Phương Tây tiếp tục ép Tổng thống Assad phải ra đi
Các ý kiến đề nghị Hội đồng Bảo an phải có hành động nhanh chóng để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria.
Ngày 26/9, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bước vào ngày thứ 2 thảo luận cấp cao về những vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay, trong đó, các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra nhiều ý kiến về cuộc khủng hoảng và bạo lực kéo dài hơn 18 tháng qua tại Syria.
Với vấn đề Syria, các nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục giữ nguyên lập trường cho rằng, tương lai của Syria sẽ không có sự xuất hiện của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong phát biểu của mình Thủ tướng Anh David Cameron đã lấy dẫn chứng từ những cuộc khủng hoảng bạo lực tại Trung Đông để khẳng định lập trường này.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu tại cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ ở New York hôm 24/9 (Ảnh: Reuters) |
Nhà lãnh đạo Anh đã nhắc lại sự sụp đổ của chế độ Muammar Gaddafi tại Libya và việc Tổng thống Ai Cập Mubarak bị lật đổ, tình hình Yemen và Tunisia trước đây…, đồng thời nhấn mạnh, điều Syria cần là “bầu cử nhằm xây dựng một Quốc hội mới”.
Thủ tướng Anh cảnh báo tình trạng bạo lực nhằm vào dân thường Syria trong đó có cả trẻ em: “Bạo lực gây thương vong và đổ máu với trẻ em là điều không thể chấp nhận được đối với Liên Hợp Quốc. Chúng ta phải cùng nỗ lực thúc đẩy nhanh chóng chuyển giao chính trị tại Syria. Hội đồng Bảo an phải có hành động nhanh chóng để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria. Các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an phải có trách nhiệm ủng hộ Liên Hợp Quốc giải quyết vấn đề Syria”.
Đề cập khủng hoảng nhân đạo tại Syria, Thủ tướng Cameron cam kết đóng góp thêm 20 triệu USD để hỗ trợ người dân Syria. Ông Cameron cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ hoạt động của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại thủ đô Damascus của Syria.
Thủ tướng Italy Monti cũng lên án sự bất hợp tác của chính quyền Syria với giải pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khi quân đội nước này tiếp tục các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường.
Thủ tướng Monti khẳng định, Italy ủng hộ nhiệm vụ của đặc phái viên chung Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab trong vấn đề Syria. Italy thúc giục mạnh mẽ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vượt qua những bất đồng và bế tắc, vốn đang cản trợ hành động quốc tế cho tình hình Syria.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Julia Gillard, nước đang nỗ lực giành được một ghế trong Hội đồng Bảo an, cũng đã có tuyên bố mạnh mẽ cam kết sẽ đưa những kẻ đứng sau tội ác chống lại loài người tại Syria ra chịu tội trước pháp luật.
“Chúng ta phải làm những điều có thể để chấm dứt bạo lực và thương vong mà người dân Syria đang phải hứng chịu. Bên cạnh đó là hỗ trợ xây dựng lại xã hội Syria. Những hành động tội ác chống lại loài người sẽ phải đền tội”- Thủ tướng Australia nói.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Mursi đã lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự vào tình hình Syria. Trong phát biểu của mình, ông Mursi cam kết, Ai Cập ủng hộ những nỗ lực chấm dứt khủng hoảng và bạo lực đẫm máu tại Syria, theo giải pháp thống nhất của khu vực và quốc tế. “Là một nước láng giềng hữu nghị với Syria, Ai Cập tôn trọng người dân và tất cả các phe phái tại Syria không phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Chúng tôi thấy rằng, sự can thiệp quân sự là hành động nguy hiểm. Ai Cập phản đối bất cứ can thiệp quân sự nào vào Syria”, ông Mursi nói.
Cùng ngày hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp thảo luận tình hình Syria, theo đó đánh giá cao nỗ lực của Liên đoàn Arab trong tìm kiếm một giải pháp chấm dứt khủng hoảng.
Tại cuộc họp, Hội đồng Bảo an đã lên án hành động bạo lực tại Syria, đồng thời bày tỏ lo ngại trước cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông này. Mỹ đã cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho người dân Syria và nhấn mạnh, bạo lực tại Syria phải chấm dứt, một chính phủ chuyển tiếp phải được thành lập tại Syria mà không có sự tham gia của Tổng thống Assad.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc khẳng định sẵn sàng tham gia với cộng đồng thế giới giải quyết vấn đề Syria theo giải pháp hòa bình và thích hợp./.
Theo VOV - ĐT