Keo lai rớt giá, nhiều địa phương tìm hướng chuyển đổi cây trồng

06/05/2013 15:36

Mấy năm lại nay, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh ta đang lao đao vì gỗ rừng trồng rớt giá thê thảm. Ở các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp …người trồng rừng đang ồ ạt chặt bán keo non bằng với giá …củi. Nhiều địa phương đang loay hoay chuyển đổi cây keo lai bằng cây khác có giá trị kinh tế hơn. Tuy nhiên, bài toán “chuyển đổi” vô cùng nan giải.

(Baonghean) - Mấy năm lại nay, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh ta đang lao đao vì gỗ rừng trồng rớt giá thê thảm. Ở các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp …người trồng rừng đang ồ ạt chặt bán keo non bằng với giá …củi. Nhiều địa phương đang loay hoay chuyển đổi cây keo lai bằng cây khác có giá trị kinh tế hơn. Tuy nhiên, bài toán “chuyển đổi” vô cùng nan giải.

Những ngày này đi dọc các xã Châu Quang, Châu Cường, Đồng Hợp …(Quỳ Hợp) thấy hai bên vệ đường là ngổn ngang những bãi gỗ keo lai đã được người dân bóc tách vỏ chờ tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Hoài ở xóm Quỳnh Tiến, xã Tam Hợp, than thở: “Đầu tư bao nhiêu công sức tiền của, trồng được hơn 4 ha keo lai với hi họng làm giàu từ loại cây “giảm nghèo”. Nhưng khi khai thác gỗ keo không đủ bù cho chi phí công khai thác và vận chuyển. Mỗi ha keo tính ra chỉ bán được trên 30 triệu đồng, là lỗ. Đã trăn trở nhiều rồi, nếu tiếp tục trồng keo nữa thì cả nhà sẽ ôm nợ, tôi đã tính là chuyển đổi sang trồng cây sao su. Chi phí trồng cao su khá lớn, nhưng cứ phải trồng liều thôi, chẳng lẽ 4 ha đất để cho cỏ mọc”.

Ông Phan Văn Châu ở xóm Dinh, xã Tam Hợp, cho hay: “Gia đình tôi trước đây trồng được hơn 2 ha keo lai, bán tống bán tháo cho tư thương chỉ được 25 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch xong, tôi đã vay vốn ngân hàng đầu tư 120 triệu đồng trồng trên 2 ha cao su. Khó khăn nhất trong chuyển đổi cây trồng là, quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cao su phải tự mày mò, tham khảo các nơi, thời gian đầu cây giống bị chết phải mua trồng lại. Cây cao su của gia đình đã được 2 năm tuổi, mà trên 5 tuổi mới lấy được nhựa. Nhưng điều đáng lo ngại là các hộ dân ở xã Minh Hợp cũng chuyển đổi từ keo sang trồng cao su, hiện đã bán nhựa nhưng bán trôi nổi, giá bèo bọt, một số hộ dân đã lại chặt cây cao su để chuyển sang trồng mía”.

Ông Nguyễn Xuân Tâm - Cán bộ nông - lâm xã Tam Hợp cho biết: Toàn xã Tam Hợp có khoảng trên 300 ha rừng nguyên liệu, do khó khăn đầu ra nên mới tiêu thụ được khoảng trên 50 ha keo. Tâm lý chung của bà con do giá keo quá rẻ tính ra hoà vốn hoặc lỗ, nên muốn chuyển đổi sang trồng cây khác có giá trị. Thực tế đã có 10 hộ dân ở các xóm Đồng Chảo, xóm Dinh chuyển từ cây keo lai sang trồng được trên 14 ha cao su. Diện tích còn lại rất khó khăn, chủ yếu là đất cằn cỗi, có chăng chỉ trồng được sắn. Trồng cây cao su vốn nhiều và chưa có doanh nghiệp nào ký kết đầu ra nên nhiều hộ dân sẽ chuyển một số diện tích keo sau thu hoạch sang trồng mía.



Thu mua keo lai ở Thanh Chương.

Tại xã Châu Quang, nhiều hộ dân trồng keo có hoàn cảnh tương tự. Ông Sầm Ngọc Dự ở bản Diêm Bày, nói: “Làm gần 2 ha keo mà chỉ thu hoạch được gần 40 triệu đồng, lỗ nặng. Giờ đang đi tham khảo để trồng cây cao su chứ nếu tiếp tục trồng keo thì thà để đất không còn hơn.” Nhưng khi hỏi về trồng cây cao su, ông Dự đang hết sức mù mờ, hiện chưa có ai hướng dẫn cho ông về quy trình trồng và chăm sóc cây cao su, thậm chí ngay như giống cây cao su ông chưa biết mua ở đâu là đảm bảo chất lượng. Ông chỉ nghe nói là trồng cây cao su sau này sẽ cho lãi cao, đâu biết rằng vay mượn để trồng cây cao su với chi phí cao không khéo lại như “canh bạc” trắng tay. Được biết, xã Châu Quang có gần 100 ha keo non tuổi từ 3 - 4 năm, nhưng bà con nông dân đã bán cho các tư thương với giá rẻ mạt.

Ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: Huyện có trên 16.000 ha keo lai, diện tích lớn nhất tỉnh, có khoảng trên 4000 ha keo đến tuổi thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều xã thu hoạch ồ ạt cả keo non để bán, giá chỉ đạt trên 20 triệu đồng/ha; keo đủ tuổi đạt trên 40 triệu đồng/ha; nói chung là giá quá rẻ, người trồng bị thua lỗ.

Thực trạng là vậy, nhưng để chuyển đổi cây keo lai sang cây trồng khác cũng rất khó khăn. Bởi hầu hết cây keo chủ yếu được trồng trên đất đồi trọc cằn cỗi, đối với loại đất này chỉ thay thế trồng sắn cao sản, tuy nhiên, trồng sắn sẽ khó bán bởi các nhà máy đã có các vùng nguyên liệu. Một số diện tích sau khi trồng keo thì người dân đã chủ động chuyển đổi sang trồng cao su và mía nhưng còn rất ít. Còn đối với huyện thì cũng chưa tìm ra hướng để chuyển đổi thay thế cây keo lai bằng cây khác có hiệu quả. Mà chỉ có đề xuất là Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi MDF Nghĩa Đàn sau khi xây dựng xong cần phải ký kết với vùng nguyên liệu để bao tiêu sản phẩm cho bà con, để người trồng keo không phải lo đầu ra.

Nhiều huyện khác như ở các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Yên Thành …người dân cũng đang phải bán keo non với giá rẻ mạt. Ông Nguyễn Vinh ở xã Đôn Phục - Con Cuông, cho biết: Làm 4 ha keo nhưng do thu hoạch keo non nên bán chỉ đạt trên 20 triệu đồng/ha, hiện gia đình đã trồng lại được trên 2 ha keo, diện tích còn lại chưa biết chuyển đổi sang trồng cây gì để thay thế cây keo lai. Được biết, Đôn Phục có trên 300 ha keo, hiện đã thu hoạch được trên 150 ha keo, diện tích trồng lại chỉ mới được trên 50 ha keo lai, còn lại là người dân chưa dám trồng keo vì sợ bị lỗ. Toàn huyện Con Cuông có 10.000 ha rừng nguyên liệu, trong đó có trên 4000 ha keo lai đến tuổi thu hoạch hiện đã bán được trên 80% diện tích.

Ông Vi Ngọc Quỳnh -Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông nói thêm: Huyện đang khảo sát để phối hợp với các doanh nghiệp trồng trên 3000 ha cao su, trong đó sẽ có một số chủ rừng chuyển đổi từ cây keo sang cao su, dự tính trong năm 2013 sẽ triển khai trồng cao su. Hi vọng cây cao su sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bởi doanh nghiệp đứng ra lo bao tiêu sản phẩm nhựa cao su cho nông dân.

Được biết, địa bàn tỉnh ta có trên 60.000 ha cây keo nguyên liệu đang “tắc” đầu ra. Các tư thương tha hồ ép giá keo ngang với giá …củi khiến người trồng keo thêm khốn đốn. Đã đến lúc cần phải có sự quy hoạch, chuyển đổi cây trồng hợp lý tránh tình trạng “nhà nhà trồng keo”.

Trồng keo ồ ạt không theo định hướng và quy hoạch gắn với giao thông, có nhiều vị trí trồng keo ở sâu trong thung lũng không có đường vào. Chưa kể là do thiếu kỹ thuật, thiếu vốn, người trồng phó mặc cho trời nên đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Đối với Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi MDF Nghĩa Đàn cần phải triển khai ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con xây dựng vùng nguyên liệu ngay từ thời điểm này. Đừng để như Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng ký kết “hão” với dân rồi đóng cửa. Đối với những diện tích có thể chuyển đổi hiệu quả như sắn, mía, cao su, trồng cam thì cần khuyến khích người dân chuyển đổi.


Văn Trường

Mới nhất

x
Keo lai rớt giá, nhiều địa phương tìm hướng chuyển đổi cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO