của di tích giếng làng, thiết nghĩ, các cấp chính quyền cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương khôi phục lại giếng làng, điều quan trọng là sau khi khôi phục rồi cần tuyên truyền để người dân phát huy, gìn giữ giá trị văn hóa của giếng làng, hơn nữa cũng cần có các phương án bảo tồn những giếng làng cổ. Cùng với những ngôi đình cổ kính, ngôi chùa linh thiêng, giếng làng đã góp thêm một phần quan trọng trong xây dựng không gian văn hóa làng, trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch muốn tìm hiểu, khám phá nét đẹp làng quê Việt Nam xưa khi về với xứ Nghệ.
Thanh Thủy