Phục dựng và công diễn vở nhạc kịch "Cô Sao"

14/11/2012 21:25

Di sản văn hóa kinh điển của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ thập niên 1960 sẽ được tái hiện và công diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào tối 24 và 25/11.

Chiều 12/11, buổi họp báo vở nhạc kịch Cô Sao diễn ra tại Hà Nội. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – con trai của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận – vui mừng công bố sau hơn một năm, anh và các cộng sự đã phục dựng được gần 1.000 trang tổng phổ của vở nhạc kịch opera Cô Sao. Ra mắt lần đầu từ năm 1965, đây được coi là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.



Buổi họp báo công bố êkíp thực hiện vở opera "Cô Sao" phiên bản mới diễn ra chiều 12/11 tại Hà Nội.

Bắt nguồn cảm xúc từ câu thơ đầy tính triết lý sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng, Cay đắng chi bằng mất tự do…”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác Cô Sao trong quãng thời gian từ 1960 đến 1963 và công diễn lần đầu tại Hà Nội trong dịp kỷ niệm 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965).

Năm 1976, vở nhạc kịch Cô Sao được dàn dựng lại với một phiên bản ngắn gọn hơn. Cả hai lần công diễn năm 1965 và 1976 đều do Nhà hát Giao hưởng – Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng với các giọng ca nổi tiếng thời trước như Ngọc Dậu, Kim Định, Hoàng Hoa, Tâm Trừng…



Poster của vở nhạc kịch "Cô Sao" phiên bản 2012.

Nhân vật chính của vở nhạc kịch là Cô Sao - người con gái dân tộc Thái có sắc đẹp, tuổi trẻ nhưng nhà nghèo, mồ côi và rơi vào cạm bẫy của quan lang muốn biến cô thành gái xòe để mua vui. Cuộc đời của cô trải qua nhiều gian truân, cực khổ trước khi giác ngộ cách mạng. Chủ đề trong câu chuyện về cuộc đời Cô Sao là cách mạng giải phóng con người.

Trở lại sau cả một quãng thời gian dài bị quên lãng và thất lạc, Cô Sao do chính con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là Đỗ Hồng Quân phục dựng, làm mới và bổ sung phối khí. Chỉ huy chính của vở nhạc kịch là Honna Tetsuji – Giám đốc âm nhạc và nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Tác phẩm đòi hỏi một êkíp lớn (gần 200 người) nỗ lực tập luyện từ tháng 8 đến nay.

Ông Honna Tetsuji phát biểu: “Tôi yêu mến đất nước Việt Nam và cũng yêu tổ quốc Nhật Bản của mình. Đỗ Nhuận là một nhà soạn nhạc vĩ đại của Việt Nam và con trai ông, Đỗ Hồng Quân cũng được coi là một người nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Là một người Nhật, một nhạc sĩ, tôi vô cùng cảm kích và biết ơn vì đã được dành cho cơ hội chỉ huy vở nhạc kịch Cô Sao được dựng lại sau 36 năm vắng bóng, đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận”.



Một cảnh trong vở kịch "Cô Sao" công diễn năm 1965. Trong ảnh là hai nhân vật cô Sao (trái - nghệ sĩ Ngọc Dậu đóng) và chị Vân, một cán bộ cách mạng.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết khó khăn nhất khi thực hiện dự án này là việc phục dựng tổng phổ, sau đó là biên soạn và nâng cao. Bản gốc đã bị thất lạc do công tác bảo quản, lưu trữ chưa tốt nên không giữ lại được toàn bộ. Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam mới tìm lại được những bản nháp chép tay bằng bút chì của cha và tìm cách khôi phục lại được gần 1.000 trang trong hơn một năm qua.

Ông Đỗ Hồng Quân cũng cho biết thêm riêng phần âm nhạc lần này sẽ có phối khí lại, phối mới hoặc phát triển mở rộng ở những đoạn quan trọng. Tuy nhiên, về tổng thể, Cô Sao công diễn lần thứ ba sẽ vẫn tôn trọng tính nguyên bản ở kịch bản gốc. Vở nhạc kịch này sẽ trình diễn trong thời lượng hai tiếng và ba phân cảnh.

Thể hiện vai chính, cô Sao, trong phiên bản thứ ba này là Hà Phạm Thăng Long, giọng ca soprano của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Cô gái dân tộc Mường từng đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi opera quốc tế tại Mỹ năm 2004 được kỳ vọng sẽ đem tới cho cô Sao một làn gió mới so với những giọng ca từng thể hiện thành công nhân vật này là Ngọc Dậu, Lê Dung.



Nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long đảm nhiệm vai cô Sao trong phiên bản lần thứ ba sắp công diễn vào cuối tháng này.

Việc tái hiện và phục dựng vở nhạc kịch opera Cô Sao mang nhiều ý nghĩa với nền âm nhạc Việt Nam. Không chỉ là tác phẩm biểu diễn nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận – nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I, II và 55 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cô Sao còn giống như một lời tri ân tới bao thế hệ người Việt Nam biết trân trọng âm nhạc hàn lâm. Khán giả lớn tuổi có dịp sống lại những ký ức thời xưa cũ, còn khán giả trẻ tuổi có thể tìm hiểu về một vở nhạc kịch mang tầm vóc lịch sử lớn. Đây thực sự là một di sản văn hóa vô giá cần giữ gìn và bảo tồn cho đời sau.

Hiện tập thể diễn viên và nhạc công đang gấp rút tập luyện cho vở diễn vào hai ngày 24 và 25/11 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ngoài ra, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tiết lộ nếu có điều kiện, anh mong sẽ mang được tác phẩm này đến với địa danh mà ở đó, cha mình – một tù nhân thời Pháp thuộc và trở thành một nhạc sĩ cách mạng - đã ấp ủ và “thai nghén” ra Cô Sao là Sơn La.

Ban tổ chức vẫn chưa công bố giá vé nhưng theo NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, giá vé của vở kịch opera Cô Sao sẽ tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với một buổi biểu diễn chương trình hòa nhạc cổ điển thông thường tổ chức ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đêm công diễn sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.


Theo (Vietnamnet) - QN

Mới nhất
x
Phục dựng và công diễn vở nhạc kịch "Cô Sao"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO