Bất cập từ… cơ quan quản lý nhà nước

03/03/2016 21:27

(Baonghean)- Thực hiện kiểm tra 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn dịp cuối năm 2015, Thanh tra Sở Công thương đã phát hiện ra một loạt những lỗi phạm và đã thực hiện xử phạt theo quy định với số tiền là 102.000.000 đồng. Đáng lưu ý, trong những lỗi phạm đã phát hiện lại có việc cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận sai thẩm quyền…

Ngày 3/12/2015, Giám đốc Sở Công Thương ban hành Quyết định số 471/QĐ-SCT về việc thành lập đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Trong 13 ngày, đoàn kiểm tra 11 cơ sở sản xuất kinh doanh, gồm: Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Yên Thành; Công ty CP sản xuất và kinh doanh thương mại Sơn Long; Công ty CP Dương Bình Linh; Chi nhánh Intimex Trung Đô; Nhà máy tinh bột sắn Intimex; Chi nhánh Diễn Thịnh – Công ty TNHH thương mại Vân Hùng; Công ty TNHH Hiếu Thuận; Công ty TNHH MTV Hương Sơn; Chi nhánh Công ty TNHH Yakult Việt Nam tại Nghệ An; Công ty TNHH MTV vật tư tổng hợp Hà Anh, Công ty TNHH thương mại vận tải Tân Phương.

Báo cáoBáo cáo số 107/BC-ĐKTATTP ngày 29/12/2015 của Đoàn kiểm tra
Báo cáo số 107/BC-ĐKTATTP ngày 29/12/2015 của Đoàn kiểm tra.

Theo Báo cáo số 107/BC-ĐKTATTP ngày 29/12/2015 của Đoàn kiểm tra, trong 11 cơ sở sản xuất kinh doanh nêu trên, 2 cơ sở (Công ty CP Dương Bình Linh, Công ty TNHH MTV vật tư tổng hợp Hà Anh) đang tạm ngừng sản xuất; với 9 cơ sở còn lại, sau khi kiểm tra đoàn đã phát hiện 6 cơ sở có những hành vi vi phạm quy định của pháp luật và đã lập biên bản xử phạt hành chính với tổng số tiền là 102.000.000 đồng.

Cụ thể, Nhà máy tinh bột sắn Yên Thành, nơi sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu bị xử phạt 10.000 đồng vì các lỗi: chưa thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho 70 lao động; chưa ban hành bằng văn bản quy trình vận hành máy móc, thiết bị và xử lý sự cố theo quy định.

Công ty TNHH thương mại – vận tải Tân Phương là cơ sở kinh doanh sữa và sữa chế biến (trong đó có sản phẩm yêu cầu bảo quản đặc biệt) bị xử phạt 16.000.000 đồng vì những lỗi phạm: sử dụng người trong diện phải tập huấn kiến thức ATTP theo quy định nhưng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; không cử người làm công tác an toàn; không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động.

Công ty CP sản xuất và kinh doanh Sơn Long là đơn vị sản xuất mặt hàng tinh bột sắn để xuất khẩu bị xử phạt 10.000.000 đồng vì những lỗi phạm: chưa thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho 92 lao động; chưa ban hành bằng văn bản quy trình vận hành máy móc, thiết bị và xử lý sự cố theo quy định.

Công ty TNHH Hiếu Thuận là đơn vị kinh doanh thực phẩm như bánh kẹo, váng sữa, kem… bị xử phạt 24.000.000 đồng vì các lỗi phạm: hoạt động kinh doanh thực phẩm nhưng không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; sử dụng 12 người thuộc diện phải tập huấn kiến thức ATTP theo quy định nhưng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP (gồm cả chủ cơ sở); sử dụng 12 người thuộc diện phải kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng không thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ (gồm cả chủ cơ sở).

Công ty TNHH MTV Hương Sơn là cơ sở kinh doanh sữa, nước ngọt, thực phẩm bao gói sẵn có yêu cầu bảo quản đặc biệt như sữa chua… bị xử phạt 20.000.000 đồng vì các lỗi phạm: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hiệu lực trên 3 tháng.

Chi nhánh Công ty TNHH Yakult Việt Nam tại Nghệ An, là đơn vị phân phối sữa lên men bị xử phạt 22.000.000 đồng vì các lỗi: kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn có yêu cầu bảo quản đặc biệt, có địa bàn kinh doanh từ 2 tỉnh trở lên nhưng không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; sử dụng 10 người thuộc diện phải tập huấn kiến thức ATTP theo quy định nhưng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP.

Điều đáng nói là cũng tại Báo cáo số 107, Đoàn kiểm tra khẳng định, qua kiểm tra phát hiện có 2 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuy nhiên, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận không đúng với quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật liên quan.

Công ty TNHH thương mại – vận tải Tân Phương
Biển quảng cáo của Công ty TNHH thương mại – vận tải Tân Phương tại địa chỉ Cầu Bùng, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu.

Trao đổi về nội dung này, Chánh thanh tra Sở Công Thương - Ông Nguyễn Trọng Lương (Trưởng đoàn kiểm tra theo quyết định 471 của Sở Công Thương) cho biết, hai cơ sở được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền là Công ty TNHH thương mại – vận tải Tân Phương (thôn 7, xã Diễn Kỷ, Diễn Châu) và Chi nhánh Diễn Thịnh – Công ty TNHH thương mại Vân Hùng (xã Diễn Thịnh, Diễn Châu). Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của Công ty TNHH thương mại – vận tải Tân Phương do Trung tâm y tế huyện Diễn Châu cấp ngày 27/9/2013; còn với Chi nhánh Diễn Thịnh – Công ty TNHH thương mại Vân Hùng, là do Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp ngày 8/9/2014.

Ông Nguyễn Trọng Lương, cho biết: “Điều 22 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã nêu rõ Bộ Công Thương được phân công quản lý các loại thực phẩm trong đó có sữa chế biến; đồng thời, Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT có hiệu lực từ ngày 26/5/2014 nêu: Cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý từ hai bộ trở lên (bao gồm cả chợ đầu mối và siêu thị) thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản do Bộ NN&PTNT quản lý). Công ty TNHH thương mại - vận tải Tân Phương là cơ sở kinh doanh sữa và sữa chế biến, còn Chi nhánh Diễn Thịnh - Công ty TNHH thương mại Vân Hùng, là đơn vị kinh doanh sữa, bánh, kẹo. Vậy nên việc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hai cơ sở kinh doanh này là không đúng thẩm quyền.

Vấn đề này, đoàn kiểm tra xử lý như thế nào? Theo ông Nguyễn Trọng Lương: Đoàn xác định, đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Vậy nên sau khi kiểm tra, đoàn đã hướng dẫn hai đơn vị này các thủ tục cần thiết để được Sở Công Thương xem xét cấp lại giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, đoàn đã kiến nghị Giám đốc Sở giao Phòng Kỹ thuật - An toàn phối hợp với các phòng ban tiếp tục thực hiện thông báo tới các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; tuyên truyền hướng dẫn tiến hành các thủ tục cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Riêng với các cơ quan, tổ chức đã cấp Giấy chứng nhận sai thẩm quyền, đề nghị giám đốc sở có ý kiến bằng văn bản để qua đó chấm dứt tình trạng trùng chéo và đảm bảo việc cấp giấy phép theo đúng quy định của pháp luật.

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Mong muốn của người dân là các cơ quan được “trao quyền” thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, qua đó, ngăn chặn các loại thực phẩm “bẩn”, độc hại. Với việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đúng thẩm quyền cho thấy một số cơ quan nhà nước (cụ thể là Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) chưa thực hiện đúng với quy định của pháp luật. Và những cơ sở, doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận, trong thời gian qua, không đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất kinh doanh. Theo Chánh thanh tra Sở Công Thương thì đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về những sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh tiêu thụ ra thị trường? Vì vậy, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền để có sự chấn chỉnh.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN