Liệu Venezuela sẽ 'nối gót' Brazil?

17/05/2016 08:38

(Baonghean) - Những ngày này, Tổng thống Venezuela đang tiếp tục chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng kép chính trị - xã hội đang diễn ra tại nước này. Dù trong diễn biến mới nhất, Phó Tổng thống Venezuela khẳng định, nước này sẽ không tiến hành trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm Tổng thống; thế nhưng, tương lai chính trị của ông Maduro lúc này vẫn còn là dấu hỏi. Dư luận lo ngại, liệu sau Brazil, Mỹ Latinh có phải chứng kiến thêm một kịch bản xấu tại Venezuela nữa hay không?

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đau đầu với khủng hoảng. Ảnh: Getty.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đau đầu với khủng hoảng. Ảnh: Getty.

Hồi hộp chờ chứng thực chữ ký đòi bãi nhiệm

Chỉ trong vòng 1 tuần qua, hàng loạt biện pháp cấp bách đã được Tổng thống Nicolas Maduro đưa ra, cho thấy mức độ nghiêm trọng và phức tạp trên chính trường cũng như đời sống xã hội nước này. Như hôm 13/5, ông Maduro đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước, nhằm đối phó với những âm mưu của phe đối lập cũng như các thế lực bên ngoài hòng lật đổ chính phủ cánh tả của ông.

Đồng thời, Tổng thống cũng phải kéo dài tình trạng khẩn cấp về kinh tế thêm 3 tháng, thậm chí có thể duy trì sang đến năm 2017 để khôi phục khả năng sản xuất cho đất nước. Đến ngày 15/5, Tổng thống Maduro đã ra lệnh cho quân đội tiến hành tập trận trong vòng 1 tuần để đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài.

Những động thái này tiếp ngay sau rất nhiều biện pháp tình thế để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đang diễn ra tại Venezuela, như đẩy sớm múi giờ, cắt giảm giờ làm của nhân viên, cắt điện luân phiên….

Hàng loạt giải pháp đưa ra trong bối cảnh, phe đối lập tại Venezuela tuyên bố đã thu thập được 2,5 triệu chữ ký - vượt xa mức quy định trong hiến pháp để mở đường việc bãi nhiệm Tổng thống.

Thế nhưng, trong tuyên bố mới nhất, Phó Tổng thống Venezuela Aristobulo Isturiz ra tuyên bố khẳng định, nước này sẽ không tiến hành trưng cầu ý dân bất tín nhiệm đối với Tổng thống Maduro. Lý do đưa ra là thủ tục liên quan tới cuộc bỏ phiếu này “có lỗi”.

Trước đó, chính phủ Venezuela đã nhiều lần tố cáo phe đối lập có hành vi gian lận trong việc thu thập chữ ký. Ông Jorge Rodriguez - Thị trưởng thành phố Caracas kiêm người đứng đầu ủy ban đặc biệt của chính phủ do Tổng thống Maduro chỉ định cùng Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) kiểm định chữ ký khẳng định rằng, hơn 11% tờ khai được gửi tới Ủy ban chưa điền đầy đủ thông tin theo quy định.

Tất nhiên, Liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập tại Venezuela đã phản đối tuyên bố này và yêu cầu Ủy ban bầu cử quốc gia đẩy nhanh tiến trình chứng thực chữ ký. MUD cũng chỉ trích Ủy ban bầu cử quốc gia đã chậm trễ trong công tác này. Điều này có nghĩa, tương lai chính trị của Tổng thống Venezuela sẽ còn phải chờ đợi đến ngày 2/6 tới đây, khi các bước chứng thực chữ ký được tiến hành.

Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm đó, ông Maduro sẽ phải đối diện với vô vàn khó khăn để vừa xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong nước; vừa đối phó với những cáo buộc và sức ép từ phe đối lập.

Lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela Henrique Capriles. Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela Henrique Capriles. Ảnh: Reuters.

Đảng cánh tả Mỹ Latinh gặp khó?

Những câu hỏi lớn đặt ra lúc này là: Đâu là nguyên nhân cốt lõi khiến Venezuela lâm vào cảnh khó khăn đến mức như vậy? Đây có phải là hiệu ứng domino từ quốc gia cùng khu vực cũng đang lâm vào cơn khốn khó là Brazil hay không? Và liệu đây có phải là dấu hiệu đi xuống của các đảng cánh tả tại khu vực Mỹ Latinh?

Theo cáo buộc của phe đối lập, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đã quá yếu kém và sai lầm nghiêm trọng trong chính sách quản lý kinh tế cũng như năng lượng. Về phía Tổng thống Maduro, ông nhiều lần cáo buộc các thế lực bên ngoài, đích danh là Mỹ đứng sau “giật dây” các bước đi của phe đối lập trong nước, nhằm lật đổ chính phủ cánh tả của ông.

Tuy nhiên, xét một cách khách quan, các nhà quan sát cho rằng, ở đây có nguyên nhân từ cả hai phía. Thứ nhất, không thể phủ nhận, chính sách vốn phụ thuộc nhiều vào dầu lửa của chính quyền Tổng thống Maduro đã gặp khốn đốn khi giá dầu biến động giảm sâu thời gian qua. Bởi dầu lửa vốn chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela. Đảng cánh tả cầm quyền tại Venezuela cũng dính nhiều cáo buộc tham nhũng, quản lý kém hiệu quả. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Brazil thời gian qua. Trước những diễn biến bất lợi về kinh tế này, phe đối lập tại cả hai nước sẽ chẳng ngại gì mà không viện thành cái cớ để công kích và hạ bệ chính phủ cầm quyền.

Cũng không loại trừ lý do có những sự can thiệp từ bên ngoài như Tổng thống Maduro từng cáo buộc. Bởi Venezuela là một trong những quốc gia đi đầu trong phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh, và không “được lòng” chính quyền Mỹ. Thế nhưng, tất cả những cáo buộc này cho đến nay vẫn chỉ là lời nói và chưa có căn cứ xác thực.

Như thế trước mắt, cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế trầm trọng vẫn đang là những thách thức lớn đối với Tổng thống Maduro. Đồng thời, trong trường hợp các chữ ký được chứng thực, ông Maduro không vượt qua được cuộc trưng cầu ý dân, Venezuela sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Tuy vậy, đây vẫn chưa phải là thời điểm kết thúc của ông Maduro. Bởi trước đó vào năm 2004, một cuộc trưng cầu ý dân tương tự cũng đã diễn ra đối với người tiền nhiệm là cố Tổng thống Hugo Chavez. Tuy vậy, ông Hugo Chavez đã giành thắng lợi. Bởi thế, với câu hỏi: “Liệu Venezuela có nối gót Brazil?” - câu trả lời cuối cùng đang phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực chèo lái và xử lý khủng hoảng của bản thân Tổng thống Maduro và chính quyền của ông trong những tháng tới đây.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN