Nghệ An bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân
(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính để có hướng hỗ trợ ngư dân một cách hợp lý hơn, trong điều kiện giá dầu tăng cao.
Sáng 30/6, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khai thác hải sản. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Dự họp còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An; lãnh đạo các huyện, thị xã: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, Hoàng Mai và các xã vùng ven biển.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng |
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tính đến ngày 20/6/2022 toàn tỉnh có 3.422 tàu (có 1.170 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên), trong đó nghề lưới rê 1.621 tàu, nghề lưới chụp 589 tàu, nghề lưới vây, nghề lưới kéo 704 tàu, nghề khác 348 tàu, với 17.014 lao động trực tiếp trên tàu.
Tổng sản lượng khai thác hải sản ước tính 06 tháng đầu năm 2022 của Nghệ An đạt gần 101 nghìn tấn, bằng 55% so với kế hoạch năm, bằng 105,36% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị ước đạt 2 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian từ năm 2021 trở về trước, giá dầu ổn định ở mức thấp, vì vậy các nghề khai thác hiệu quả, sản lượng ổn định, thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của cộng đồng ngư dân.
Từ những tháng đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao trong đó dầu tăng khoảng 60% so với thời điểm ngày 31/12/2021, kéo các dịch vụ khác tăng theo; chi phí trung bình mỗi chuyến biển bao gồm (dầu diesel, đá, lương thuyền viên, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ) tăng lên từ 40-60 triệu đồng so với năm 2021.
Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo thực trạng khó khăn của ngư dân trong khai thác hải sản hiện nay. Ảnh: Xuân Hoàng |
Bên cạnh đó, ngư trường khai thác thủy sản bị thu hẹp; nguồn lợi đang suy giảm nghiêm trọng; dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị ảnh hưởng; giá sản phẩm thủy sản khai thác không tăng; tình trạng thiếu lao động thường xuyên xảy ra nên thu nhập bình quân lao động giảm còn 1-2 triệu đồng/người/tháng; dẫn đến khoảng 30-40% tàu cá nằm bờ.
Ông Nguyễn Văn Ước - Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) đề xuất một số nội dung liên quan đến khai thác hải sản của ngư dân tại cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng |
Tại cuộc họp, thay mặt cho bà con ngư dân, lãnh đạo một số địa phương kiến nghị một số nội dung: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá dầu cho bà con trong quá trình đánh bắt; đề nghị Nhà nước có giải pháp về chính sách mua bảo hiểm tàu thuyền; đề nghị tỉnh có phương án tháo gỡ khó khăn đối với tàu đóng theo Nghị định 67/CP, đồng thời Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương án gia hạn nợ cho ngư dân đóng tàu 67/CP.
Cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý một cách quyết liệt các tàu cá đánh bắt bằng nghề giã cào hoạt động sai vùng, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản biển. Vẫn còn tình trạng tư thương ép giá khi tàu thuyền về cảng, bởi vậy, tỉnh cần thu hút doanh nghiệp lớn vào thu mua hải sản với số lượng lớn...
Giá nhiên liệu tăng cao từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đến thu nhập của bà con ngư dân. Ảnh: Xuân Hoàng |
Sau khi nghe các ý kiến đề xuất từ các địa phương và ban, ngành, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu kết luận: Từ trước đến nay, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản, tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay giá nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân. Ngoài ra, còn một số vấn đề còn bất cập ở cảng cá, việc đánh bắt hải sản trái phép còn xảy ra; tỷ lệ tàu 67/CP hoạt động kém hiệu quả ngày càng nhiều, gây áp lực cho chủ tàu...
Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền pháp luật đến bà con ngư dân thực hiện một cách nghiêm túc theo Luật Thủy sản 2017 và theo khuyến nghị của IUU. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm việc với các ngân hàng thương mại làm việc với các chủ tàu để phân loại, có hướng giải quyết cụ thể đối với tàu 67/CP. Xây dựng lộ trình để điều chỉnh đội tàu khai thác hợp lý trên biển và có chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản. Một số cảng cá không có mái che, cần sớm xem xét để có hướng đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại để có giải pháp hợp lý đối với tàu 67/CP.
Đối với hỗ trợ ngư dân theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT đối với chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên, có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản còn hạn theo quy định, với định mức hỗ trợ 20.000 đồng/CV, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, thì Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính để nâng mức hỗ trợ ngư dân một cách hợp lý hơn; theo đó có thể hỗ trợ phí qua cảng, hỗ trợ 100% phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình...
Những vấn đề không thuộc thẩm quyền của tỉnh, đề nghị các cấp chính quyền, ngành tiếp tục có những văn bản đề nghị Trung ương quan tâm xử lý.