Phục tráng giống đậu tương ở Nam đàn

22/11/2014 14:59

(Baonghean) - Dự án “Phục tráng giống đậu tương Nam Đàn” được UBND huyện Nam Đàn phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh thực hiện đã sản xuất ra hạt giống siêu nguyên chủng cho năng suất, chất lượng cao. Đây là cơ hội để đậu tương thơm ngon của địa phương nhân rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế.

Nghiệm thu mô hình đậu tương thương phẩm vụ xuân 2014 tại xã Xuân Hòa (Nam Đàn).
Nghiệm thu mô hình đậu tương thương phẩm vụ xuân 2014 tại xã Xuân Hòa (Nam Đàn).

Huyện Nam Đàn có trên 2.200 ha đất vùng soi bãi, là loại đất thịt nhẹ, độ phù sa cao được con sông Lam bồi đắp, phù hợp với phát triển các cây trồng họ đậu. Đặc biệt, giống đậu tương nổi tiếng thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng được người dân nơi đây trồng từ lâu đời mà từ đó có nghề làm tương với thương hiệu đáng tự hào của đất Nam Đàn.

Đậu tương Nam Đàn hạt nhỏ nhưng chắc và thơm. Thế nhưng qua cả một quá trình dài, giống đậu này dần thoái hóa, năng suất không cao. Cây đậu hay bị bệnh lở cổ rễ, sâu cuốn lá, sâu đục quả, một số cây chuyển sang sinh sản vô hạn… khiến năng suất thấp, chỉ đạt khoảng 30 kg/sào, vì thế, diện tích trồng giống đậu này dần bị thu hẹp. Nhiều người dân trên địa bàn dù không muốn bỏ loại đậu này cũng đành chấp nhận chuyển sang trồng các giống đậu tương được lai tạo mới như DT12, DT84… Những giống đậu này hạt to, cho năng suất cao, có thể lên tới 80 kg/sào nhưng hàm lượng chất ít, không thơm ngọt. Cho nên ngay cả làng nghề làm tương ở huyện cũng không thu mua loại đậu lai. Vì theo các gia đình làm tương truyền thống, giống đậu lai làm tương thường bị chua, không thơm ngọt, giá bán rẻ, chỉ ở mức 15 - 17 nghìn đồng/lít, khó tiêu thụ, trong khi tương được làm từ giống đậu địa phương có giá 70- 80 nghìn đồng/lít.

Gia đình chị Nguyễn Thị Yến ở xóm 3, xã Xuân Hòa trước đây cũng trồng đậu giống mới, năng suất thường đạt 70 - 80 kg/sào nhưng khó bán, nhiều khi đưa ra chợ rồi lại đưa về dù bán với giá thấp. Từ khi có dự án phục tráng giống đậu tương Nam Đàn, gia đình chị được cấp giống, trồng 130 m2, sau đó nhân diện tích lên. Chị Yến chia sẻ: “Trồng giống đậu tương truyền thống chăm sóc đơn giản hơn, đỡ chi phí vì chỉ cần bón mấy kg đạm, ít kaly, phòng trừ sâu cuốn lá và vào thời kỳ ra quả thì chú ý phòng trừ bọ xít. Vụ xuân 2014 vừa qua, năng suất đậu nhà chị đạt 65 kg/sào, với giá bán 80 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí khoảng 1 triệu đồng, lãi ròng 3 triệu đồng/sào trong thời gian 85 ngày. Sản phẩm đậu hạt được thu mua tại nhà chứ không phải đưa ra chợ bán...”. Nhiều hộ khác cũng phấn khởi khi trồng lại giống đậu truyền thống được phục tráng, chọn lọc, sản phẩm đậu dễ bán.

Ông Thái Xuân Hùng, cán bộ khuyến nông xã Xuân Hòa cho biết thêm: Cây đậu tương phù hợp với vùng đất cao, là loại đất pha cát hoặc đất cát nhẹ, là loại cây chịu hạn khá tốt. 10 năm nay, đậu tương dần vắng bóng trên đồng đất Xuân Hòa do giống cũ bị thoái hóa, giống mới chất lượng kém, không cạnh tranh nổi với những loại cây trồng khác... Nhưng từ đầu vụ xuân 2014, với sự hỗ trợ của huyện và các ngành, cây đậu tương truyền thống được trồng lại ở các xóm 1, 2, 3, 4, trong đó xóm 1 và xóm 2 được quy hoạch thành vùng tập trung do thuận lợi về diện tích đất. Toàn xã có 4,1 ha trồng đậu tương, qua chăm sóc, cây phát triển tốt, chứng tỏ rất phù hợp với chất đất ở đây, dù bị hạn nhưng hầu hết diện tích vẫn đạt năng suất 60 - 65 kg/sào, những vùng khô hạn hơn đạt bình quân 30 - 40 kg/sào. Trong khi đậu tương giống mới chỉ bán được 16 nghìn đồng/kg thì giống đậu tương được phục tráng này có giá bán lên tới 70 - 80 nghìn đồng/kg, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Trước khi Nam Đàn thực hiện dự án về phục tráng giống đậu tương địa phương, người dân vẫn trồng rải rác ở các xã Nam Tân, Xuân Lâm, Khánh Sơn, Hùng Tiến… Sản phẩm đậu luôn được người làm tương trên địa bàn huyện và khách hàng lùng mua. Ông Hồ Công Quế - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Nam Đàn đang xây dựng thương hiệu tương Nam Đàn nên việc phục tráng giống đậu tương địa phương có chất lượng cao rất được chú trọng. Được tỉnh cho phép và tạo điều kiện cho làm dự án, trong giai đoạn 1 từ năm 2009 - 2012, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành phục tráng, sản xuất ra hạt giống siêu nguyên chủng cấp cho người dân để sản xuất ra hạt giống nguyên chủng; giai đoạn 2 của dự án từ 2012 - 2015 sẽ sản xuất ra hạt giống nguyên chủng, hạt giống xác nhận và hạt giống thành phẩm, đồng thời duy trì hạt giống siêu nguyên chủng.

Từ đó, năm 2012, Nam Đàn đã trồng 2 ha sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng, vụ xuân 2013 có 20 ha sản xuất hạt giống xác nhận và vụ xuân 2014 vừa qua toàn huyện có 40 ha sản xuất hạt giống thương phẩm, đồng thời làm thử 300 lít tương từ sản phẩm đậu của dự án, cho kết quả rất đáng mừng khi tương được sản xuất ra có chất lượng đảm bảo, thơm ngon và có vị ngọt dịu. Vì thế từ 7 xã trồng đậu tương truyền thống trong vụ xuân 2013, đến vụ xuân 2014 và sắp tới, huyện Nam Đàn mở rộng diện tích ở 3 xã khác, lên khoảng 100 ha. “Hiện tại, làng nghề làm tương Phan Bội Châu tiêu thụ khoảng 9 tấn đậu. Nếu làm nhân rộng được diện tích nguồn nguyên liệu sẽ đủ đáp ứng nhu cầu cho làng nghề”- ông Quế chia sẻ.

Thành công bước đầu của dự án khôi phục giống đậu tương Nam Đàn đã tăng cường sự gắn kết giữa người nông dân với làng nghề tương truyền thống. Đây là hướng đi tích cực để kích thích làng nghề phát triển và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ, nâng cao giá trị thu nhập trên đồng bãi. Xa hơn nữa, Nam Đàn đang dự tính có thể xây dựng thương hiệu đậu tương truyền thống mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước.

Phú Hương

Mới nhất
x
Phục tráng giống đậu tương ở Nam đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO