(Baonghean) - Sau khi gây ra vụ án giết người rúng động, Phạm Văn Trắng bị tòa tuyên án tù chung thân và được đưa vào trại giam số 3, ở huyện Tân Kỳ thụ án. Lẽ ra phải mang án tử hình nhưng được sự khoan hồng của pháp luật nên mới có con đường sống, Trắng tu chí cải tạo, được ra tù trước thời hạn và có quãng đời hoàn lương hạnh phúc trên quê hương xứ Nghệ.
Ở xóm Thuận Yên, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, nhiều người biết đến Phạm Văn Trắng (năm nay 56 tuổi) là một người hay lam hay làm, chịu thương, chịu khó, dễ gần. Nhưng ít ai biết rằng, người đàn ông ít nói, có ánh mắt hiền và cái nhìn buồn xa xăm ấy từng là một người tù phải mang án chung thân. Cuộc đời hoàn lương của anh thực sự là bài học cho những người lầm lỡ.
 |
Anh Phạm Văn Trắng. |
Sinh ra tại vùng Tiên Lãng, Hải Phòng trong gia đình nghèo. Cũng như một số thanh niên khác trong xã, lớn lên ở vùng cửa sông nên ước mơ lớn nhất của Trắng là được lênh đênh trên biển cả, theo nghề hàng hải. Sau khi tốt nghiệp khóa trung cấp hàng hải, Trắng lên đường đi bộ đội. Ra quân, Phạm Văn Trắng được nhận vào làm việc ở một cơ quan nhà nước, chuyên về vận tải biển. Cuộc sống lênh đênh trên biển, tuy có đồng ra đồng vào nhưng lại rất vất vả nên hễ có thời gian nghỉ là người thủy thủ này về thăm nhà, chăm sóc bố mẹ. Ở trong nhà cùng với bố mẹ là người chị dâu.
Thỉnh thoảng về nhà, Trắng vẫn nghe một số người hàng xóm nói bâng quơ chuyện mẹ chồng – nàng dâu. Nhiều lần, anh đã hỏi giữa hai người có việc gì xích mích, mâu thuẫn hay không nhưng không ai trả lời. Những ngày tháng lăn lộn trên biển khơi đã khiến chàng trai trẻ trở nên lầm lì, cục tính. Cho rằng người chị dâu của mình đối xử không tốt với mẹ nên vào một ngày mưa to, gió lớn cuối tháng 7/1980, Trắng được nghỉ biển và trở về nhà, bí mật giết chết chị dâu rồi đưa xác xuống tàu, chạy thẳng ra biển để phi tang. Sau chuyến đi biển hôm đó, Trắng đáp tàu về đất liền và bị cảnh sát bắt khẩn cấp. 5 tháng sau, Trắng ra tòa, dù xác định sẽ mang án tử hình nhưng vụ án rúng động thời đó của Trắng kết thúc với án chung thân khi anh được đại diện người bị hại đứng lên xin giảm án.
Sau 1 năm thụ án ở Trại giam Hoành Bồ, Quảng Ninh, phạm nhân chung thân Phạm Văn Trắng được đưa vào Trại giam số 3 ở huyện Tân Kỳ thụ án. Sau khi gây án, Phạm Văn Trắng đã rất ăn năn, hối hận và nghĩ rằng, ông trời thương mình khi không phải lĩnh án tử nên Trắng xác định phải cố gắng hết sức để cải tạo, làm người tốt. Dẫu có phải sống suốt những quãng đời còn lại trong tù, anh cũng cam chịu. Với Trắng, lúc đó việc cải tạo tốt chính là liều thuốc để anh gột rửa lương tâm, cảm thấy thanh thản, yên bình sau những ngày sóng gió.
Với ý nghĩ đó, việc ổn định tâm lý, chấp hành nội quy buồng giam đối với Trắng là điều đương nhiên. Gần 1 năm thụ án, Trắng được học nghề mộc rồi được cán bộ tin tưởng giao làm đội trưởng đội tự quản phạm nhân, rồi buồng trưởng buồng giam. Khoảng 10 năm sau, Phạm Văn Trắng được phân trại tin tưởng hằng ngày cho ra ngoài để làm kinh tế, đến cuối ngày lại trở về nhập trại. Là một người chịu khó, hay lam hay làm nên chẳng mấy chốc, tên tuổi của anh thợ mộc mặc áo sọc trắng Phạm Văn Trắng được nhiều người tin tưởng, biết đến. Nhiều gia đình trong xã tin tưởng giao cho Phạm Văn Trắng thi công một số công trình mộc trong nhà. Những ngày tháng rong ruổi, làm mộc trong nhà dân, Trắng gặp gỡ rồi phải lòng chị chủ nhà Nguyễn Thị Nhật. Đây là cô giáo làng, gặp trắc trở trong tình duyên khi người chồng bỏ hai mẹ con đi biền biệt theo tiếng gọi của duyên mới. Nhận thấy anh phạm nhân có nụ cười hiền, giỏi nghề mộc và yêu thương mình hết mực, chị Nhật cũng cảm thấy xiêu lòng. Hai người trao gửi tình yêu cho nhau qua những giây phút hiếm hoi anh Trắng ra trại đi làm kinh tế. Dẫu biết là yêu nhau nhưng chị Nhật cũng như người phạm nhân không dám bộc lộ bởi anh Trắng đang là phạm nhân mang án chung thân….
Từ ngày có tình cảm với cô giáo làng, Phạm Văn Trắng càng tu chí cải tạo với niềm tin sắt son rằng mình sẽ có cơ hội hoàn lương, trở về dựng xây hạnh phúc. Ròng rã suốt 4 năm thề non, hẹn biển, mối tình đặc biệt đã đơm hoa, kết trái khi cô giáo Nhật mang trong mình giọt máu của Phạm Văn Trắng. Dẫu bị bạn bè dị nghị, bố mẹ la mắng và mọi người nhìn với ánh mắt khác nhưng cô giáo vẫn quyết tâm sinh nở, chờ đợi bố của đứa bé ra tù. Dù có thâm niên hơn 10 năm ngồi tù nhưng ngày mà cô giáo Nhật sinh con có lẽ là ngày dài nhất trong cuộc đời của gngười tù đang khao khát hoàn lương. Suốt hôm đó, Trắng nhấp nha, nhấp nhổm, không làm được việc gì. Cũng không dám xin ra trại đi thăm mẹ con cô giáo vì sợ gặp mình, cô giáo Nhật sẽ càng bị người thân dị nghị…. Cơ hội đến với người phạm nhân khi Trại giam số 3 bình xét, giảm án theo chính sách khoan hồng của pháp luật và chủ trương nhân đạo của Nhà nước. Sau 17 năm đằng đẵng mất quyền công dân, Phạm Văn Trắng được ra tù trước thời hạn.
Ngày Trắng xách ba lô ra khỏi cổng trại giam, đã thấy cô giáo Nhật bế đứa con 4 tuổi đứng chờ bố ở cổng trại. Bao nhiêu cảm xúc buồn vui, mừng tủi ùa về. Cả 3 người ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở, không nói một lời nào. Thấu hiểu được sự hy sinh, chịu thương chịu khó của mẹ con chị Nhật, ngay khi ra tù, Phạm Văn Trắng đã tự hứa với lòng mình phải quyết tâm bù đắp cho vợ con. Dịp Tết năm 1997, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, anh Trắng và cô giáo Nhật làm mâm cơm báo hỷ trong niềm vui đoàn viên và sự chúc phúc của họ hàng hai bên. Người thân của anh Trắng cũng lặn lội từ Hải Phòng vào tận vùng núi xã Nghĩa Dũng để mừng hạnh phúc. Câu chuyện tình có hậu của người phạm nhân và cô giáo làng cũng được nhiều người kể, truyền tai nhau càng khiến hai vợ chồng thêm hạnh phúc bội phần. Đặc biệt, là một người chịu thương, chịu khó, hiền lành, chăm chỉ và yêu thương các con hết mực, không phân biệt con riêng nên anh Trắng cũng được các con đáp lại tình cảm chân thành. Điều này càng giúp anh có thêm nghị lực trên con đường trở về nẻo thiện.
Với bàn tay khéo léo, sau khi ổn định cuộc sống gia đình, anh Trắng tiếp tục theo nghề mộc. Cô giáo Nhật ngày hai buổi đến trường rồi về chăm lo cơm nước cho chồng con. Cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ ở vùng núi rừng tuy đơn sơ nhưng luôn ngập tràn tiếng cười vui của con trẻ. Cách đây 3 năm, chị Nhật bị ốm nặng sau một ca tai biến. Lúc này, mắt của anh Trắng cũng bị mờ, không thể duy trì được nghề mộc. Để tiện chăm sóc vợ, anh Trắng bỏ hẳn nghề mộc, chuyển sang chăn nuôi bò. Buổi đi chăn bò, cắt cỏ, có thời gian rảnh rỗi, anh lại chăm vợ ốm. Các con của anh chị cũng lần lượt trưởng thành, đi xa lập nghiệp. Trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi, ngày ngày, Phạm Văn Trắng và người vợ hiền vẫn cần mẫn làm việc, dệt tình yêu thương. Thỉnh thoảng, các con được nghỉ làm, trở về thăm bố mẹ khiến ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc.
Ông Hoàng Đình Tâm, Trưởng Công an xã Nghĩa Dũng cho biết, anh Phạm Văn Trắng thực sự là một tấm gương, vượt qua mặc cảm, tự ti để hoàn lương, trở về với cộng đồng. Trong cuộc sống hằng ngày, anh Trắng đối xử rất tốt với mọi người, được bà con chòm xóm quý mến, tin yêu. Đặc biệt, trong công tác an ninh thôn xóm, anh Trắng đã nhiều lần giúp đỡ lực lượng công an xã hoàn thành nhiệm vụ, phá một số vụ án phức tạp. “Trong quá trình anh Phạm Văn Trắng hòa nhập với cộng đồng, vươn lên, Ban công an xã luôn động viên, giúp đỡ bằng các hình thức khác nhau để giúp anh có thêm niềm tin và nghị lực, vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Có thể khẳng định anh Trắng thực sự là tấm gương cho những người cùng cảnh ngộ vươn lên, hòa nhập cộng đồng”, ông Tâm khẳng định.
Bài, ảnh: Thùy Linh