“Đóng băng” thị trường bất động sản

20/11/2011 15:48

Trái ngược với những năm trước, thị trường bất động sản cuối năm 2011 khá trầm lắng. Giá đất một số nơi giảm gần ½ so với đầu năm nay, nhưng vẫn không giao dịch được. “Tảng băng” bất động sản đang “đông cứng” và kéo theo đó là hệ luỵ nặng nề. Đã có nhiều đại gia bất động sản ở TP. Vinh làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất và phá sản…

(Baonghean.vn) Trái ngược với những năm trước, thị trường bất động sản cuối năm 2011 khá trầm lắng. Giá đất một số nơi giảm gần ½ so với đầu năm nay, nhưng vẫn không giao dịch được. “Tảng băng” bất động sản đang “đông cứng” và kéo theo đó là hệ luỵ nặng nề. Đã có nhiều đại gia bất động sản ở TP. Vinh làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất và phá sản…

Nhiều người cho rằng, thời điểm này là cơ hội thuận lợi cho người dân có nhu cầu thực sự về đất ở có thể chọn mua được đất với giá cả phù hợp, nhưng trên thực tế có ít giao dịch thành công về bất động sản. Trước đây, dòng tiền chính đầu tư vào bất động sản là từ “kênh” ngân hàng, nhưng với chính sách thắt chặt cho vay và rồi vay tiền được cũng chịu lãi suất cao, nên thời điểm này ít ai có thể tiếp cận và sử dụng đồng vốn của ngân hàng đầu tư vào bất động sản.



Người dân xem quy hoạch Dự án nhà ở Tp.Vinh.

Cách đây không lâu, anh Hoà là người đầu tư bất động sản ở TP Đà Nẵng, sau khi đi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP Vinh và các vùng lân cận đã rất ngạc nhiên khi biết giá đất ở TP Vinh quá đắt đỏ. Một số tuyến đường chính của TP Vinh bị đẩy lên 120 – 150 triệu đồng/m2 và những lô đất vùng ngoại ô giá từ 7-12 triệu đồng/m2. Cơn sốt ảo về giá đất kéo dài đã hấp dẫn, lôi cuốn khá nhiều người dân lao vào cuộc.

Do vậy, xảy ra tình trạng huy động các nguồn tiền lớn để đầu tư vào đất đai. Có khá nhiều người vay tiền ngân hàng đầu tư vào đất nay phải chịu lãi mẹ đẻ lãi con, đành chấp nhận bán lỗ cũng khó giải. Khó gỡ nhất là đối với những người vay tiền nóng của các tổ chức tín dụng đen với lãi suất cao, nay khó có khả năng thanh toán thì tính mạng bản thân và gia đình bị đe doạ… Đã có trường hợp phải xin cơ quan công an vào nhà tạm giam để tránh sự đe doạ của các băng nhóm đòi nợ thuê.

Ở phường Hưng Bình, Lê Lợi, Trường Thi, Bến Thuỷ có không ít người bỗng dưng trong một thời gian ngắn trở thành đại gia, mua xe xịn hàng tỷ đồng, nhưng nay không còn nhà để ở và trốn biệt tăm. Hiện nay, trên các trục đường thấy nhan nhản biển hiệu đề bán đất và giới đầu tư bất động sản còn in cả tờ rơi quảng cáo bán đất giá rẻ để nhét vào cửa từng nhà. Cho dù áp dụng nhiều chiêu thức bán tháo đất, nhưng thị trường bất động sản vẫn đóng băng, và theo dự đoán thì tình trạng này sẽ còn kéo dài, như vậy, ngày càng có thêm nhiều người trong giới đầu tư bất động sản làm ăn khó khăn, thua lỗ.



Hạ tầng cơ sở thi công dang dở tại một dự án khu nhà ở tại TP. Vinh.

Sự ảm đạm của thị trường kinh doanh nhà đất cũng gây khó khăn lớn cho các chủ đầu tư các dự án bất động sản. Thời gian qua, có 23 dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trong đó có nhiều dự án lớn được triển khai tại TP.Vinh như: Trung tâm Dịch vụ thương mại căn hộ cao cấp của Công ty CP Cao su Nghệ An (số 35 đường Phan Bội Châu – TP. Vinh) với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ đồng; Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược - thiết bị y tế và nhà ở tại Nghi Phú – TP Vinh với tổng vốn đăng ký hơn 453 tỷ đồng; Khu tái định cư đường 72 m với tổng vốn đăng ký hơn 512 tỷ đồng; Khu nhà ởhỗn hợp Đại Phú tại Hưng Lộc vốn đăng ký gần 117 tỷ đồng; Khu nhà ở kết hợp trung tâm thương mại, nhà ở liền kề, biệt thự tại xã Nghi Phú và Nghi Đức có tổng vốn đăng ký 721 tỷ đồng; Khu đô thị nhà ở Sơn Hà tại xã Nghi Liên có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 130 tỷ đồng…

Con số này làm không ít người băn khoăn là tại sao vào thời điểm hiện nay vẫn có nhiều dự án đầu tư bất động sản tại TP Vinh? Qua tìm hiểu được biết, phần lớn các dự án này đều triển khai trong thời điểm sốt đất, nhưng bởi đây là những dự án lớn, liên quan đến nhiều cấp, ngành, các thủ tục cần nhiều thời gian để giải quyết. Chính vì vậy, một số dự án sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý đã rơi đúng vào thời kỳ thị trường bất động sản đi xuống. Có những chủ đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vậy mới xẩy ra hiện tượng các dự án khoanh đất xong rồi để đó, trong khi phải trả nợ nhiều khoản vay, nộp nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Sự thanh khoản thấp đối với thị trường bất động sản tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và đặc biệt là đối với ngành Ngân hàng. Sự ra đời nhanh như nấm của các ngân hàng thương mại cổ phần, sự chèo kéo khách hàng bằng những điều kiện “dễ dàng” với các khoản cho vay khổng lồ vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian qua làm cho một số ngân hàng ngày càng dày thêm những khoản nợ xấu. Có người nhận định: “Sóng ngầm” đang bắt đầu nổi lên đối với hệ thống ngân hàng và nếu không có các biện pháp kịp thời, thì điều tất yếu sẽ dẫn đến việc đổ bể, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Vẫn chưa có lời giải hữu hiệu cho bài toán bất động sản và vì vậy, trong thờigian tới, các cấp, ngành chức năng cần sớm có biện pháp tích cực để “giải cứu” và lành mạnh hóa thị trường này, để giá đất ở trở về đúng giá trị đích thực.


Hoàng Vĩnh

Mới nhất

x
“Đóng băng” thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO