Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

14/05/2013 19:14

Hỏi: Chủ tịch UBND các cấp từ tỉnh, xã, huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đến đâu? (Nguyễn Đức Dũng – Liên Thành, Yên Thành).

Đáp: Theo Điều 40, Mục 2, Chương 2 của Quyết định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ: Về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
đ) Buộc phục hồi môi trường; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
e) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây ô nhiễm môi trường;
g) Buộc trong thời hạn ấn định phải thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung ghi trong bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận;
h) Buộc phải vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường;
i) Buộc di dời cây trồng gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn kỹ thuật của công trình bảo vệ môi trường.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép;
e) Buộc phục hồi môi trường; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;
g) Buộc tiêu hủy pháo nổ, hàng hóa, vật phẩm, sinh vật gây ô nhiễm môi trường;
h) Áp dụng các biện pháp quy định tại Điểm đ, e, h, i, l và Điểm m, Khoản 3, Điều 3 nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
e) Buộc phục hồi môi trường; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;
g) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất chất thải, phế liệu, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện nhập khẩu không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường đã đưa vào trong nước;
h) Buộc tiêu hủy pháo nổ, hàng hóa, vật phẩm, sinh vật gây ô nhiễm môi trường;
i) Áp dụng các biện pháp quy định tại điểm đ, e, g, h, i, k, l và Điểm m, khoản 3, Điều 3 nghị định này.


Thảo Nhi (Tổng hợp)

Mới nhất

x
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO